,

Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2013: Một năm bứt phá ngoạn mục

TQĐT - Năm 2013, tỉnh ta đã cấp trên 465.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho trên 301.000 lượt tổ chức, cá nhân, hộ gia đình. Với hoàn thành trên 90% tổng diện tích đất cấp cho hộ gia đình, cá nhân và 99,5% tổng diện tích đất cấp cho các tổ chức, tỉnh ta đã bứt phá ngoạn mục, trở thành một trong những tỉnh dẫn đầu trong việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu.

Bộ Tài nguyên và Môi trường  đánh giá tỉnh ta là một trong những tỉnh khắc phục khó khăn, có những cách làm hay, sáng tạo trong cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Phóng viên Báo Tuyên Quang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về vấn đề này.


Đồng chí Hoàng Văn An, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường

Phóng viên (PV): Thưa đồng chí, đầu năm 2013, tỉnh ta vẫn là một trong những tỉnh nằm trong top chậm của cả nước trong việc thực hiện cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trước thực trạng đó, Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận QSDĐ của tỉnh nhìn nhận vấn đề này như thế nào? 

Đồng chí Hoàng Văn An: Quản lý đất đai, cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho các cá nhân, tổ chức nếu làm tốt sẽ đạt được các mục tiêu lớn như: xác định ranh giới hiện trạng; phát huy vai trò của các tổ chức, cá nhân trong quản lý và sử dụng đất làm cơ sở cho việc khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai; phát huy được quyền của người dân trong quá trình góp vốn, vay vốn, cho, tặng, chuyển nhượng; hạn chế khiếu kiện, đặc biệt tại các khu vực nông thôn… Từ năm 2003, Luật Đất đai có hiệu lực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo đẩy mạnh quản lý đất đai, trong đó có quá trình cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Trong quá trình triển khai, tiến độ cấp giấy vẫn chưa đạt được mục tiêu cũng như đáp ứng được yêu cầu của người dân. Có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cấp giấy chứng nhận, như: Tỉnh ta địa bàn rộng, tài liệu cơ bản về đất đai còn hạn chế; số diện tích chưa được đo đạc địa chính còn lớn; nguồn nhân lực mỏng; kinh phí đầu tư chưa nhiều; sự quyết tâm của một số địa phương chưa cao… 

Từ tình hình trên, thực hiện Nghị quyết TW 7 về kê khai đất đai, Nghị quyết số 30 của Quốc hội và Chỉ thị số 05 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý đất đai, yêu cầu cấp bách đặt ra là tỉnh ta phải tập trung hoàn thành việc kê khai, đo đạc và cấp giấy lần đầu với tỷ lệ trên 85%. Tuy nhiên, do những khó khăn trên mà thời điểm đầu năm, tỉnh ta nằm trong top 22 tỉnh chậm của cả nước về cấp giấy chứng nhận lần đầu và tỷ lệ chưa đạt đến 70%. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, với một quyết tâm cao nhất là phải hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận QSDĐ lần đầu cho các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trong toàn tỉnh.

PV: Đề nghị đồng chí nói rõ hơn về những giải pháp để đạt được kết quả cấp giấy chứng nhận QSDĐ năm 2013 ở tỉnh ta?

Đồng chí Hoàng Văn An: Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu với tỉnh ra Chỉ thị số 01 về đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận QSDĐ, trong đó huy động toàn bộ lực lượng và giao trách nhiệm rõ ràng cho từng tổ chức, cơ quan, đơn vị, từng cấp… Coi cấp giấy chứng nhận QSDĐ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, những giải pháp lần đầu tiên được áp dụng nhưng đã phát huy hiệu quả như: Xã nào không hoàn thành nhiệm vụ cấp giấy, lãnh đạo xã sẽ chịu trách nhiệm trước huyện và chịu hình thức kiểm điểm; tổ chức nào không thực hiện kê khai sẽ bị xử phạt hành chính. 


Nông dân thôn Mỹ Hoa, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn) yên tâm canh tác
cây chè trên diện tích đất được cấp giấy CNQSDĐ.

Ngay sau đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã huy động toàn bộ lực lượng thực hiện rà soát diện tích đất; xây dựng các hướng dẫn để các địa phương thực hiện như Hướng dẫn số 206, Hướng dẫn số 450 và các văn bản chỉ đạo khác.

Đồng thời củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Sở Tài nguyên và Môi trường cũng tập huấn, xác định các nội dung để triển khai từ tỉnh đến huyện; thành lập một đội giúp việc cho các huyện, thành phố, thực hiện việc kiểm điểm đánh giá 10 ngày 1 lần, từ đó có những giải pháp cụ thể, thiết thực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương. Khuyến khích cán bộ trong sở có những sáng kiến, giải pháp về nhập dữ liệu, xử lý dữ liệu bằng công nghệ thông tin, đảm bảo nhanh, chính xác và hiệu quả. Các cấp, các ngành cũng cùng vào cuộc, huy động tổng lực nguồn lực, sáng kiến trong việc giúp dân kê khai, đo đạc đất đai như MTTQ, Hội Nông dân, đặc biệt là lực lượng thanh niên với phong trào “Mùa hè sổ đỏ”… qua đó thu hút được người dân cùng vào cuộc tích cực, chịu trách nhiệm kê khai, ranh giới của gia đình mình. 

 

     Cơ sở sản xuất Tất Thắng, tổ 17, phường Nông Tiến (TP Tuyên Quang) được

cấp giấy chứng nhận thuê đất lâu dài, yên tâm đầu tư phát triển SXKD. 

Qua những cách làm này, phong trào “Thôn cũng làm địa chính, người dân cùng tham gia vào công tác địa chính” không hẹn mà gặp, trở thành khẩu hiệu của từng thôn, từng xã, từng địa phương. Đặc biệt trong quá trình thực hiện đã góp phần đẩy nhanh thực hiện cải cách hành chính: Từ kê khai, lập bản đồ, hồ sơ, phân loại hồ sơ đến họp xét đều được thực hiện ngay tại xã, nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu công khai, minh bạch và dân chủ. Quyết tâm của ngành là xây dựng được một “kịch bản” triển khai đúng đắn, có đường dẫn khoa học, phù hợp với thực tế, đúng với nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt công tác tuyên truyền từ các cơ quan báo, đài địa phương cũng góp phần không nhỏ cho công tác cấp giấy chứng nhận QSDĐ. Qua thông tin đại chúng, những cách làm hay, sáng tạo, những địa phương tích cực đều được nêu gương, tạo ra một niềm tin rất lớn cho nhân dân. 

Với tất cả những giải pháp này, từ vị trí 22 tỉnh chậm của cả nước, đến cuối năm 2013, tỉnh ta đã hoàn thành được một khối lượng công việc tương đối lớn: Tính đến 31-12-2013, toàn tỉnh cấp được trên 465.000 giấy chứng nhận cho trên 301.000 tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, với diện tích trên 244.000 ha. Trong đó hộ gia đình, cá nhân đạt trên 90% tổng diện tích cần cấp, tổ chức đạt 99,5% tổng diện tích cần cấp. Đặc biệt, đất của các nông, lâm trường, các công ty lâm nghiệp trên địa bàn lần đầu tiên cũng được đo đạc, xác định và cấp giấy.

PV: Trong năm 2014, để tiếp tục quản lý chặt chẽ đất đai và hoàn thiện việc cấp giấy chứng nhận QSDĐ, Sở đã có những giải pháp cụ thể nào?

Đồng chí Hoàng Văn An: Với những kết quả đã đạt được trong năm 2013 như đã nêu trên, năm 2014 ngành Tài nguyên vẫn xác định nhiệm vụ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là công việc quan trọng, cụ thể là: Phải tiếp tục rà soát những hồ sơ đã lập từ năm 2013 mà chưa đủ điều kiện để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân xử lý những thửa đất này; xây dựng hoàn thiện bộ hồ sơ địa chính để quản lý, từng bước ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đất đai theo hướng hiện đại và minh bạch, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh và nguyện vọng của nhân dân.

 Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng các thể chế pháp lý để triển khai Luật đất đai sửa đổi năm 2013. Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao năng lực bộ máy quản lý đất đai, xây dựng điều chỉnh các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng và quản lý chặt chẽ giá đất trong thị trường bất động sản, phát huy vai trò của tài nguyên đất trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

PV: Xin cảm ơn đồng chí !
 

www.baotuyenquang.com.vn

Tin cùng chuyên mục