,

Hội thảo Chuyên gia EU – Đông Nam Á về bảo tồn và quản lý bền vững đa dạng sinh học

Sáng 25/1/2010 tại Cục Thông tin KH&CN Quốc gia (NASATI) đã diễn ra Hội thảo Chuyên gia EU – Đông Nam Á về bảo tồn và quản lý bên vững đa dạng sinh học do NASATI phối hợp với Dự án SEA – EU – NET, Trung tâm Quốc gia Nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), Trung tâm Hợp tác quốc tế về nghiên cứu nông nghiệp vì sự phát triển Pháp (CIRAD) tổ chức. Hội thảo diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 25 đến 27 tháng 01 năm 2010.

Tham dự Hội thảo quốc tế này có Ông Sean Doyle, Đại sứ - Trưởng phái đòan Ủy ban châu Âu tại Việt Nam; TS. Tạ Bá Hưng – Cục trưởng NASATI; Bà Lê Thanh Bình – Cục trưởng Cục Bảo tồn và Đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ông Nguyễn Hữu Dũng – Cục phó Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và hơn 20 đại biểu quốc tế từ các cơ quan nghiên cứu và trường đại học lớn của Liên minh châu Âu: CH Pháp, Hà Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Tây Ban Nha, các nước thành viên ASEAN: Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Lào..., các tổ chức nghiên cứu quốc tế, đại diện cơ quan quản lý nhà nước thuộc Bộ KH&CN, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các viện nghiên cứu, trường đại học, các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam.

Dù chỉ chiếm chưa đầy 3% diện tích Trái đất, nhưng khu vực ASEAN là cái nôi của 20% các loại động, thực vật mà con người đã biết tới, khiến khu vực này có tầm quan trọng sống còn với tính bền vững của môi trường tòan cầu. Các dãy núi hùng vĩ, những dải rừng già, những con sông và hồ nước ngọt cũng như các vùng biển và các rạn san hô ở khắp các nước ASEAN tạo nên một trong những kho tàng đa dạng sinh học lớn nhất trên thế giới. Các nước ASEAN có tổng diện tích hơn 4,46 triệu km2 thì có tới 43% được rừng che phủ và chứa đựng tới 27.683 loài đặc hữu. Các nước Đông Nam Á có đường bờ biển rộng khắp, sỡ hữu tới 1/3 tổng diện tích các rạn san hô trên thế giới, và đây cũng chính là các vùng san hô có tính đa dạng cao nhất.

Tuy nhiên, ASEAN cũng chính là khu vực đang bị đe dọa nhiều nhất về mặt suy giảm các nguồn tài nguyên đa dạng sinh học. Nguồn tài nguyên đa dạng sinh học này ngày càng bị đe doạ mạnh hơn do phát triển quá nóng, nạn săn bắt và khai thác bừa bãi, buôn lậu sản vật thiên nhiên, khai thác quá mức, ô nhiễm và du lịch. Sự suy thoái này diễn ra ở nhiều cấp độ và lan tràn ở nhiều nơi, thậm chí ngay ở các khu bảo tồn trong khu vực.

Công cuộc bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học đang gặp phải những thách thức lớn lao ở tất cả các nước thành viên ASEAN trên mọi phương diện và quy mô, từ cấp độ khu bảo tồn tới các vùng sinh thái hay quy mô xuyên quốc gia. Vì vậy, mục tiêu của hội thảo là xác định và giới thiệu tiềm năng hợp tác, các mối quan tâm chung giữa Liên minh Châu Âu và Đông Nam Á trong lĩnh vực đa dạng sinh học, xác định những yêu cầu cụ thể của các nước đối tác Đông Nam Á nhằm tăng cường tham gia vào các dự án nghiên cứu thuộc Chương trình khung (FP7) của Liên minh châu Âu, thúc đẩy hoạt động kết nối và hợp tác của các nhà nghiên cứu của hai khu vực. Kết quả của Hội thảo là thông tin quan trọng để Tổng cục Nghiên cứu Ủy ban châu Âu (EC - RTD) điều chỉnh và thiết kế các chương trình tăng cường hợp tác nghiên cứu các công cụ tài trợ nghiên cứu về môi trường và đa dạng sinh học với các nước thành viên ASEAN – khu vực đã được xác định là đối tác quan trọng của Liên minh châu Âu trong hợp tác nghiên cứu. Đây là một hội thảo quan trọng, đúng lúc và phù hợp với mối quan tâm của ASEAN về bảo tồn đa dạng sinh học hiện nay.

Mang TTKH&CN Viet Nam

Tin cùng chuyên mục