,

Hai Bộ sẽ tổ chức giao lưu trực tuyến về đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án giao thông

Tại buổi làm việc giữa hai Bộ cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Hồ Nghĩa Dũng đã thống nhất trong năm 2010, hai Bộ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến giải quyết các vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng các dự án giao thông. Đồng thời hai Bộ sẽ thành lập các nhóm phối hợp nghiên cứu về cơ chế, chính sách liên quan, lâu dài đóng góp, xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý.

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, các hoạt động giao thông vận tải liên quan đến mật thiết các lĩnh vực TN&MT như quản lý đất đai, tài nguyên nước, khí tượng thủy văn – biến đổi khí hậu, đặc biệt là khí tượng hàng hải, hàng không, môi trường không khí, đo đạc, điều tra địa chất…

Đặc biệt, các dự án giao thông thường kéo dài trên nhiều huyện, tỉnh, bởi thế việc quản lý môi trường, đất đai càng phức tạp hợp, cần sự phối hợp mạnh mẽ từ cấp Trung ương đến địa phương.

* Hợp tác mạnh  mẽ giải quyết các vướng mắc trong quản lý đất đai các dự án giao thông (liên tỉnh)

Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng đánh giá cao sự hợp tác giữa hai Bộ trong giải quyết các vấn đề quản lý đất đai các dự án giao thông vận tải, đặc biệt từ khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP và Thông tư 14/2009/TT-BTNMT ra đời đã giải quyết một cách có hệ thống, các vấn đề cấp bách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

Một loạt các dự án lớn như đường ô tô cao tốc Hà Nội – Lào Cai, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội – Hải Phòng, dự án nâng cấp Quốc lộ 1A qua TP. Đồng Hới (Quảng Bình), nhà ga hành khách T2 – Nội Bài, cầu Cần Thơ, đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Dầu Dây… đã được hai Bộ hợp tác giải quyết.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề vướng mắc trong các dự án giao thông, theo Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng, làm chậm tiến độ thực hiện các dự án. Như việc lúng túng xử lý ở cấp địa phương, tìm hiểu nguồn gốc đất, giải quyết vấn đề chênh lệch giá đất vùng giáp ranh…

Các đơn vị thuộc Bộ GTVT kiến nghị Bộ TN&MT cần có hướng dẫn chi tiết tới các địa phương giải quyết các vướng mắc liên quan đến đền bù, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời tổ chức hình thành Tổ chức phát triển quỹ đất và quy định nguồn vốn của tổ chức này.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết vướng mắc trong các dự án vừa qua là do việc áp dụng quy định cụ thể của địa phương với chính sách của Chính phủ thiếu linh hoạt. Bộ TN&MT đã tiếp nhận ý kiến đề xuất xử lý vướng mắc, trực tiếp làm việc, phối hợp với UBND các tỉnh tập trung giải quyết, không để xảy ra khiếu nại. “Các chính sách mới ra đời theo xu hướng ngày càng có lợi cho người dân. Đối với các vướng mắc phát sinh giữa các chính sách cũ và chính sách mới trong các dự án cấp Trung ương, Bộ TN&MT sẽ phối hợp với Bộ GTVT cùng nhau giải quyết đến cùng. Các dự án liên tỉnh thuộc thẩm quyền giải quyết cấp Trung ương, chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hợp tác giải quyết”, Bộ trưởng nói.

Đối với việc hình thành Tổ chức phát triển quỹ đất, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Phùng Văn Nghệ cho biết, Bộ đã có văn bản hướng dẫn các địa phương thành lập Tổ chức này trực thuộc Sở TNMT. Quy định về nguồn vốn cho Tổ chức này, Bộ TN&MT đã hoàn thành dự thảo và Bộ Tài chính đang thẩm định sẽ ban hành trong thời gian sớm nhất.

Hai Bộ trưởng đều cho rằng thực tế giá trị của đất đai được nâng lên một phần lớn nhờ các dự án mở đường giao thông, xây dựng cầu cống. Cần xem xét xây dựng các chính sách để thu được một phần kinh phí tái đầu tư lại cho ngành GTVT.

Liên quan đến vấn đề lập quy hoạch sử dụng đất cả nước đến năm 2020, Bộ TN&MT đề nghị Bộ GTVT đăng ký nhu cầu sử dụng đất công trình giao thông quốc gia đến năm 2020. Bộ sẽ tiếp tục làm việc cụ thể với Bộ GTVT khi xác định các công trình giao thông cấp quốc gia trên bản đồ.

* Cùng xử lý các điểm nhạy cảm về môi trường trong các dự án giao thông

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, 70% ô nhiễm không khí tại các đô thị do hoạt động giao thông gây ra. Để góp phần hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động giao thông vận tải, Bộ GTVT đã ban hành các văn bản nhằm bảo vệ môi trường đô thị và vùng ven đô như quy định về Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với phương tiện cơ giới đường bộ, kiểm tra khí thải xe cơ giới đã quy sử dụng nhập khẩu, triển khai các dự án trong Khung kế hoạch tổng thể thực hiện Chương trình cải thiện chất lượng không khí các đô thị. Bộ GTVT cũng đang xây dựng Đề án kiểm soát khí thải moto, xe máy tham gia giao thông tại các thành phố lớn. Các cơ chế chính sách này đã bước đầu đem lại kết quả tích cực. “Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm không khí vẫn khá bức xúc ở các đô thị và sẽ gia tăng khi các đô thị phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Các dự án về cải thiện chất lượng không khí đô thị cần được triển khai mạnh mẽ hơn”, ông Bùi Cách Tuyến nói.

Một vấn đề môi trường khá phức tạp là các dự án giao thông vận tải thường liên quan đến những điểm “nhạy cảm” về môi trường như vườn quốc gia, khu bảo tồn, liên quan đến đời sống người dân trên diện rộng, liên tỉnh, liên vùng. Theo Bộ GTVT, việc đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường của các dự án còn gặp khó khăn về kinh phí, quy trình cần được Bộ TN&MT có văn bản hướng dẫn hoặc đề xuất hướng xử lý.

Tổng cục trưởng Bùi Cách Tuyến cho biết, Bộ TN&MT đang nghiên cứu và báo cáo Thủ tướng Chính phủ để sửa đổi các quy định về ĐMC, ĐTM trong Nghị định hiện hành để chỉnh sửa, bổ sung hướng giải quyết các vấn đề vướng mắc, bất cập liên quan. “Dự thảo Đề án thu phí thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường do Bộ TN&MT xây dựng đang được Bộ Tài chính thẩm định sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề kinh phí cho công tác thẩm định báo cáo ĐTM”, ông Tuyến cho biết.

Hai Bộ trưởng thống nhất, đối với các dự án giao thông trọng điểm, có liên quan đến các điểm nhạy cảm về môi trường, sẽ có sự tham gia của đại diện Bộ TN&MT. Đồng thời, các  nhóm “đặc nhiệm” sẽ được nhanh chóng thành lập để kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng ngoài vấn đề ô nhiễm không khí, thì vấn đề ô nhiễm đường sắt, cấp nước sạch trên tàu, máy bay, giảm tiếng ồn hàng không cũng là những vấn đề môi trường cần hai Bộ sớm nghiên cứu, đề xuất giải pháp.

Monre

Tin cùng chuyên mục