,

Bảo vệ tài nguyên nước: Trách nhiệm của mỗi cá nhân

Nước, nhất là nước sạch vô cùng quan trọng, đó chính là sự sống của con người. Nước cũng là tài nguyên thiên nhiên và không phải là vô hạn nếu con người khai thác và sử dụng lãng phí sẽ làm cạn kiệt, đe dọa nguy cơ mất an toàn, an ninh nguồn nước. Do đó, bảo vệ nguồn nước, bảo vệ sự sống của chúng ta, mỗi cá nhân cần có trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên vô cùng quý giá này.
 

Niềm vui đã đến với người dân thôn Toạt, xã Hùng Lợi (Yên Sơn), khi công trình nước sạch phục vụ cho hơn 170 hộ gia đình trong thôn được xây dựng.

Ông Triệu Văn Giáp, Trưởng thôn Toạt chia sẻ, trước đây về mùa khô, khoảng từ tháng 1 đến tháng 4, cả bản không đủ nước dùng. Đến mùa mưa nước nhiều lại rất đục, không hợp vệ sinh. Giờ đây, có công trình nước sạch, ống nước kéo về từng hộ dân không phải lo thiếu nước sinh hoạt nữa, chất lượng cuộc sống của người dân nâng lên nhiều. Theo ông Giáp, từng sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt nên giờ có nước dân bản giữ gìn lắm. Mặc dù công trình nước được lắp đặt ngay tại thôn, nguồn nước rất dồi dào nhưng cả thôn đồng lòng nhất trí với Ban quản lý bơm theo giờ để người dân tích trữ nước dùng tiết kiệm, không để chảy lãng phí.

Công trình cấp nước được xây dựng tại thôn Toạt, xã Hùng Lợi (Yên Sơn).

Hàng chục hộ dân thôn Tân Cường, xã Tân An (Chiêm Hóa) dù chưa từng phải sống trong cảnh thiếu nước nhưng ý thức sử dụng tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước luôn được người dân bảo nhau. Bà Bàn Thị Giàng chia sẻ, nước là cuộc sống, thiếu nước 1 ngày là không chịu nổi, nên mình phải sử dụng tiết kiệm. Tiết kiệm cho mình, tiết kiệm để dành cho tương lai con, cháu.  

Theo đồng chí Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An, ý thức tiết kiệm nước bảo vệ công trình nước sạch nông thôn của người dân Tân Cường rất tốt, nước từ công trình bà con để sinh hoạt, còn lại tích trữ nguồn nước mưa, lấy nước suối để tưới cây. Đó là lý do, công trình nước sạch trên địa bàn thôn được xây dựng những năm 2002 - 2023 đến nay vẫn hoạt động hiệu quả, bền vững.
Bên cạnh việc ý thức giữ gìn, bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư thì tác động của biến đổi khí hậu, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, sự gia tăng dân số, nhu cầu khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất, đời sống và sự thiếu ý thức của một bộ phận người dân trong việc xả thải, xâm lấn cũng khiến nguồn tài nguyên nước có nguy cơ bị suy giảm, ô nhiễm.

Đồng chí Phạm Đình Tứ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, tỉnh đã đẩy mạnh thực hiện nghiêm các quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường; thiết lập, quản lý chặt chẽ hành lang bảo vệ nguồn nước; quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, bảo vệ nguồn nước dưới đất, tập trung thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về tài nguyên nước… Theo đó, tỉnh đang thực hiện lập hành lang bảo vệ 78 nguồn nước, trong đó có 67 nguồn là suối, còn lại là sông và ngòi. Cụ thể, huyện Na Hang có 5 nguồn, Lâm Bình có 13 nguồn, Chiêm Hóa có 24 nguồn, Hàm Yên 5 nguồn, Yên Sơn 18 nguồn, TP. Tuyên Quang 3 nguồn, Sơn Dương 10 nguồn. Các nguồn nước này, chủ yếu là nguồn cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt, trục thoát nước cho khu tập trung dân cư tại các địa phương...

Để bảo vệ và giữ sạch nguồn nước, mỗi người dân cần nâng cao ý thức cộng đồng bằng cách không vứt rác bừa bãi, không thải trực tiếp vào nguồn nước sạch; hạn chế tối đa sử dụng các hóa chất gây ô nhiễm môi trường; sử dụng tiết kiệm nước từ những hành động nhỏ nhất như: tắt vòi nước khi không sử dụng, kiểm tra bảo dưỡng đường ống tránh rò rỉ...       

Theo Báo Tuyên Quang Online

Tin cùng chuyên mục