,

Tăng cường xử lý vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai

Từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực thi hành đến nay, qua công tác thanh tra, kiểm tra, toàn tỉnh đã phát hiện 1.489 trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai. Mặc dù các vụ vi phạm cơ bản đã được xử lý kịp thời, nhưng tình hình tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn diễn ra đòi hỏi phải có sự tập trung chỉ đạo giải quyết tích cực của cấp ủy, chính quyền và các ngành chức năng.
Trong tổng số 1.489 vụ vi phạm đất đai được phát hiện và xử lý từ năm 2003 đến nay thì có 1.410 trường hợp vi phạm trong việc sử dụng đất với diện tích hơn 8.000 ha. Trong đó, sử dụng đất sai mục đích có 873 trường hợp vi phạm với 562,9 ha; cho thuê, cho mượn, chuyển nhượng đất trái pháp luật là 12 trường hợp, với diện tích 925,89 ha; lấn chiếm đất có 480 trường hợp với diện tích lấn chiếm 807,98 ha; không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liền hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất tại thực địa có 1 trường hợp, diện tích 17,9 ha. Ngoài ra, còn một số vi phạm khác như: Sử dụng đất kém hiệu quả, để đất bị lấn chiếm, chưa nộp tiền thuê đất; quản lý sử dụng đất không đúng quy định... Lỗi vi phạm chủ yếu do các tổ chức sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất nhưng đã tự ý cho mượn, cho thuê, chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng. Một số hộ do thiếu hoặc không có đất sản xuất nông nghiệp nên đã lấn chiếm vào đất lâm nghiệp để sản xuất.

Trên cơ sở phân tích các lỗi vi phạm, UBND tỉnh đã ra quyết định thu hồi 7.083,18 ha đất của 44 tổ chức; xử phạt vi phạm hành chính đối với 29 tổ chức sử dụng đất với số tiền là hơn 86 triệu đồng, 40 cá nhân gần 39 triệu đồng; truy thu tiền thuê đất chưa nộp đối với 31,46 ha, số tiền là 315.886.000 đồng; xử lý 1.232 trường hợp hộ gia đình, cá nhân có các hành vi sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích, lấn, chiếm đất để trồng cây hàng năm bằng hình thức buộc trồng rừng mới, khoanh nuôi phục hồi rừng.


Bộ phận một cửa UBND phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) tiếp nhận và giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai tại địa phương.

Ngoài những vi phạm về đất đai đã được phát hiện, xử lý, theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 của UBND tỉnh, từ năm 2004 đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra tỉnh, UBND các cấp đã tiếp nhận 2.807 đơn thư khiếu nại, tố cáo và đề nghị liên quan đến đất đai. Nội dung chủ yếu về chính sách đền bù, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết tranh chấp đất đai.

Theo ông Đặng Minh Tơn, Chi cục trưởng Chi cục Đất đai, Sở Tài nguyên - Môi trường, nguyên nhân dẫn đến việc vi phạm về đất đai cũng như phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo về đất đai là do đất trở thành một tư liệu sản xuất quan trọng và là một tài sản có giá đối với mọi người dân. Công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập, không đủ cơ sở cho việc quản lý đất đai; việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn chưa kịp thời. Tình trạng lấn chiếm đất đai diễn ra phổ biến, việc chuyển nhượng trao tay trong nhân dân không tuân theo quy định của pháp luật làm phát sinh các khiếu kiện, tranh chấp đất đai khó giải quyết. Hệ thống pháp luật quy định về giải quyết tranh chấp đất đai chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ các quy định của pháp luật về đất đai. Một bộ phận cán bộ, công chức làm công tác giải quyết tranh chấp đất đai còn thiếu kinh nghiệm và kiến thức pháp luật nên hiệu quả giải quyết không cao. Vì vậy, tranh chấp, khiếu kiện đất đai đang là một thách thức đối với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần sự vào cuộc quyết liệt, phối hợp của nhiều cấp nhiều ngành từ trung ương tới địa phương. Có như vậy, những sai phạm và tình trạng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai mới được giải quyết, qua đó góp phần duy trì sự ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trong cả nước và ở từng địa phương.

Theo TQĐT

Tin cùng chuyên mục