,

Việt Nam được khen về việc trồng mới rừng

Các kết quả được đưa ra trong bản phúc trình của Tổ chức Lương Nông của LHQ (FAO) về tình trạng rừng trên toàn thế giới cho biết, tốc độ rừng biến mất trên toàn thế giới đã chậm lại, phần lớn là nhờ việc thay đổi từ nạn chặt phá sang việc trồng rừng ở châu Á. Tại Trung Quốc, Việt Nam, Philippines và Ấn Độ, diện tích rừng phủ cây đã được tăng lên. Rừng cũng tăng lên tại châu Âu và Bắc Mỹ, nhưng đang bị thu hẹp lại ở châu Phi và Mỹ Latinh, do nhu cầu ngày càng tăng về thực phẩm và gỗ củi.

Bản phúc trình của FAO được chính thức công bố tại trụ sở chính của LHQ tại New York đúng vào lúc khởi đầu Năm Quốc tế bảo vệ rừng. Đây là sáng kiến nhằm mục đích nâng cao nhận thức bảo tồn giữa các chính phủ và các bên liên quan khác. FAO kêu gọi các chính phủ hãy tìm hiểu các hình thức thu lợi từ rừng mà không cần phải đốn chặt cây. Rừng hiện nay bao phủ khoảng 40 triệu km2, tức là chưa tới 1/3 bề mặt trái đất.

Trong thời gian từ 2000-2010, mỗi năm có 52.000km2 rừng bị biến mất. Tuy nhiên, đây đã là một bước tiến bộ đáng ghi nhận so với mức bị xóa sổ 83.000km2 rừng trong thập niên trước đó.

Từ trước tới nay, châu Âu luôn là khu vực có tỷ lệ tái phủ rừng cao nhất. Nhưng nay, châu Á đã qua mặt. Mức rừng bị biến mất thực sự ở châu Á trong giai đoạn 1990-2000 nay đã chuyển thành mức tăng thực sự trong 10 năm sau đó.

 Eduardo Rojas-Briales, trợ lý Tổng Giám đốc Bộ phận lâm nghiệp của FAO nói: "Trung Quốc đã tăng diện tích rừng ở nước này lên 3 triệu ha (30.000km2) mỗi năm - từ trước tới giờ không có một quốc gia nào từng làm được điều tương tự, đó là sự đóng góp vô cùng to lớn. Nhưng chúng ta cũng có thể nêu trường hợp của Việt Nam, một nước nhỏ có mật độ dân số đông, nước đã áp dụng việc cải cách rừng rất thông minh và toàn diện. Hay như Ấn Độ, nước vốn không kiểm soát được mức tăng trưởng dân số như Trung Quốc đã làm, và là nơi mà mức sống của người dân thậm chí còn đi xuống. Vậy mà Ấn Độ đã đạt được sự tăng trưởng khiêm tốn về diện tích rừng. Và Philippines cũng có chuyển biến tích cực, cho nên nay chúng ta đang được chứng kiến sự cải thiện trên toàn châu Á, trừ các nước yếu nhất".

Tiến sĩ Rojas-Briales khuyến nghị các nước Mỹ Latinh, nơi rừng vẫn đang bị biến mất, là hãy học hỏi từ chính sách của các nước Đông Á, đặc biệt là trong việc thông qua quy hoạch sử dụng đất.

Theo nội dung bản phúc trình thì nông nghiệp là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới nạn phá rừng ở Nam và Trung Mỹ cũng như ở vùng Caribbe. Tại châu Phi, nhu cầu củi đốt là nhân tố quan trọng.

Bản phúc trình không phân biệt giữa hai loại rừng, nhưng Tiến sĩ Rojas-Briales nói nhìn chung công tác trồng mới được thực hiện không phải bằng cái giá của việc phá hủy rừng già. Hoặc ít nhất đó cũng không phải là những gì đang diễn ra tại châu Á. Bản phúc trình kết luận rằng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các diện tích rừng sản xuất đã giảm đi kể từ năm 2000, trong lúc diện tích đất giành cho việc bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái thì tăng lên.

Tuy nhiên, do diện tích rừng già vẫn tiếp tục biến mất ở một số nơi khác trên thế giới, tổ chức Bảo tồn Quốc tế cùng các nhóm vận động bảo vệ môi trường khác đang gây áp lực nhằm thu hút sự chú ý về các khu vực này cũng như tầm quan trọng đặc biệt của các khu rừng già đối với thế giới tự nhiên.

Olivier Langrand, người đứng đầu chính sách quốc tế của tổ chức này nói: "Không thể chỉ coi rừng là nhóm các cây xanh đơn thuần. Rừng đã đóng một vai trò to lớn trong việc phát triển kinh tế của nhiều quốc gia, là nguồn cung ứng gỗ, thực phẩm, nơi trú ẩn, nơi vui chơi giải trí, và rừng đóng vai trò quan trọng mà con người cần phải nhận thức, đó là rừng cung cấp nước, giúp chống xói mòn và hấp thụ cácbon".

Tổ chức Bảo tồn Quốc tế nêu bật lên 10 địa điểm trên thế giới, nơi tầm quan trọng của rừng đang bị đe dọa, bao gồm các triền sông Cửu Long và đời sống hoang dã nơi này, các khu rừng ở Madagascar và California. Toàn bộ những nơi này hiện chỉ còn ở mức 10% so với diện tích ban đầu trước kia.

vea.gov.vn

Tin cùng chuyên mục