,

Căn cứ chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã xử lý triệt để

Các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng sau khi thực hiện các biện pháp khắc phục và được cấp có thẩm quyền kiểm tra, cấp một trong các loại giấy phép môi trường theo quy định thì có đủ căn cứ chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để.

 

Đây là ý kiến của Bộ TN&MT trả lời cử tri Đắk Lắk về việc đề nghị Bộ TN&MT hướng dẫn cho địa phương về trình tự, thủ tục chứng nhận đối với các cơ sở y tế đã hoàn thành xong biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để theo yêu cầu tại Quyết định số 1788/QĐ-TTg để giải quyết vướng mắc, khó khăn cho các đơn vị.

Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tại Điểm a Khoản 4 Điều 2 Thông tư 24/2019/TT-BTNMT đã bãi bỏ Quyết định số 10/2006/QĐ-BTNMT ban hành quy định chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg.

Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 không giao Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư hướng dẫn về trình tự, thủ tục xác nhận cơ sở hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hơn nữa, hiện nay, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020; Nghị định số 08/2022/NĐ-CP và Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT đã không còn quy định về các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước thông qua hoạt động thanh, kiểm tra để xác định cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Trường hợp cơ sở được xác định là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp khắc phục xong hậu quả vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường thì không bị coi là cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Ảnh minh họa

Mặt khác, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường có tên tại các phụ lục của Quyết định số 1788/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020 đều đã được cụ thể hóa một trong các biện pháp xử lý triệt để như: đình chỉ sản xuất; di chuyển địa điểm; nâng cấp, cải tạo hoặc xây dựng mới các công trình xử lý chất thải; cải tạo, phục hồi và xử lý khu vực ô nhiễm...

Do vậy, đối với những cơ sở sau khi thực hiện một trong các biện pháp yêu cầu nêu trên và được cấp có thẩm quyền kiểm tra, cấp một trong các loại giấy phép môi trường thành phần hoặc giấy phép môi trường theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì được xem là căn cứ để chứng nhận cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đã hoàn thành xử lý triệt để.

Điểm d Khoản 2 Điều 42 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định: Cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 39 của Luật này đã đi vào vận hành chính thức trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành phải có giấy phép môi trường trong thời hạn 36 tháng kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường, giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất, giấy phép xử lý chất thải nguy hại, giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, giấy phép xả nước thải vào công trình thủy lợi.

Giấy phép môi trường thành phần được tiếp tục sử dụng như giấy phép môi trường đến hết thời hạn của giấy phép môi trường thành phần hoặc được tiếp tục sử dụng trong thời hạn 05 năm kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành trong trường hợp giấy phép môi trường thành phần không xác định thời hạn.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục