,

Công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong 15 năm phát triển ngành TN&MT

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, tổ chức thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực sự hoàn thiện và lớn mạnh với 04 tổ chức thanh tra: Thanh tra Bộ và 03 Tổng cục: Quản lý đất đai, Môi trường và Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với tổng số lượng công chức là 91 người. Tổ chức thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ trưởng giao về công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ năm 2002 đến nay, chấn chỉnh việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật tài nguyên và môi trường, góp phần quan trọng vào thành công chung của toàn ngành.

Lịch sử hình thành hệ thống tổ chức thanh tra ngành Tài nguyên và Môi trường

Sau 15 năm xây dựng và phát triển, tổ chức của Thanh tra Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực sự hoàn thiện và lớn mạnh từ 05 phòng chuyên môn được nâng lên thành 07 phòng chuyên môn với 08 lĩnh vực thanh tra chuyên ngành. Tổ chức thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường được tiếp tục phát triển trong giai đoạn từ cuối năm 2008 đến nay với 04 tổ chức thanh tra: Thanh tra Bộ và 03 Tổng cục: Quản lý đất đai, Môi trường và Địa chất và Khoáng sản Việt Nam với tổng số lượng công chức là 91 người. Từ năm 2002 đến năm 2008, tại Trung ương, ngày 25/12/2002, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quyết định số 61/2002/QĐ-BTNMT quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thanh tra Bộ với tổng số. Tại các địa phương, Thanh tra các Sở Tài nguyên và Môi trường tại 64 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thành lập từ năm 2003, đến năm 2008 tổng số cán bộ của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường cả nước là trên 470 người. Từ năm 2008 đến năm 2011, các tổ chức thanh tra về Tài nguyên và Môi trường theo Nghị định số 35/2009/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thanh tra tài nguyên và môi trường. Cụ thể, tại Trung ương, tổ chức thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường bao gồm: Thanh tra Bộ; Thanh tra Tổng cục Quản lý đất đai; Thanh tra Tổng cục Môi trường; Thanh tra Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Tại các địa phương, thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước với tổng số khoảng 530 cán bộ, công chức thanh tra. Từ năm 2011 đến nay, căn cứ Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định số 86/2011/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2011, tổ chức thanh tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ có Thanh tra Bộ và 03 Tổng cục được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành: Tổng cục Quản lý đất đai, Tổng cục Môi trường, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Các Tổng cục không có tổ chức thanh tra trực thuộc và được bố trí bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành. Tổ chức và hoạt động của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường không có thay đổi so với giai đoạn từ năm 2008 đến năm 2011.

 

Bộ trưởng  Bộ Tài nguyên và Môi trường Mai Ái Trực tiếp công dân

 

Đạt nhiều kết quả trong công tác thanh tra từ năm 2002 đến nay

 

Từ năm 2002 đến năm 2008, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai trên 160 cuộc với 170 Đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với trên 3.600 đối tượng thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý và 16 cuộc kiểm tra hành chính nội bộ với 39 đơn vị thuộc Bộ. Qua thanh tra, kiểm tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 3.200 đối tượng với tổng số tiền gần 35 tỷ đồng, thu hồi trên 135 tỷ đồng. Bộ đã thực hiện tiếp tổng số gần 9.700 lượt người dân đến khiếu kiện về tài nguyên và môi trường, trong đó có 460 đoàn đông người. Bình quân mỗi năm Bộ đã tiếp trên 1.600 lượt người, năm 2006 là năm thực hiện tiếp nhiều nhất trong giai đoạn này với trên 2.700 lượt; nhận và xử lý được gần 47.600 lượt đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường (trung bình mỗi năm nhận trên 8.000 lượt đơn thư), trong đó chủ yếu là đơn thư về đất đai với gần 99% tổng số đơn thư. Cũng trong giai đoạn này, Bộ đã tổ chức 62 Đoàn để giải quyết gần 1.700 vụ việc được giao và thuộc thẩm quyền của Bộ.

 

Từ năm 2009 đến năm 2010, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai gần 70 cuộc với 83 Đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với trên 1.200 đối tượng thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý và 14 cuộc kiểm tra hành chính nội bộ với 15 đơn vị thuộc Bộ. Qua thanh tra, kiểm tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 130 đối tượng với tổng số tiền trên 16 tỷ đồng, thu hồi gần 80 giấy phép trong hoạt động khoáng sản. Bộ đã thực hiện tiếp tổng số trên 2.300 lượt người dân đến khiếu kiện về tài nguyên và môi trường, trong đó có 99 đoàn đông người. Bình quân mỗi năm Bộ đã tiếp trên 1.100 lượt người, so với giai đoạn trước số lượt người dân đến khiếu kiện liên tục giảm. Bộ đã nhận và xử lý được gần 12.600 lượt đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường (trung bình mỗi năm nhận gần 6.300 lượt đơn thư). Số lượng đơn thư về đất đai vẫn chiếm chủ yếu (trên 98%). Nhìn chung số lượng đơn thư trong giai đoạn này giảm mạnh so với giai đoạn trước. Cũng trong giai đoạn này, Bộ đã tổ chức 39 Đoàn để giải quyết 114 vụ việc được giao và thuộc thẩm quyền của Bộ. Đồng thời, từ năm 2009 đến năm 2010, Bộ đã chủ động rà soát 118 vụ việc khiếu nại, tranh chấp đất đai tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Phạm Khôi Nguyên tiếp công dân

 

Từ năm 2011 đến nay, Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương triển khai trên 820 cuộc với 920 Đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với trên 6.400 đối tượng thuộc các lĩnh vực do Bộ quản lý và 60 cuộc kiểm tra hành chính nội bộ với 70 đơn vị thuộc Bộ. Qua thanh tra, kiểm tra đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với trên 1.660 đối tượng với tổng số tiền trên 174 tỷ đồng, thu hồi gần 259 giấy phép trong hoạt động khoáng sản và 23.660 ha đất. Bộ đã thực hiện tiếp tổng số trên 14.900 lượt người dân đến khiếu kiện về tài nguyên và môi trường, trong đó có 535 đoàn đông người. So với giai đoạn trước số lượt người dân đến khiếu kiện đã tăng lên, chủ yếu là một số đoàn khiếu kiện nhiều lần. Trong giai đoạn này, Bộ đã nhận và xử lý được trên 26.400 lượt đơn thư tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về tài nguyên và môi trường. Số lượng đơn thư về đất đai vẫn chiếm chủ yếu (trên 90%). Nhìn chung số lượng đơn thư trong giai đoạn này giảm mạnh so với giai đoạn trước. Cũng trong giai đoạn này, Bộ đã tổ chức 174 Đoàn để giải quyết 349 vụ việc được giao và thuộc thẩm quyền của Bộ. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã rà soát, phối hợp với các cơ quan và địa phương có liên quan xử lý 255 vụ việc tồn đọng, kéo dài. Công tác xử lý thông tin qua đường dây nóng: Mới được thành lập từ năm 2016, nhưng đến nay Bộ đã tiếp nhận được 2.368 thông tin qua đường dây nóng, trong đó có 2.262 thông tin trong lĩnh vực đất đai. Đã xử lý 744 thông tin phản ánh rõ ràng. Đến nay địa phương đã có 202 văn bản thông báo kết quả xử lý (109 trường hợp đã xử lý xong, phản ánh đúng là 31 trường hợp, chiếm 28,4%).

 

 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang tiếp công dân

 

Nhìn chung, thanh tra Bộ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ do Bộ trưởng giao về  công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Từ việc chỉ làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai (từ 2002 đến 2004 và những năm trước đây của Tổng cục Địa chính) đã chuyển dần sang vừa làm công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo vừa làm công tác thanh tra, kiểm tra (từ năm 2004 đến năm 2008). Từ việc chỉ làm công tác thanh tra đất đai (năm 2004) đã bắt đầu thanh tra hành chính nội bộ và thanh tra chuyên ngành trên 03 lĩnh vực: đất đai, môi trường, khoáng sản (Năm 2005 và năm 2006). Đến nay, đã tiến hành thanh tra trên tất cả các lĩnh vực: đất đai, môi trường và tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn và đo đạc bản đồ, biển và hải đảo. Số lượng các cuộc thanh tra đã được tăng lên đáng kể, trong khi đó vẫn phải duy trì công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo (công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai luôn luôn được Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao). Từ 04 cuộc thanh tra đất đai năm 2004, tăng lên 15 cuộc thanh tra chuyên ngành năm 2005 và tăng lên khoảng 100 cuộc thanh tra, kiểm tra trong các năm gần đây. Chất lượng các cuộc thanh tra đã được nâng lên đáng kể, thời gian tiến hành các cuộc thanh tra và tiến độ ban hành kết luận đã được rút ngắn. Hàng năm tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh tra cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ và Thanh tra các Sở tài nguyên và Môi trường. Ngoài công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ giao (ưu tiên hàng đầu), Thanh tra Bộ còn phải tập trung lực lượng cho công tác tiếp dân và xử lý đơn thư (có những năm tiếp nhận trên một vạn đơn và tiếp hàng trăm đoàn khiếu nại đông người). Công tác giải quyết khiếu nại đã được Bộ trưởng và Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao và không để đơn thư tồn đọng.

 

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà tiếp công dân 

 

Thanh tra Bộ đã chủ động nghiên cứu, tham mưu cho Bộ đổi mới toàn diện công tác thanh tra, kiểm tra từ công tác xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra: Thanh tra Bộ đã chú trọng ngay từ khâu xây dựng kế hoạch, lựa chọn vấn đề thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; các cuộc thanh tra chuyển từ nhỏ lẻ sang các cuộc thanh tra diện rộng và chuyên đề kết hợp nhiều lĩnh vực có sự tham gia phối hợp giữa Bộ với các Bộ ngành Trung ương, Thanh tra Chính phủ, các Tổng cục và Cục thuộc Bộ, các ban, ngành của địa phương; đồng thời đã định hướng cho các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường. Thông qua đó, đã từng bước hạn chế được sự chồng chéo các Đoàn thanh tra, kiểm tra và xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thống nhất trong toàn Ngành.

 

Hội nghị tập huấn thanh tra diện rộng về khoáng sản và tài nguyên nước năm 2010

 

Việc triển khai công tác thanh tra, kiểm tra được đổi mới theo hướng tổ chức các cuộc thanh tra theo chuyên đề trên nhiều địa phương và kết hợp nhiều lĩnh vực, tập trung vào các nội dung “nóng”. Từ năm 2010 đến nay, Bộ đã tổ chức 17 cuộc thanh tra kết hợp các lĩnh vực đối với các dự án thủy điện, các khu công nghiệp, các tổ chức hoạt động khai thác khoáng sản… trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trước khi triển khai, Bộ đã tổ chức tập huấn về cách thức triển khai thanh tra theo từng nội dung cụ thể cho các cán bộ của các đơn vị và địa phương trực tiếp tham gia các Đoàn thanh tra. Bên cạnh đó, Bộ đã tập trung triển khai các cuộc thanh tra trách nhiệm đối với các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương để kịp thời chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Bộ đã cùng với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai 29 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 29 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

 

Gặp mặt Ngày truyền thống 60 năm Ngày Thanh tra Việt Nam

 

Với những thành tích đã đạt được, trong những năm qua, tập thể và nhiều cán bộ của Thanh tra Bộ đã được tặng nhiều danh hiệu, trong đó nổi bật là một số danh hiệu sau: Cờ thi đua xuất sắc của Bộ trưởng cho đơn vị năm 2004, 2007; Cờ thi đua của Thanh tra Chính phủ năm 2005; Bằng khen của Bộ trưởng về thành tích xuất sắc trong 5 năm (2004 - 2009) thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị; Bằng khen của Bộ trưởng Bộ về thành tích xuất sắc năm 2008; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2009; Bằng khen của Tổng Thanh tra năm 2010; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Bằng khen của Bộ trưởng năm 2012; Cờ thi đua của Bộ năm 2014; Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ năm 2015; Cờ thi đua của Chính phủ năm 2015; Bằng khen của Tổng Thanh tra Chính phủ về 10 thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2016... Bên cạnh đó, cá nhân đồng chí Chánh Thanh tra được tặng Huân chương lao động hạng 3 năm 2015./.

 Chuyên trang ngành TN&MT 15 năm xây dựng và phát triển.

Monre

Tin cùng chuyên mục