,

Chiều 22/3/2024 sẽ diễn ra Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

Chiều nay (22/3/2024), tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 kết hợp với Hội thảo Khoa học “Ứng dụng công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu”. Buổi lễ được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp với trực tuyến.

 

Hưởng ứng Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 với chủ đề “Nước cho hòa bình”, Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 với chủ đề “Khí tượng Thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu” và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 với chủ đề “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”, nhằm kêu gọi các quốc gia cùng đoàn kết hành động và hợp tác để bảo vệ tài nguyên nước; chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và cùng với thế giới hướng tới mục tiêu chung Net Zero vào năm 2050. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Lễ phát động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024.

Thời gian: Bắt đầu từ 14h00, thứ Sáu, ngày 22 tháng 3 năm 2024.

Địa điểm phát động trực tiếp: Hội trường Nguyễn Xiển, Tầng 15, Tòa nhà Tổng cục Khí tượng Thủy văn - Số 8 Pháo Đài Láng, Đống Đa, Hà Nội.

Thành phần tham dự: Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; đại diện Lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể Trung ương; Đại diện Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các tổ chức quốc tế; các tổ chức chính trị - xã hội; cơ quan thông tấn báo chí và cơ quan, tổ chức có liên quan.

Ngày Nước thế giới 22/3/2024: Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”

Ngày Nước thế giới 22 tháng 3 năm 2024 được Liên hợp quốc phát động với chủ đề “Leveraging water for peace” - “Nước cho hòa bình”, tập trung vào vai trò quan trọng của tài nguyên nước đối với sự ổn định và thịnh vượng của thế giới. Khi nguồn nước bị khan hiếm hoặc ô nhiễm, khi mọi người không có khả năng tiếp cận nước an toàn hoặc không được tiếp cận nước một cách bình đẳng, căng thẳng có thể gia tăng giữa những cộng đồng và các quốc gia. Theo báo cáo của Ủy ban về Nước của Liên Hợp Quốc (UN-Water), hiện có hơn 3 tỷ người trên toàn thế giới phụ thuộc vào nguồn nước xuyên biên giới. Trong bối cảnh tác động của biến đổi khí hậu và dân số toàn cầu tăng lên như hiện nay, chúng ta phải đoàn kết để bảo vệ và bảo tồn nguồn tài nguyên quý giá này. Bằng cách cùng nhau hành động để cân bằng quyền con người và nhu cầu của mọi người về nước, nước có thể là động lực ổn định và là chất xúc tác cho sự phát triển bền vững hôm nay và mai sau.

Hiện nay, sự bùng nổ về dân số, sự phát triển mạnh mẽ của các ngành công nghiệp và sản xuất năng lượng khiến nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng. Theo Báo cáo Phát triển Nước Thế giới của Liên hợp quốc năm 2023, con số này tăng khoảng 1% mỗi năm trong vòng 40 năm qua, và dự kiến còn kéo dài đến năm 2050. Bên cạnh đó, do biến đổi khí hậu, tình trạng khan hiếm nước theo mùa cũng gia tăng mạnh mẽ ở các khu vực như Trung Phi, Đông Á, Nam Mỹ; tình trạng này nghiêm trọng hơn ở các khu vực thuộc Trung Đông, và Châu Phi.

Hội nghị Nước của Liên Hợp Quốc năm 2023 là cột mốc quan trọng đánh dấu một Hội nghị lớn về Nước đầu tiên kể từ sau năm 1977, tập trung vào tiến trình đạt được các mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến nước và vệ sinh cho mọi người vào năm 2030. Đồng thời, hiện thực hóa các quyền con người đối với vấn đề nước và vệ sinh. Mặc dù đây vừa là mục tiêu cũng đồng thời là trách nhiệm của mỗi quốc gia, nhưng trên thực tế, để thực hiện được các quyền con người này cần có sự hợp tác nhiều bên liên quan giữa các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và của cả cộng đồng vì những lợi ích chung.

Tại Việt Nam, Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2023 gồm 10 Chương và 86 Điều, đã tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết được những vấn đề trọng điểm về tài nguyên nước hiện nay và tầm nhìn trong tương lai nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho dân sinh, các hoạt động phát triển kinh tế, môi trường. Đây cũng là bước thay đổi rất lớn và kịp thời, bởi hiện nay phần lớn nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nguồn nước sông quốc tế cũng như ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu.

Trong chuỗi các sự kiện năm nay, Hội thảo Quốc tế VACI 2024 được tổ chức với chủ đề “Bảo vệ, phục hồi và phát triển tài nguyên nước: Khoa học, chính sách và thực tiễn”. Sự kiện thu hút hơn 200 đại biểu đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan trực thuộc, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý trong nước và quốc tế… Đây là cơ hội chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, bài học kinh nghiệm hiện nay về các giải pháp quản lý tài nguyên nước phù hợp với Luật Tài nguyên nước mới ban hành của Việt Nam.

Ngày Khí tượng thế giới: “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”

Ngày Khí tượng thế giới 23 tháng 3 năm 2024 được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động với chủ đề là “At the frontline of climate action” – “Khí tượng thủy văn tiên phong ứng phó biến đổi khí hậu”. Qua đó, có thể thấy những nỗ lực dự báo, cảnh báo sớm và chủ động hành động vì khí hậu là vấn đề toàn cầu nhằm tăng cường khả năng phục hồi và ứng phó rủi ro thiên tai, đẩy mạnh giảm phát thải khí nhà kính góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu; đồng thời tiếp tục tăng cường năng lực, nhận thức của đội ngũ cán bộ các cấp, tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho cộng đồng nhằm chủ động các biện pháp phòng ngừa, ứng phó, giảm nhẹ rủi ro thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thiên tai và biến đổi khí hậu đang là những thách thức lớn nhất đối với nhân loại, tác động bất lợi trên nhiều lĩnh vực của đời sống trên cả quy mô toàn cầu, khu vực và quốc gia. Biến đổi khí hậu khiến cho các thảm họa thiên tai nói chung và thiên tai khí tượng thủy văn nói riêng biến động mạnh hơn cả về không gian, thời gian, xảy ra với tần suất nhiều hơn và diễn biến bất thường hơn. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của các thảm họa thiên tai và biến đổi khí hậu. Mục tiêu Phát triển Bền vững số 13 “Thực hiện hành động khẩn cấp để chống lại biến đổi khí hậu và các tác động của biến đổi khí hậu” được Liên Hợp Quốc thông qua và cam kết rằng Mục tiêu này là nền tảng hỗ trợ việc thực hiện tất cả các Mục tiêu Phát triển Bền vững khác. Các hoạt động của WMO và các nước thành viên có ý nghĩa quan trọng và không thể thiếu trong ứng phó biến đổi khí hậu và thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững. Nhiệm vụ này mang ý nghĩa xã hội vô cùng lớn, cụ thể là: Xóa đói giảm nghèo, cải thiện sức khỏe cả về thể chất và tinh thần; Đảm bảo nguồn nước và năng lượng sạch; Bảo vệ sự sống toàn cầu; Tăng cường khả năng chống chịu trước các tác động của biến đổi khí hậu cho tất cả mọi quốc gia, vùng lãnh thổ.

Trong bối cảnh dân số toàn cầu gia tăng, đô thị hóa và suy thoái môi trường, dự báo thời tiết và khí hậu hỗ trợ thúc đẩy sản xuất lương thực và tiến gần hơn tới mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Việc tích hợp giữa thông tin dịch tễ học và thông tin khí hậu giúp tăng cường hiểu biết và quản lý các bệnh nhạy cảm với khí hậu. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo sớm hỗ trợ mục tiêu giảm nghèo bằng cách tạo thêm các cơ hội chuẩn bị sẵn sàng cho người dân và hạn chế tối đa tác động của thời tiết cực đoan đến cộng đồng.

Đặc biệt trong năm nay, nhằm thúc đẩy toàn bộ chuỗi giá trị, từ khoa học, dịch vụ đến hành động vì lợi ích xã hội, đồng thời tăng cường phối hợp trong nghiên cứu và chuyển giao ứng dụng giữa các đơn vị thực hiện công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn, Hội thảo Khoa học “Ứng dụng công nghệ hiện đại trong cảnh báo sớm thiên tai khí tượng thủy văn phục vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu” được tổ chức ngay tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới và Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024. Hội thảo nhằm chia sẻ những  nghiên cứu về thiên tai khí tượng thủy văn nói chung, cảnh báo sớm thiên tai trên cơ sở ứng dụng công nghệ mới và mối quan hệ thiên tai với hoàn lưu khí quyển, địa hình phục vụ giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024: “Reducing Carbon footprint towards Net zero” - “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero”

Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Reducing Carbon footprint towards Net zero” - “Giảm dấu chân Carbon – Hướng tới Net Zero” . Thông điệp này nhấn mạnh vai trò quan trọng trong hành trình hướng tới Net Zero, đồng thời kêu gọi các quốc gia cùng hướng tới một nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững trong đó áp dụng các giải pháp dựa vào thiên nhiên, mở rộng các hành lang đa dạng sinh học, các khu bảo tồn; giảm thiểu phát thải; chuyển đổi năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực; đổi mới sáng tạo khoa học công nghệ nhằm giảm áp lực lên môi trường tự nhiên.

Hiện nay, các hoạt động thường ngày đang góp phần gia tăng ô nhiễm môi trường, lượng phát thải carbon vào không khí hiện nhanh hơn so với khả năng hấp thụ của rừng và đại dương. Đây là một trong những nguyên nhân chính để lại dấu chân sinh thái trong hơn nửa thế kỷ qua. Theo báo cáo Ngân sách Carbon toàn cầu, ước tính các quốc gia sẽ thải ra tổng cộng 36,8 tỷ tấn CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, nếu tính cả lượng khí thải trong việc sử dụng đất tổng lượng khí CO2 toàn cầu sẽ đạt 40.9 tỷ tấn. Thảm thực vật và các đại dương trên thế giới chỉ có thể hấp thụ khoảng 50% tổng lượng khí thải CO2. Nước ta là một quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, việc chủ động ứng phó với Biến đổi khí hậu là vấn đề đặc biệt quan trọng. Việt Nam đã trở thành 1 trong 3 quốc gia đạt được và vượt mục tiêu đã cam kết mỗi năm giảm 2.5% dấu chân carbon. Thực tế theo báo cáo của PwC tốc độ xóa dấu chân của Việt Nam đang nhanh hơn đạt mức 6.5% mỗi năm, đây là tín hiệu tích cực trong thực hiện các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu, các biện pháp giảm nhẹ dấu chân carbon.

Đồng thời, đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện vai trò, trách nhiệm và sự nỗ lực của mình tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc lần thứ 28 (COP28). Tại Hội nghị lần này, kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) được Việt nam công bố giữa các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu. Tháng 7/2023, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án triển khai Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP). Đề án đưa ra 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy hợp tác quốc tế về chuyển đổi năng lượng công bằng nhằm triển khai thực hiện thành công Tuyên bố JETP gắn với thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Thông tin chi tiết về Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ Trái đất năm 2024 và các tài liệu, thông tin tuyên truyền truy cập theo các địa chỉ: Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài nguyên và Môi trường, địa chỉ: http:// http://www.monre.gov.vn; Tổng cục Khí tượng Thuỷ văn, địa chỉ: http://kttvqg.gov.vn; Cục Quản lý tài nguyên nước, địa chỉ: http://dwrm.gov.vn; Cục Biến đổi khí hậu www.dcc.gov.vn; Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, địa chỉ: http://monremedia.vn; Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF), địa chỉ http: //vietnam.panda.org.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục