,

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên kiểm tra việc khắc phục ô nhiễm môi trường của Vedan: Ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực khắc phục hậu quả và tiếp tục kiểm tra các nhà máy khác của Vedan

Sáng ngày 28/1/2010, Đoàn công tác Bộ TN&MT do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã đi kiểm tra kết quả thực hiện khắc phục ô nhiễm môi trường tại Công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam (Vedan). Cùng đi có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Xuân Cường, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Bùi Cách Tuyến, Phó Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh.

Tại buổi làm việc với sự tham dự đông đảo của các phóng viên báo chí, ông Yang Kun Hsiang, Tổng Giám đốc Vedan đã báo cáo kết quả thực hiện khắc phục ô nhiễm môi trường sông Thị Vải do Vedan gây ra. Theo đó, Vedan đã nộp tiền truy thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo Quyết định số 131/QĐ-XPHC ngày 6/10/2008 của Chánh Thanh tra Bộ TN&MT; gồm 267,5 triệu đồng xử phạt vi phạm hành chính; đến nay đã nộp đủ toàn bộ số tiền bị truy thu phí bảo vệ môi trường hơn 127,268 tỷ đồng.

VEDAN ĐÃ ĐẦU TƯ 33,1 TRIỆU USD ĐỂ KHẮC PHỤC Ô NHIỄM

Về khắc phục xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn vào nguồn nước, từ tháng 9/2008, Vedan đã ngưng 100% hoạt động sản xuất của các nhà máy: Nhà máy tinh bột mỳ tươi, Nhà máy Lysine, Nhà máy PGA và Nhà máy phát điện (TG1-12MW); giảm công suất 40%-60% đối với các nhà máy còn lại: bột ngọt, tinh bột biến đổi, xút axít, phân bón hữu cơ dạng viên. Vedan đã xây thêm hồ sơ xử lý độ mầu công suất 3.000m3/ngày đêm tại khu xử lý nước thải số 1 (1.500-1.800m3/ngày đêm), đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 5/2009. Vedan xây thêm hồ xử lý độ mầu công suất 1.000m3/ngày đêm tại khu xử lý số 2, đưa vào vận hành thử nghiệm từ tháng 7/2009. Ngoài ra, Vedan còn xây mới 2 hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày đêm tại khu vực hồ bán âm (Khu xử lý số 3) và tại hệ thống xử lý nước thải UASB (Khu xử lý số 2), hiện đang được vận hành thử nghiệm. Đến thời điểm này, Vedan đã lắp đặt xong 3 trạm quan trắc nước thải tự động tại các vị trí: Khu xử lý số 1, số 2 và số 3.

Tổng Giám đốc Yang Kun Hsiang báo cáo đã ngưng xả dịch thải, nước thải sau lên men ra môi trường ngoài, tháo dỡ đường ống (trên 2.200m) và thiết bị liên quan. Vedan đã lập 2 báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt tại các Quyết định số 3708/QĐ-UBND và số 3710/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 và 9 Đề án bảo vệ môi trường đã được Sở TN&MT Đồng Nai phê duyệt từ các Quyết định số 94/QĐ-TNMT đến số 102/QĐ-TNMT ngày 25/1/2010. Cũng theo Tổng giám đốc Yang Kun Hsiang, Vedan đã ngưng sử dụng 20 hồ sinh học. Nước thải tồn đọng của của 20 hồ sinh học được dẫn về Khu xử lý số 2 (Hồ xử lý mầu 1.000m3/ngày đêm và Hệ thống xử lý nước thải 2.500m3/ngày đêm) để xử lý và xả ra cửa xả số 4; đồng thời lắp đặt đồng hồ điện tại các hệ thống xử lý nước thải.

Hệ thống xử lý nước thải của Vedan được quy hoạch thành 4 khu vực. Khu vực 1 bao gồm hệ thống xử lý nước thải hiếu khí bùn hoạt tính, công suất 1.800m3/ngày và 1.500m3/ngày, hệ thống xử lý  màu công suất 3.000m3/ngày. Khu vực 2 bao gồm hệ thống UASB, công suất 1.000m3/ngày, hệ thống xử lý màu 1.000m3/ngày và hệ thống xử lý nước thải số 3 công suất 2.500m3/ngày. Khu vực 3 là hệ thống xử lý nước thải số 4 công suất 2.500m3/ngày. Khu vực 4 là hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 300m3/ngày.

Vedan đã tách riêng hệ thống thoát nước mưa, nước giải nhiệt và hệ thống thoát nước sau xử lý. Cửa xae số 1 là vị trí thoát nước mưa, nước giải nhiệt. Cửa xả số 2 là vị trí thoát nước sau khi xử lý nước thải công nghiệp (hệ thống xử lý tại khu vực 1,3). Cửa xả số 3 là vị trí thoát nước mưa, nước giải nhiệt. Cửa xả số 4 là vị thoát nước sau khi xử nước thải công nghiệp (hệ thống xử lý tại khu vực 2). Cửa xả số 5 là vị trí thoát nước mưa, nước giải nhiệt. Cửa xả số 6 là vị trí thoát nước sau khi xử lý nước thải sinh hoạt.

