,

Cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia

Quy định về thành lập, cập nhật cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia đã được Luật Đo đạc và Bản đồ 2018 quy định cụ thể tại các Điều 10, Điều 15, Điều 16. Theo đó, cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia phải được cập nhật đầy đủ, chính xác theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước của các bộ, ngành, địa phương; phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, phòng chống thiên tai.

 

* Cập nhật kịp thời, chính xác và đầy đủ

Theo quy định của Luật Đo đạc và bản đồ năm 2018, Bộ TN&MT là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về đo đạc và bản đồ trong cả nước. Bộ TN&MT có trách nhiệm quản lý, lưu trữ, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, bản đồ địa hình quốc gia; chịu trách nhiệm xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu (CSDL) nền địa lý quốc gia trên đất liền, hệ thống bản đồ địa hình quốc gia trên đất liền, CSDL và bản đồ địa hình quốc gia khu vực đảo, quần đảo, bản đồ địa hình đáy biển tỷ lệ 1:10.000 và tỷ lệ nhỏ hơn; Vận hành CSDL nền địa lý quốc gia thuộc phạm vi quản lý.

Theo đó, quy trình thành lập, cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia được thực hiện dựa trên sử dụng ảnh vệ tinh, ảnh hàng không kết hợp điều vẽ ngoại nghiệp. Mặt khác, do yêu cầu của xã hội đối với thông tin địa lý đó là nhanh hơn, kịp thời hơn, tức là dữ liệu luôn phải cập nhật, đảm bảo tính thời sự của thông tin. Vì vậy, quá trình cập nhật dữ liệu không gian địa lý và Cơ sở hạ tầng dữ liệu không gian (SDI) hiện đang chuyển sang dựa trên sự kiện - chứ không phải dựa trên thời gian theo chu kỳ.

Hơn nữa, quy định về thành lập và cập nhật CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia đã được Luật Đo đạc và Bản đồ quy định cụ thể không quá 5 năm CSDL nền địa lý quốc gia phải được cập nhật, dữ liệu giao thông, dân cư, cập nhật định kỳ, cập nhật ngay đối với các khu vực có sự thay đổi bất thường…. hoặc làm mới khi biến động lớn hơn 40%.

Mặc dù đã có các quy định cụ thể về việc thành lập và cập nhật CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia, tuy nhiên, thời gian qua, công tác cập nhật CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia vẫn chưa được cập nhật kịp thời, nhiều khu vực thông tin của CSDL nền địa lý và bản đồ địa hình quốc gia đã lạc hậu, không còn tính thời sự, thiếu thông tin mới, hiệu quả sử dụng không cao…

Đo đạc, khảo sát địa hình bằng flycam (UAV/drone) – Bước tiến mới trong đo đạc trắc địa

* “Tự động hoá” quy trình cập nhật

Ngành đo đạc và bản đồ với trọng trách phải cung cấp kịp thời, chính xác, đầy đủ cho xã hội, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế, do đó đòi hỏi phải đưa ra được các giải pháp công nghệ để công tác cập nhật nhanh hơn, kịp thời hơn, liên tục hơn và đặc biệt là giảm giá thành sản phẩm. Điều này đang đòi hỏi Viện khoa học đo đạc và bản đồ phải ưu tiên các nghiên cứu theo hướng từng bước “tự động hoá” quy trình cập nhật dựa trên các công nghệ: ảnh số, đám mây điểm, học máy, học sâu…

Để từng bước "tự động hóa" quy trình cập nhật CSDL nền địa lý quốc gia, Viện cũng đang tập trung nghiên cứu, ứng dụng các phương pháp, công nghệ tiên tiến xây dựng các hệ thống thu nhận, xử lý, tích hợp, lưu trữ, cung cấp thông tin dữ liệu đo đạc bản đồ, hệ thống thông tin địa lý cơ sở quốc gia bảo đảm xây dựng CSDL bản đồ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục