,

27 khu vực biển Việt Nam có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí hydrate

Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), hiện vùng biển Việt Nam có tới 27 khu vực có khả năng tồn tại một trữ lượng lớn khí gas hydrate.

Ông Nguyễn Biểu, Tổng hội Địa chất Việt Nam cho biết: Trong quá trình thực hiện đề tài cấp Nhà nước KC/18/06 - 10, nghiên cứu địa hình đáy biển tài liệu ghi lại địa hình, địa chấn sâu 2D đã cho thấy các dạng dị thường của địa mạo, cấu trúc địa chấn liên quan đến hydrat đã được phát hiện. Dự báo triển vọng tài nguyên khí hydrat ở sườn lục địa Tây Nam biển Đông là rất lớn.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, tại các vùng tồn tại khí hydrat có dạng địa hình khá đặc biệt. Đó là các rãnh cắt dạng tỏa tia, dạng lông chim, dạng ổ, dạng tuyến và dạng rò rỉ. Sự thoát khí hay dung dịch qua lớp trầm tích đáy biển tạo nên tính đa dạng về địa hình có thể liên quan đến sự nổ tung, thoát và tấm lọc... của khí kèm nhiều biểu hiện cụ thể như hiện tượng sủi tăm bong bóng từ đáy biển; hiện tượng xâm tán tỷ lệ nhỏ của các vi bọt hoặc hỗn hợp hydrocarbon trong dung dịch. Các dạng địa mạo này được tìm thấy khá phổ biến ở biển rìa nước ta. Các ổ khí thường có dạng tròn, hình nón, cá biệt một số nơi khí xuyên lên nâng cao từ vài mét cho tới 70m so với mặt biển.

Dựa vào những kết quả nghiên cứu, người ta đã phân thành 4 vùng tiềm năng, xếp thứ tự A, B, C, D. Những vùng biển có tiềm năng lớn là vùng đảo Tri Tôn, Phú Khánh, Tây Nam Biển Đông, Khu vực Đình Trung và Vũng Mây. 27 khu vực có triển vọng lớn nhất với tổng diện tích là 269,26 km2 nằm trong vùng triển vọng loại A. Tài nguyên dự báo cho 27 khu vực có biểu hiện thoát khí có phản xạ mô phỏng đáy và vùng có phản xạ trắng tốt nhất. Những phát hiện trên đã mở ra hướng nghiên cứu tài nguyên môi trường biển mới, với những tiềm năng kinh tế lớn cần được tiếp tục đầu tư khai thác.

Các số liệu đo đạc nhiệt độ nước biển Đông cho thấy, nhiệt độ đáy biển phụ thuộc vào độ sâu (với độ sâu đáy biển từ 300 - 500m thì nhiệt độ đáy biển thay đổi từ 10,5 đến 7,5 độ C và độ sâu từ 1000 - 3000m thì thay đổi từ 5 - 2,5 độ C). Ở phần sâu hơn tại Trũng biển Đông, nhiệt độ xuống dưới 2độ C. Khu vực sườn lục địa, việc thay đổi nhiệt độ có giá trị cao, từ 60- 94 độ C/km. Vì vậy phần nước sâu trên 300m của Biển Đông Việt Nam đáp ứng về điều kiện nhiệt độ để hình thành khí hydrate.

Theo các nhà khoa học, phần lớn địa hình đáy biển trên vùng biển Việt Nam có vĩ tuyến trùng với hướng tách giãn của biển Đông. Tại đây, xuất hiện nhiều núi lửa, là dạng địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cao nguyên ngầm, các đới nâng. Phần sườn lục địa miền Trung và Đông Nam, địa hình đáy biển thay đổi đột ngột từ vài trăm mét xuống 1500 - 2.500m, tạo thành vách dốc đứng. Khu vực này hình thành nhiều núi lửa trẻ, đây là địa hình thuận lợi cho việc hình thành các cấu trúc dạng nón trầm tích. Các cấu trúc này rất thích hợp cho việc hình thành khí hydrate tại các cao nguyên ngầm, các đới nâng, các nón trầm tích đáy biển, bùn núi lửa... Đặc biệt, phần phía Nam của quần đảo Trường Sa có tồn tại cấu trúc dạng "nêm tăng trưởng" là một trong những cấu trúc địa hình rất thuận lợi cho việc tồn tại khí hydrate.

Khí hydrate là một chất kết tinh bao gồm phân tử nước và metan thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương, là nguồn nguyên liệu thay thế cho dầu lửa và than đá. Khí hydrate đã được các nhà khoa học trên thế giới xếp vào một trong 9 nguồn năng lượng sạch trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục