,

Chính sách cho thị trường bất động sản: Làm sao khơi dậy niềm tin

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận còn nhiều chính sách đất đai, nhà ở, bất động sản cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Nhiều chính sách đất đai, nhà ở cần điều chỉnh

Khác với những diễn biến của thị trường những năm trước, ở thời điểm này, thị trường BĐS đang trong tình trạng nguội lạnh. Dường như sau hàng loạt chính sách thắt chặt tín dụng, lạm phát tăng cao đang khiến giới đầu tư và ngay cả các cơ quan hoạch định chính sách phải xem lại mình.

Điểm lại thị trường trong bối cảnh nguội lạnh này mới thấy trên tất cả các phân khúc dường như đều chưa có một động thái tích cực. Những chính sách của Nhà nước đối với thị trường BĐS dường như chưa tỏ ra hữu hiệu. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam thừa nhận, còn nhiều chính sách đất đai, nhà ở, bất động sản cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp hơn với tình hình hiện tại.

Chưa bao giờ giới đầu tư BĐS lại tỏ ra hoang mang như hiện nay bởi với giá BĐS đứng ở mức quá cao như bây giờ, sức mua trong dân có hạn, cơ hội "xả hàng" là rất khó. Ngay cả khi các thông tin về dự án đã hết sức "cởi mở" với hàng loạt chính sách khuyến mại, ưu đãi cũng không mấy "thúc" thị trường tiến triển. Một nhà đầu tư than thở, với tình hình giá cả hiện nay, nguồn vốn khó khăn như lúc này, có thể tăng cầu. Vẫn theo nhà đầu tư này, thị trường hiện nay chỉ những khu vực nào có các dự án hạ tầng kỹ thuật (mở đường, lắp đặt điện nước…) được triển khai, nơi đó mới có người tìm mua, nhưng cũng là chỉ với những người có nhu cầu thực sự mà thôi.

Phải xem từ nội lực doanh nghiệp

Trong bối cảnh khó khăn như thời gian qua, nhiều nhà phân tích cho rằng, có thể sẽ dẫn tới tình trạng "vỡ bong bóng" BĐS. Tuy nhiên, nhìn sâu vào hiện trạng của thị trường và năng lực doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia Lê Xuân Nghĩa nhận xét, ở Việt Nam dù xuất hiện bong bóng bất động sản nhưng chưa đến mức nổ tung bởi thu nhập người dân còn quá thấp. "Thị trường địa ốc Việt Nam chỉ như cậu bé 4 tuổi, không đủ sức làm nổ bong bóng nhưng quả bóng này chắc chắn sẽ xì hơi dần", chuyên gia này dự báo.

Điểm yếu của thị trường địa ốc Việt Nam hiện nay là đang chịu sự chi phối của chính sách và trong giai đoạn bị tiền tệ hóa. Các chuyên gia cho rằng, nếu doanh nghiệp ngồi im không làm thì vẫn phải trả nợ tín dụng, càng đẩy mình vào tình thế khó khăn hơn. Thêm nữa, các chính sách thị trường hiện tại không đủ mềm dẻo để tạo ra những sản phẩm nhà ở đa dạng. Vì thế, việc tập trung đa dạng hóa các sản phẩm nhà ở, nhất là loại căn hộ có diện tích nhỏ là hết sức cần thiết bởi nó phù hợp với khả năng thu nhập của đa số người dân, ít nhất trong khoảng một thập kỷ tới.

Phân tích cụ thể những điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp kinh doanh BĐS, trong một hội thảo về phát triển thị trường BĐS tuần trước, nguyên Phó Viện trưởng Viện Thị trường giá cả Bộ Tài Chính, ông Vũ Đình Ánh cho rằng, những khó khăn đến từ chính sách thắt chặt tín dụng chỉ là "giọt nuớc tràn ly", bởi trước đó, bản thân doanh nghiệp đã mắc phải sai lầm là sử dụng vốn không cân đối, thậm chí lạm dụng đòn bẩy tài chính. Do đó, khi bị thắt chặt tín dụng doanh nghiệp kinh doanh BĐS rơi vào khủng hoảng cũng là điều không khó hiểu.

Thị trường BĐS đang rơi vào tình trạng "ngâm vốn". Với mức giá đang ở ngưỡng cao ngất ngưởng như hiện nay, rất khó có thể đoán định những diễn biến tiếp theo. Dấu hiệu chung tại các trung tâm giao dịch vẫn là tâm lý thận trọng của người mua. Các thông tin đưa ra trên thị trường chưa đủ để các nhà đầu tư yên lòng. Trong khi đó, hiện thời, nguồn vốn trong dân với hàng nghìn tỷ đồng đang tiềm ẩn chưa được huy động đúng mức.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng chỉ ra rằng, xét tổng thể và dài hạn, thị trường bất động sản vẫn còn nhiều tiềm năng. Nguồn tiền trong dân còn nhiều, ước tính dòng tiền tích lũy của người dân ngoài ngân hàng là rất lớn, hiện đang chảy sang kênh đầu tư vàng. Điều quan trọng nhất là làm cách nào để người dân có niềm tin đầu tư vào bất động sản. Đây là bài toán mà các doanh nghiệp cần tìm ra lời giải bằng cách cơ cấu lại sản phẩm sao cho giá cả vừa túi tiền của người mua.

monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục