,

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII: Cần xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra; cần có sắc thuế riêng về bảo vệ môi trường

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII, sáng 31/5, các đại biểu Quốc hội đã nghe các Tờ trình dự án Luật thuế bảo vệ  môi trường, Luật thanh tra (sửa đổi), Luật khoáng sản (sửa đổi) và báo cáo thẩm tra của các Ủy ban (UB) tài chính, ngân sách; UB pháp luật; UB kinh tế. Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn điều khiển phiên họp. 

* Xác định lại địa vị pháp lý của cơ quan thanh tra

Thẩm tra về Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), UB pháp luật cho rằng cần xác định lại địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra. Bởi, theo Dự thảo Luật thanh tra (sửa đổi), Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác thanh tra, vừa là cơ quan giúp Thủ tướng Chính phủ thanh tra những vấn đề thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ. Thanh tra các bộ, địa phương là cơ quan tham mưu, giúp việc Thủ trưởng cơ quan cùng cấp. Đã là một cơ quan cấp bộ trong bộ máy nhà nước thì phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý thống nhất trên phạm vi cả nước về ngành, lĩnh vực được phân công. Trong khi đó, theo quy định của dự thảo Luật, Thanh tra Chính phủ lại có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ yếu như một cơ quan tham mưu, giúp việc cho Thủ tướng Chính phủ và cơ quan thanh tra các cấp được tổ chức tại cơ quan quản lý nhà nước, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp. Mặt khác, thanh tra là một nội dung quản lý nhà nước gắn với hoạt động quản lý nhà nước của một bộ, ngành, một cấp chính quyền nhất định mà không phải là một ngành, lĩnh vực độc lập.

Theo UB pháp luật, nếu giữ địa vị pháp lý của Thanh tra Chính phủ là cơ quan ngang bộ như hiện nay thì chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải mang tính độc lập và tự chịu trách nhiệm, đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống cơ quan thanh tra như các nghị quyết của Bộ Chính trị, của Chính phủ đã đề ra. Những sửa đổi, bổ sung như của dự thảo Luật là chưa giải quyết được mâu thuẫn giữa địa vị pháp lý và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra; chưa tương xứng với vị trí của một cơ quan ngang bộ có chức năng quản lý ngành, lĩnh vực trong phạm vi cả nước.

Việc quy định Thanh tra Chính phủ chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước và yêu cầu các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng cũng cần được xem xét, cân nhắc, tránh chồng chéo, trùng lặp với nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chỉ đạo Trung ương, Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về phòng, chống tham nhũng; nhất là liên quan đến trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong việc quản lý công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp.  Nhiều đại biểu đề nghị nghiên cứu để phân định sự khác biệt giữa hai loại hình thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành; tổ chức lại hoạt động thanh tra chuyên ngành theo hướng giao nhiệm vụ cho cơ quan thực hiện chức năng quản lý về ngành, lĩnh vực; xác định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan thanh tra; quy định về ngạch thanh tra viên; trình tự thủ tục trong hoạt động thanh tra… 

* Không quy định khoản thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản

Dẫu còn có một số ý kiến khác nhau về các quy định của Dự thảo Luật khoáng sản (sửa đổi), song theo đánh giá của UB kinh tế, Dự thảo Luật đã có có nhiều quy định mới, cụ thể, rõ ràng hơn, khắc phục những vấn đề vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, bổ sung những quy định mà Luật hiện hành còn chưa đề cập tới.

Đa số các ý kiến  đều đồng tình với các quy định về Chiến lược tài nguyên khoáng sản (Điều 30); Quy hoạch khoáng sản (Chương VI) và thẩm quyền lập quy hoạch (Điều 33, 34, 81); giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản; thẩm quyền cấp phép; đấu giá quyền thăm dò, khai thác khoáng sản; chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản…

UB kinh tế đề nghị Quy hoạch khoáng sản bao gồm Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về tài nguyên khoáng sản; Quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước và Quy hoạch khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản của ngành. UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp giấy phép thăm dò, giấy phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và khoáng sản tại khu vực có tài nguyên khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; giấy phép khai thác tận thu khoáng sản. Các khu vực còn lại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép. Đồng thời, có quy định phân chia, điều tiết nguồn thu từ hoạt động khoáng sản để đầu tư trở lại cho địa phương nơi có khoáng sản được khai thác; không quy định khoản thu phí đền bù tài nguyên khoáng sản… 

Monre

Tin cùng chuyên mục