,

Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003

Ngày 10/3/2011 tại TP.HCM, Ban Chỉ đạo Trung ương về Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003, Bộ Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) đã phối hợp với UBND TP.HCM và UBND tỉnh Đồng Nai tổ chức Hội nghị Tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên. Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh…

Kết quả thi hành Luật Đất đai 2003

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên cho biết: Luật Đất đai năm 2003 được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 26/11/2003 tại Kỳ họp thứ 4 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2004. Trong thời gian qua, Bộ TN&MT đã tích cực, chủ động tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để Luật đi vào cuộc sống, làm cho công tác quản lý đất đai từng bước đi vào nề nếp, sử dụng đất hiệu quả hơn, đạt được kết quả chủ yếu như:

Về công tác ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, đến nay, Chính phủ đã ban hành 13 Nghị định, Bộ TN&MT, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành khác ở Trung ương đã ban hành hơn 200 văn bản, trong đó có 65 văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và hơn 150 văn bản liên quan đến pháp luật đất đai.

Công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ngày càng được đổi mới: đổi mới phương pháp lập quy hoạch theo hướng nâng cao chất lượng và tính khả thi của phương pháp quy hoạch, làm rõ nội dung về chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất của từng cấp tạo tính linh hoạt và chủ động của địa phương trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, xác định rõ chỉ tiêu đất lúa của cả nước cần bảo vệ để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia theo Nghị quyết của Bộ Chính trị, quỹ đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, các khu bảo tồn thiên nhiên để bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững.

Về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã ban hành thống nhất một loại giấy chứng nhận, khắc phục được những bất cập trước đây, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, thời gian giải quyết một số thủ tục được rút ngắn hơn.

Công tác tài chính, đất đai, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và giải phóng mặt bằng đã định được giá đất theo giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường đã góp phần làm tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, đổi mới công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, góp phần quan trọng trong việc tháo gỡ cơ bản về cơ chế, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Công tác quản lý Nhà nước về đất đai theo chủ trương kinh tế hóa, phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Bộ TN&MT đã tham mưu trình Chính phủ ban hành Nghị quyết số 27/NQ-CP năm 2009 về tăng cường quản lý Nhà nước về công tác TN&MT và đồng thời Ban Cán sự đảng Bộ TN&MT cũng đã ban hành Nghị quyết số 27-NQ/BCSĐTNMT ngày 2/12/2009 về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT. Công tác quản lý nhà nước về đất đai đối với sự phát triển của thị trường BĐS, thực tế hiện nay cho thấy, trong thị trường BĐS của nước ta thì thị trường quyền sử dụng đất là chủ yếu và đang giữ vai trò quyết định đến sự phát triển của thị trường BĐS, đồng thời trong thị trường quyền sử dụng đất thì thị trường đất ở chiếm tỷ trọng lớn, quỹ nhà ở và quỹ đất để phát triển nhà ở trong những năm qua đã không ngừng gia tăng cả về chất lượng và số lượng.

Sửa đổi Luật Đất đai 2003 nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, thực tế triển khai thi hành Luật Đất đai trong thời gian qua đã phát sinh những nội dung cần phải điều chỉnh như: Vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý, điều tiết các nguồn lợi về đất đai để phát triển, vấn đề phân bố nguồn tài nguyên đất đai, chính sách giao đất nông nghiệp, thời hạn sử dụng đất nông nghiệp trồng cây hàng năm đã giao theo Nghị định số 64/CP năm 1993, chính sách điều tiết lợi ích từ đất đai giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân, cơ chế chính sách tạo quỹ đất của Nhà nước phục vụ các mục tiêu công ích, chính sách xã hội, điều tiết thị trường đất đai và hỗ trợ tái định cư; thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước, của các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế…

Ngày 19/6/2010, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 48/2010/QH12 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011 của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011). Trong đó có chương trình sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Tiếp theo đó, ngày 23/7/2010, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 1315/CT-TTg về việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003. Ngày 9/9/2010, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1665/QĐ-TTg thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thống nhất việc triển khai thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 trên toàn quốc, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các Bộ ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện tổng kết thi hành Luật Đất đai, tổng kết đánh giá việc thực hiện thi hành Luật Đất đai, chỉ đạo việc xây dựng dự án sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 theo yêu cầu của Bộ Chính trị và Quốc hội.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết: Việc tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003 là để đánh giá sâu, rộng những kết quả đạt được, đúc kết những ưu điểm, tồn tại trong quá trình thi hành Luật Đất đai, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất những nội dung cần sửa đổi Luật Đất đai nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của nước ta đến năm 2020 và những năm tiếp theo là việc làm rất cần thiết và cấp bách. Theo đó, mục đích và yêu cầu của đợt tổng kết thi hành Luật Đất đai kỳ này là: Đánh giá khách quan kết quả thi hành Luật Đất đai năm 2003 của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đánh giá cụ thể từng nội dung quản lý Nhà nước về quản lý đất đai để làm rõ những mặt đạt được, những yếu kém, tồn tại và nguyên nhân; làm rõ vai trò của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai, thống nhất quản lý đất đai, thực hiện quyền định đoạt đối với đất đai, điều tiết các nguồn lợi về đất đai, trao quyền sử dụng đất và làm rõ quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; đánh giá về trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật của các cơ quan trung ương và chính quyền các cấp; đề xuất, kiến nghị những nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2003 phù hợp với tình hình phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh đến năm 2020.

 

Kết quả thi hành Luật Đất đai 2003 tại TP.HCM và Đồng Nai

Đối với TP.HCM và Đồng Nai, ngoài các nội dung tổng kết chủ yếu trên, Ban Chỉ đạo đề nghị phân tích sâu thêm một số nội dung đặc thù cơ bản: Phân tích, đánh giá vai trò của Nhà nước với tư cách là chủ sở hữu về đất đai trong việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn; vấn đề cổ phần hóa doanh nghiệp liên quan đến quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, vấn đề thế chấp, bảo lãnh, góp vốn sản xuất kinh doanh bằng quyền sử dụng đất, quyền đầu tư trên đất của người sử dụng đất trên địa bàn; vấn đề thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; vấn đề bồi thường, hỗ trợ tái định cư; vấn đề điều tiết giá trị gia tăng từ đất do Nhà nước đầu tư; vấn đề xây dựng ban hành bảng giá đất hàng năm và việc xác định giá đất theo giá thị trường trong điều kiện bình thường; vấn đề sử dụng đất các công trình ngầm và các cơ chế, giải pháp về sử dụng đất trong việc di dời các cơ sở gây ô nhiễm, các trường học, cơ sở y tế ra khỏi khu vực nội thành và nội thị; chính sách giao đất đối với các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư nước ngoài sau khi Việt Nam gia nhập WTO; vấn đề thẩm định và xét duyệt quy hoạch đối với địa phương thí điểm bỏ HĐND; mô hình quản lý đất đai tại đô thị TP.HCM và Đồng Nai; tình hình hoạt động của các tổ chức dịch vụ công về đất đai, đặc biệt là các tổ chức dịch vụ hỗ trợ thị trường BĐS; những bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác quản lý, sử dụng đất đai trong thời gian qua.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM Đào Anh Kiệt cho biết: Sau gần 7 năm thi hành Luật Đất đai với một hệ thống quy phạm khá hoàn chỉnh, rõ ràng, thể hiện quan điểm đổi mới phù hợp với cơ chế thị trường và tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai, số vụ vi phạm trong quản lý đất đai đã giảm nhiều, hạn chế tình trạng đầu cơ đất đai cũng như giao đất trái quy định của pháp luật…Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình quản lý và sử dụng đất đai còn một số hạn chế, các quy định về pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn cuộc sống và sự chuyển biến của nền kinh tế thị trường như: nhiều khái niệm về thuật ngữ chưa được định nghĩa rõ, vì thế một số điều luật được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau hoặc không rõ; sự thiếu đồng bộ, nhất quán thậm chí mâu thuẫn giữa Luật Đất đai và các luật khác. Các văn bản pháp luật liên quan ban hành tại nhiều thời điểm khác nhau và do các Bộ, ngành khác nhau soạn thảo; hệ thống Luật Đất đai hiện hành còn thiếu cơ chế thực hiện việc điều tiết hài hòa về lợi ích giữa Nhà nước, người sử dụng đất và chủ đầu tư…Từ những thực tiễn quản lý đất đai trên địa bàn TP.HCM, Sở TN&MT cũng đã có một số kiến nghị để sửa đổi bổ sung Luật Đất đai trong thời gian tới.

Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho biết: Tại Đồng Nai, Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn đã được tỉnh tập trung tuyên truyền, phổ biến và triển khai kịp thời góp phần đưa pháp luật đất đai đi vào cuộc sống, là cơ sở pháp lý quan trọng điều chỉnh các quan hệ về đất đai, phát huy tiềm năng của đất đai phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Qua gần 7 năm thi hành Luật Đất đai năm 2003, bên cạnh nhũng kết quả quan trọng đạt được, vẫn còn tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện, vì vậy Đồng Nai đưa ra một số kiến nghị, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; về căn cứ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; việc xây dựng giá đất, công bố bảng giá đất hàng năm; công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư; thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (trồng cây lâu năm); hạn mức sử dụng đất nông nghiệp khi cấp Giấy chứng nhận; xác định diện tích đất ở đối với trường hợp có vườn, ao; đất sử dụng vào mục đích an ninh quốc phòng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất và giải quyết khiếu nại tố cáo…

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Mạnh Hiển đánh giá cao những kết quả đạt được của TP.HCM và Đồng Nai trong việc thi hành Luật Đất đai năm 2003. Thứ trưởng đề nghị TP.HCM và Đồng Nai  tiếp tục tham gia, đóng góp ý kiến vào các dự thảo về Luật để từ đó Ban Chỉ đạo Trung ương có thêm cơ sở dữ liệu, hoàn thiện Luật Đất đai sửa đổi, bổ sung trình Chính phủ và Quốc hội.

Monre

Tin cùng chuyên mục