,

Quy hoạch sử dụng đất: Chưa phù hợp với thực tế

Bộ TN&MT vừa phối hợp với các Bộ, ngành kiểm tra 63 tỉnh thành về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Mặc dù các tỉnh thành đều đã hoàn thành việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010, được Chính phủ xét duyệt. Tuy nhiên, ở cấp huyện, vẫn còn 150/681 huyện chưa hoàn thành hoặc chưa triển khai việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Ở cấp xã cũng vẫn còn 1.991/11.074 xã chưa triển khai (chiếm 17,98%). 7.576 xã, phường, thị trấn đã lập quy hoạch, đạt 68,41%; còn lại 1.507 xã đang triển khai.

Trong tổng số 557 huyện được kiểm tra đối chiếu giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp tỉnh đã được Chính phủ duyệt với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của cấp huyện đã được xét duyệt thì 482 huyện có chênh lệch chỉ tiêu quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 86,5%) và chỉ có 75 huyện thống nhất số liệu. Còn lại 502/569 được kiểm tra không thống nhất chỉ tiêu thu hồi đất sản xuất nông nghiệp đã được duyệt, “chênh” 13.445ha so với quy hoạch, kế hoạch.

Theo báo cáo kết quả kiểm tra, việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại nhiều địa phương còn nhiều bất cập. Cụ thể như khả năng dự báo trong việc lập quy hoạch tại các địa phương chưa cao, chưa sát với tình hình phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch có bố trí xây dựng các công trình hạ tầng nhưng không cân nhắc đầy đủ khả năng tài chính của địa phương để thực hiện; đội ngũ cán bộ làm công tác quy hoạch ở các cấp còn yếu về nghiệp vụ, thiếu kinh nghiệm và chưa có tính chuyên nghiệp. Công tác quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt còn yếu kém, dẫn đến tình trạng để dân lấn chiếm, tự chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, làm tăng chi phí bồi thường nên nhà đầu tư không còn khả năng thực hiện hoặc lo ngại không tiếp tục thực hiện. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng quy hoạch “treo” tại các địa phương. Trong 3 năm (từ 2006-2008), tại 53 tỉnh thành có tới 1.763 trường hợp quy hoạch “treo”. Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý đất đai cho các dự án đầu tư xây dựng trong việc giao đất, cho thuê đất chưa được thực hiện tốt, công tác GPMB,  bồi thường còn chậm so với tiến độ, các thủ tục chậm hơn so với yêu cầu....

Trước tình hình đó, Bộ TN&MT cũng đưa ra những kiến nghị và giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả quản lý sử dụng đất. Theo đó cần xác định rõ nhu cầu diện tích đất nông nghiệp cần phải bảo vệ. Thực hiện rà soát lại các quy định của pháp luật về quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội. Theo Bộ này, việc lập quy hoạch sử dụng đất phải được thực hiện đồng thời với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội và phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành có liên quan cùng tham gia thực hiện để nâng cao chất lượng phương án quy hoạch. Tăng cường kiểm tra việc quản lý, thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các địa phương, nhất là các tỉnh trọng điểm về sản xuất lương thực, các tỉnh xây dựng nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, sân gôn và đô thị. Xử lý nghiêm các địa phương vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định về bảo vệ đất trồng lúa nước. Các khu công nghiệp, khu kinh tế, các khu đô thị phải được quy hoạch phù hợp với thực tế. Việc mở mới, mở rộng, điều chỉnh các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị mới phải được thực hiện với ý nghĩa sử dụng đất đai hiệu quả, chống lãng phí gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt là với những người có đất bị thu hồi.

Monre

Tin cùng chuyên mục