Vedan đã đầu tư các hạng mục công trình để khắc phục ô nhiễm môi trường với các chi phí đầu tư khoảng 33,1 triệu USD, gồm: Lắp mới 1 hệ thống thiết bị cô đặc dịch thải lên men TVR, đã hoàn thành tháng 10/2009. Xây mới 4 dây chuyền sản xuất phân bón  dạng viên (dây chuyền số 5-8), dây chuyền số 7, 8 đã hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 11/2009, dây chuyền số 5,6 đến cuối tháng 12/2009 đã đưa vào vận hành chạy thử. Đầu tư xây dựng mới 02 hệ thống xử lý nước thải công suất 2.500m3/ngày, trong đó có 1 hệ thống đã đưa vào vận hành tháng 11/2009, còn lại 1 hệ thống đến cuối tháng 12/2009 đã đưa vào vận hành chạy thử. Xây mới 1 hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt công suất 300m3/ngày, đưa vào sử dụng tháng 10/2009. Cải thiện khu vực thu gom chatas thải rắn, hoàn thành ngày 31/12/2009. Lắp mới lưu lượng kế để đo lưu lượng dung dịch CMS xuất khẩu, đã đưa vào sử dụng ngày 15/1/2010. Lắp mới lưu lượng kế để đo lưu lượng nước giải nhiệt, đưa vào sử dụng ngày 9/7/2009. Đã hoàn thành chứng nhận ISO 14001: 2004 và OHSAS 18001: 2008 vào tháng 12/2009.

GHI NHẬN KẾT QUẢ VÀ TIẾP TỤC KIỂM TRA CÁC NHÀ MÁY KHÁC CỦA VEDAN

Sau khi nghe trình bày của Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã đề nghị Tổng Giám đốc Vedan báo cáo rõ hơn về chất lượng nước thải của 20 hồ sinh học. Tổng Giám đốc Vedan, ông Yang Kun Hsiang cho biết nước thải này đã đạt chuẩn BOD>300.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đánh giá sự việc Vedan gây ô nhiễm môi trường là vấn đề cả xã hội, đất nước, kể cả nước ngoài quan tâm. Vì vậy, thời gian qua, các cơ quan chức năng của Bộ TN&MT đã làm việc cật lực, vất vả trong một thời gian dài để thường xuyên giám sát việc khắc phục hậu quả của Vedan. Quan điểm của Bộ TN&MT là phải giải quyết vấn đề một cách triệt để, doanh nghiệp nào gây ô nhiễm thì phải xử lý triệt để, truy đến cùng trách nhiệm, chứ không phải làm theo kiểu “đánh rắn gãy khúc”. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đã chấp hành tốt các quyết định xử phạt, tuân thủ nghiêm túc các biện pháp khắc phục hậu quả, thì các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần phải tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp đó phát triển, tiếp tục sản xuất kinh doanh hiệu quả và bảo vệ tốt môi trường. Đối với Vedan, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Vedan đã nghiêm túc chấp hành các quyết định của Bộ TN&MT (Quyết định số 131/QĐ-XPMT ngày 6/10/2008 của Chánh Thanh tra Bộ TN&MT và Quyết định số 1999/QĐ-BTNMT ngày 21/10/2008), đã đầu tư hơn 33 triệu USD để xây dựng nhiều hệ thống mới bảo đảm bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh. Và trong lúc phải ngưng sản xuất nhiều nhà máy trực thuộc để đầu tư khắc phục ô nhiễm, nhưng Vedan đã không sa thải bất cứ một người lao động nào - đây là một việc làm rất cần ghi nhận của Vedan.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, để lấy lại uy tín của mình, Vedan cần phải tiếp tục làm tốt một số công việc quan trọng nữa. Đó là phải khẩn trương đền bù, hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại một cách “có lý, có tình”, trên cơ sở cùng thống nhất thỏa thuận với các tỉnh, thành phố: Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, TP.HCM. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu Trần Ngọc Thới cho biết Bà Rịa – Vũng Tàu đã chịu thiệt hại ô nhiễm do Vedan gây ra 13 năm nay. Vì vậy, cần phải xúc tiến nhanh hơn việc đền bù, hỗ trợ cho người dân. Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phối hợp với các cơ quan chức năng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng và trong giai đoạn đầu sẽ đề nghị Vedan đền bù, hỗ trợ cho người dân thuộc phạm vi 4 xã của huyện Tân Thành.  

Đối với các nhà máy khác của Vedan nằm ở Gia Lai, Bình Thuận, Bình Phước và Hà Tĩnh, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đề nghị Vedan trước hết phải rà soát lại toàn bộ hoạt động, có báo cáo đánh giá về thực trạng ảnh hưởng từ sản xuất đối với môi trường, khắc phục các khiếm khuyết nếu có; sau đó Bộ TN&MT sẽ tiếp tục kiểm tra hoạt động của các nhà máy này.

Monre

Tin cùng chuyên mục