,

Khai thác tiềm năng du lịch biển, đảo: Hướng đột phá phát triển du lịch Việt Nam

Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết: Việt Nam nằm trong số những nước có nhiều bãi biển, vịnh và đảo đẹp nhất thế giới. Ở Việt Nam, các sản phẩm du lịch biển, đảo cũng thu hút lượng khách du lịch đông nhất và mang lại doanh thu du lịch cao nhất. Tuy nhiên, việc khai thác tiềm năng du lịch biển vẫn còn tự phát, nghèo nàn và lãng phí tài nguyên.

Tiềm năng lớn

Với bờ biển dài trên 3.000 km, hàng nghìn hòn đảo lớn nhỏ, hàng loạt bãi tắm cát trắng, nước trong xanh, du lịch biển Việt Nam có điều kiện thuận lợi phát triển. Những bãi biển, vịnh biển của Việt Nam được du khách cả thế giới biết đến như vịnh Hạ Long, vịnh Nha Trang hay bãi biển Đà Nẵng được Tạp chí Forbes bầu chọn là một trong 6 bãi tắm quyến rũ nhất hành tinh# đã nói lên sức hút của biển Việt Nam đối với du khách trong và ngoài nước. Dọc bờ biển Việt Nam hiện có khoảng 125 bãi biển thuận lợi cho việc phát triển du lịch, trên 30 bãi biển đã được đầu tư và khai thác. Trong đó, các khu vực biển có tiềm năng lớn đã đầu tư phát triển là vịnh Hạ Long - Hải Phòng - Cát Bà; Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam; Vân Phong - Đại Lãnh - Nha Trang; Vũng Tàu - Long Hải - Côn Đảo; Hà Tiên - Phú Quốc; Phan Thiết - Mũi Né.

Hệ thống cơ sở lưu trú vùng ven biển của Việt Nam cũng không ngừng tăng lên, đặc biệt số lượng những cơ sở lưu trú tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên phần lớn tập trung ở các địa phương ven biển. Theo thống kê, vùng ven biển có gần 1.500 cơ sở lưu trú với trên 45.000 phòng. Đội ngũ lao động du lịch vùng ven biển hiện chiếm khoảng 65% tổng số lao động trực tiếp của cả nước, tập trung nhiều nhất ở TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu (trên 60%); Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng (8,5%); Hải Phòng - Quảng Ninh (8,1%). Bên cạnh đó, sự phát triển của du lịch biển còn tạo việc làm gián tiếp cho 60 vạn lao động là các dân cư ven biển.

Theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, mặc dù vùng ven biển là lãnh thổ có nhiều thuận lợi hơn những vùng lãnh thổ khác về tài nguyên du lịch tuy nhiên, trong một thời gian dài, tỷ trọng khách du lịch, thu nhập từ du lịch biển so với du lịch cả nước không có sự thay đổi đáng kể. Du lịch biển Việt Nam vẫn chưa tạo được sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách du lịch. Mục tiêu phát triển du lịch biển giai đoạn 2011 - 2020 trở thành ngành động lực kinh tế của Việt Nam; phấn đấu đến năm 2020, du lịch biển Việt Nam đứng vào nhóm nước có du lịch biển phát triển nhất khu vực. Theo đó, Việt Nam sẽ phải hình thành ít nhất 5 khu du lịch biển tầm cỡ có sức cạnh tranh cao trong khu vực là khu du lịch Hạ Long - Cát Bà, khu du lịch Lăng Cô - Sơn Trà - Hội An, khu du lịch Nha Trang - Cam Ranh, khu du lịch Phan Thiết - Mũi Né và khu du lịch Phú Quốc; đồng thời, tiếp tục thu hút đầu tư để phát triển các khu du lịch quốc gia khác đã được xác định để đến năm 2030 có thể trở thành những khu du lịch có sức cạnh tranh trong khu vực.

Giải pháp nào để hút khách ?

Cũng theo Tổng cục Du lịch Việt Nam, du lịch biển đảo của Việt Nam chiếm khoảng 70% trong hoạt động của ngành du lịch và được xem là một trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Du lịch biển, đảo đang trở thành một chiến lược phát triển của ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn trước mắt cũng như lâu dài. Để khai thác tiềm năng và thế mạnh của du lịch biển, đảo, cũng như để thực hiện được những mục tiêu, định hướng đã đề ra trong thời gian tới Tổng cục Du lịch sẽ trình Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển du lịch Việt Nam giai đoạn 2011- 2020, tầm nhìn 2030, trong đó chiến lược thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển được coi là hướng đột phá trong 10 năm tới.

Trong chương trình hành động về phát triển du lịch biển, đảo Việt Nam đến năm 2020 được chia thành hai giai đoạn: từ 2011 - 2015 và từ 2016 - 2020 sẽ có các chương trình trình hoạt động cụ thể như: nâng cao nhận thức xã hội về du lịch biển, điều tra tổng hợp về tài nguyên du lịch biển, đầu tư có hệ thống và có trọng điểm hạ tầng du lịch biển, xây dựng các sản phẩm du lịch biển đặc thù, xây dựng thương hiệu và xúc tiến quảng bá du lịch biển, hợp tác quốc tế về phát triển du lịch biển, triển khai các dự án rà soát và hoàn thiện hệ thống chính sách phát triển du lịch biển, quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển Việt Nam đến năm 2020; phát triển du lịch tại các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và dự án lồng ghép kế hoạch ứng phó tác động của biến đổi khí hậu vào quy hoạch phát triển du lịch biển đến năm 2020. Trong quá trình triển khai, thực hiện dưới sự chủ trì của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, các địa phương ven biển, đặc biệt là các địa phương trên các địa bàn trọng điểm du lịch.

Chiến lược phát triển mới, ngành du lịch sẽ tập trung xây dựng các dòng sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy các giá trị tài nguyên du lịch biển, tài nguyên nhân văn, đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với văn hóa, dựa vào các yếu tố văn hóa để xây dựng sản phẩm du lịch, tập trung vào thị trường khách cao cấp với những sản phẩm mới như du lịch MICE (du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, khen thưởng), du lịch chữa bệnh, làm đẹp..., thông qua xúc tiến có trọng tâm và các sản phẩm du lịch mới để tạo dựng hình ảnh du lịch Việt Nam và một số thương hiệu nổi bật về du lịch.

Monre

Tin cùng chuyên mục