,

Hy vọng về một mùa xuân xanh

Trong những ngày đầu xuân Tân Mão, đồng loạt các địa phương phát động Tết trồng cây. Hoạt động này đã thành truyền thống hơn nửa thế kỷ qua và ngày càng có ý nghĩa khi vấn đề môi trường được coi là một trong ba trụ cột của phát triển bền vững, trong bối cảnh phải sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và gìn giữ tài nguyên cho con cháu mai sau.

2011: Năm của rừng toàn cầu

Sáng mùng 4 Tết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát động Tết trồng cây tại Công viên Hòa Bình Hà Nội, mở đầu cho phong trào rộng khắp trên toàn quốc. Theo ngành lâm nghiệp, trong năm 2011, cả nước sẽ trồng mới 500 nghìn hécta; khoán bảo vệ 2,26 triệu hécta rừng phòng hộ và đặc dụng, chăm sóc 118 nghìn hécta rừng, khai thác 6,5 triệu mét khối gỗ.

Lợi ích của việc trồng cây, trồng rừng là không thể phủ nhận. Cây cho bóng mát, cho quả ngọt và cho gỗ tốt. Cây ngăn lũ ống, lũ quét, ngăn mặn, chắn cát... Cây chống xói mòn, giữ độ ẩm cho đất, tạo nguồn sinh thủy cho sông suối, hồ đập và đặc biệt giữ nguồn nước ngầm. Cây tạo nên hệ sinh thái cân bằng. Tầm quan trọng của cây của rừng ngày càng được khẳng định, chính bởi thế Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc chọn năm 2011 là "Năm của rừng toàn cầu" nhằm nâng cao nhận thức về chăm lo "sức khỏe" cho các loại rừng, nơi chiếm một tổng diện tích là 31% lục địa. Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) khẳng định, không khí chúng ta thở, lương thực, nước, thuốc thang cần thiết để chúng ta tồn tại, mọi sự sống trên Trái đất, khí hậu hiện tại và tương lai, tất cả đều phụ thuộc vào rừng.

Sự kiện lấy năm 2011 là "Năm của rừng toàn cầu" được xem là  cơ hội vàng cho Việt Nam có những kế hoạch, hành động cấp thiết, quyết liệt để bảo vệ rừng và hệ sinh thái như tăng ngân sách tái tạo rừng; quy định lại về độ che phủ; đối mới chính sách giao rừng, trồng rừng và nâng cao chế tài pháp lý xử phạt về hành vi phá rừng, săn bắt động vật hoang dã... Những chính sách gìn giữ rừng mới là chìa khóa căn bản đề bảo vệ rừng, bên cạnh nỗ lực trồng mới.

Nâng cao chất lượng trồng rừng là yếu tố quan trọng để phong trào Tết trồng cây thiết thực. Lựa chọn các địa bàn xung yếu để trồng cây  như trồng ở vùng ngập mặn, vùng đồi núi chọn, vùng ven biển nhiều sóng cát... sẽ làm hiệu quả của rừng được nâng cao trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang đe dọa ngập lụt ở vùng đất thấp, vùng biển và lũ lụt ở vùng đồi núi trọc.

Bảo vệ tài nguyên nhờ kinh tế hóa

Bộ TN&MT có trách nhiệm "chăm lo" quản lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Chiến lược kinh tế hóa ngành TN&MT đang được Bộ TN&MT từng bước triển khai, nhằm hướng tới hai mục tiêu cơ bản, là sử dụng tài nguyên hiệu quả, góp phần vào phát triển kinh tế quốc gia và bảo vệ tốt môi trường. Sự nghiệp gìn giữ bảo vệ TN&MT, đưa các thiết chế kinh tế để điều chỉnh việc sử dụng tài nguyên chỉ thực sự đi vào cuộc sống khi các cấp, các ngành, các địa phương cùng vào cuộc với quyết tâm lớn.

Trong lĩnh vực đất đai, Bộ TN&MT đang nghiên cứu, xây dựng cơ cấu, định mức sử dụng đất hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả kinh tế cao. Hoàn thiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu các dự án có sử dụng đất.... Đồng thời phát triển quỹ đất để phục vụ mục tiêu công ích, thúc đẩy thị trường bất động sản.

Xác định nước là loại tài nguyên đặc biệt, do đó Bộ xác lập cơ chế cung - cầu, chia sẻ lợi ích phù hợp với kinh tế thị trường; nghiên cứu tạo nguồn thu từ nước. Đặc biệt, năm 2011, Luật Khoáng sản (sửa đổi) sẽ có hiệu lực, điều chỉnh việc quản lý tài nguyên khoáng sản theo chế độ đặc biệt phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường.

Các nội dung kinh tế hóa còn được triển khai ở thí điểm, tiến tới nhân rộng các mô hình áp dụng cơ chế chi trả dịch vụ hệ sinh thái, đưa yếu tố môi trường vào giá thành sản phẩm; sử dụng các công cụ thuế, phí môi trường để điều tiết vĩ mô các hoạt động kinh tế theo hướng có lợi cho môi trường; cơ chế phát triển sạch (CDM) trên cơ sở cân đối lợi ích quốc gia; thương mại hóa các sản phẩm, thông tin, số liệu khí tượng thủy văn phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường...

Theo Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, nếu thực hiện tốt các chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành TN&MT, chỉ sau khoảng từ 5 đến 10 năm, Việt Nam sẽ có một ngành kinh tế - kỹ thuật tổng hợp hoạt động năng động, hiệu quả, hội nhập và đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đóng góp của ngành TN&MT cho thu ngân sách và phát triển kinh tế - xã hội sẽ có những bước đột phá lớn.

Monre

Tin cùng chuyên mục