,

Bảo vệ lợi ích cộng đồng bị thiệt hại do các cơ sở ô nhiễm môi trường gây ra

Là một trong những nội dung trọng tâm của Hội thảo Đối thoại chính sách giữa các bên có lợi ích liên quan trong việc xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng do Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam phối hợp với Tổng Cục môi trường tổ chức ngày 26/1 tại Hà Nội.

Đại diện lãnh đạo Tổng cục Môi trường, Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam, UB Khoa học - Công nghệ và Môi trường Quốc hội, Sở TN&MT Đồng Nai… tham dự.

Hội thảo là diễn đàn để các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các chuyên gia trao đổi, thảo luận về vai trò, trách nhiệm, tác động đối với các bên liên quan từ việc ô nhiễm, suy thoái môi trường. Qua đó, đưa ra định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ lợi ích của các nhóm xã hội, cộng đồng dân cư bị thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường và ảnh hưởng từ việc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội nước sạch và Môi trường Việt Nam Hồ Ngọc Hải nhấn mạnh: “Lợi nhuận và áp lực cạnh tranh trong sản xuất đã khiến nhiều doanh nghiệp sử dụng công nghệ không thân thiện với môi trường, xử lý không triệt để chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng đến tính sức khỏe và tính mạng của cộng đồng”.

Theo thống kê, tỷ lệ các khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung ở một số địa phương còn rất thấp, có nơi chỉ đạt 20% như: Bà Rịa – Vũng Tàu, Vĩnh Phúc…Bên cạnh đó, một số khu công nghiệp có xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng hầu như không vận hành để tiết kiệm chi phí. Nhiều hệ thống xử lý nước thải không đạt yêu cầu và cũng chỉ hoạt động theo tính chất đối phó với lực lượng thanh, kiểm tra. Hiện nay, cả nước có khoảng 183 khu công nghiệp. Trong đó, mới có 20 khu công nghiệp đã xây dựng hệ thống xử lý chất thải (chiếm 11%). Công tác quản lý chất thải rắn, nguy hại chưa được phân loại, thải lẫn với các chất thải rắn thông thường và xử lý không đúng quy định, hoặc lén lút chôn lấp, gây nguy hại cho môi trường và sức khỏe nhân dân. TS. Hồ Tất Thắng, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, việc giải quyết tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường có thể thực hiện bằng các hình thức: Thương lượng, hòa giải, trọng tài, giải quyết bằng biện pháp hành chính, giải quyết tại Tòa án.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường TS. Lê Kế Sơn, để bảo vệ lợi ích của cộng đồng cần có một hành lang pháp lý đầy đủ, vững chắc làm nền tảng. Đó là, xây dựng và hoàn thiện các văn bản pháp luật nhằm bảo vệ lợi ích của nhóm xã hội cộng đồng trong quá trình xử lý các cơ sở vi phạm gây ô nhiễm. Trong đó bao gồm cả việc hoàn thiện căn cứ pháp lý, trình tự thủ tục khởi kiện các cơ sở gây ô nhiễm, hoàn thiện các công cụ kinh tế bảo vệ môi trường như: Hướng dẫn đánh giá về thiệt hại, bồi thường thiệt hại môi trường, bảo hiểm trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường…

Monre

Tin cùng chuyên mục