,

Phiên họp thứ 29 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội: Chưa đưa nhà ở vào diện chịu thuế

Tại phiên họp thứ 29 diễn ra sáng 15/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, trước mắt chưa nên đưa nhà ở vào diện chịu thuế và nên sửa tên gọi của Dự thảo Luật thuế nhà, đất thành: “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp”.

Theo Uỷ ban Tài chính – Ngân sách, về thuế đối với nhà, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau về vấn đề đưa hay không đưa nhà vào diện chịu thuế.

Một số ý kiến cho rằng, việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế tại thời điểm hiện nay là cần thiết nhằm tăng cường công tác quản lý, từng bước kiểm soát, điều tiết hợp lý nguồn thu từ nhà ở vào ngân sách nhà nước (NSNN).

Tuy nhiên, đa số ý kiến chưa tán thành với việc đưa nhà ở vào đối tượng chịu thuế. Sau khi cân nhắc trên nhiều khía cạnh, Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách đề nghị trước mắt chưa nên đưa nhà vào diện chịu thuế. Cơ quan này chỉ ra rằng: tại thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế chưa thực sự ổn định, đời sống người dân trong nước còn nhiều khó khăn, việc áp dụng thuế nhà sẽ tác động nhất định đến một bộ phận người dân. Bên cạnh đó, qua lấy ý kiến người dân cho thấy, việc áp dụng thuế tại thời điểm hiện nay chưa thực sự tạo được sự đồng thuận trong nhân dân; việc tổ chức thực thi luật có thể gặp khó khăn do nhiều điều kiện bảo đảm thực thi chưa đầy đủ, đồng bộ. Một lí do khác là số thu từ thuế nhà cho NSNN ước tính không lớn, trong khi đó chi phí cho công tác thu thuế lại không nhỏ.

Xuất phát từ việc chưa đưa nhà vào diện chịu thuế, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị, nên sửa tên gọi của Dự thảo luật  thuế nhà, đất thành: “Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp” để bảo đảm thống nhất giữa tên gọi và nội dung của luật .

Trong buổi làm việc sáng 15/3, nhiều ý kiến thảo luận tập trung vào diện tích đất tính thuế. Bởi theo Dự thảo luật quy định thì diện tích đất tính thuế là phần diện tích ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp chưa có Giấy chứng nhận là diện tích thực tế đang sử dụng.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc căn cứ vào diện tích trên Giấy chứng nhận để tính thuế là không hợp lý vì hiện tượng lấn chiếm hiện nay là phổ biến. Vì vậy, đề nghị thu thuế cả đối với diện tích lấn chiếm.

Về vấn đề này, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách cho rằng, quy định diện tích chịu thuế căn cứ vào diện tích ghi trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa bao quát hết các trường hợp trên thực tế. Vì vậy, cơ quan này đề nghị: diện tích đất chịu thuế là diện tích sử dụng thực tế; đồng thời bổ sung quy định về mức thuế suất riêng (0,15%) đối với đất lấn chiếm do đây là hành vi bất hợp pháp; việc thu thuế đối với diện tích lấn chiếm không phải là hình thức công nhận tính hợp pháp của diện tích này.

Đồng tình với đề nghị này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận cho rằng, trên thực tế đất bị lấn chiếm rất nhiều nhưng khó có thể thu hồi được diện tích lấn chiếm nên phải thu thuế.

Song một số ý kiến khác có quan điểm, nếu chỉ có đánh thuế cao hơn là không được, vì làm như vậy là ngang nhiên thừa nhận đất lấn chiếm.

Về trường hợp có quyền sử dụng nhiều đất ở, một số ý kiến cho rằng, cần cộng dồn diện tích đất chịu thuế để tính thuế trên phạm vi toàn quốc nhằm hạn chế đầu cơ. Tuy nhiên, trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, Thường trực Uỷ ban Tài chính – Ngân sách đề nghị: chỉ tính tổng diện tích đất ở chịu thuế thuộc quyền sử dụng của người nộp thuế tại từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, không cộng dồn diện tích ở mọi địa phương trên toàn quốc như quy định trong Dự thảo.

Thường trực Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, quy định luật có hiệu lực thi hành từ 1/1/2012 là hợp lý./.

www.pcv.org.vn

Tin cùng chuyên mục