,

Công bố Báo cáo môi trường Quốc gia 2010

Ngày 10/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố Báo cáo môi trường Quốc gia 2010. Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho rằng, nước ta vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức, trong đó có vấn đề suy thoái môi trường gay gắt và nhiều hậu quả của biến đổi khí hậu khôn lường. Ô nhiễm môi trường tại các đô thị, khu công nghiệp, làng nghề, các lưu vực sông trên cả nước và nhiều vấn đề môi trường bức xúc khác đã trở thành những vấn đề nóng và là mối quan tâm của toàn xã hội.

“Báo cáo đánh giá tổng thể và toàn diện về các vấn đề môi trường, những kết quả đạt được, thách thức, hạn chế và bài học kinh nghiệm trong công tác bảo vệ môi trường trong 5 năm qua; định hướng những hoạt động trong giai đoạn mới nhằm tạo bước chuyển biến căn bản về nhận thức và trách nhiệm của các nhà quản lý, doanh nghiệp, cộng đồng xã hội đối với công tác bảo vệ môi trường trong thời gian tới.”- Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh.

5 năm qua, môi trường Việt Nam đã có những diễn biến phức tạp, tập trung ở 5 vấn đề bức xúc chính: ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng tại 3 lưu vực sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy, sông Đồng Nai, ô nhiễm đô thị, các khu công nghiệp, làng nghề ngày càng trầm trọng. Đa dạng sinh học suy giảm nghiêm trọng. An ninh môi trường bị đe dọa bao gồm an ninh nguồn nước, ô nhiễm xuyên biên giới chưa thể kiểm soát, sinh vật ngoại lai xâm hại và sinh vật biến đổi gen xâm lấn ngày càng tăng, khai thác khoáng sản gây hủy hoại môi trường. Công tác quản lý môi trường còn nhiều bất cập, vai trò của cộng đồng chưa được phát huy đúng mức. Trong khi đó, vấn đề biến đổi khí hậu, thiên tai, sự cố môi trường có xu hướng gia tăng, làm cho vấn đề môi trường của nước ta đứng trước những thách thức rất lớn.

Ô nhiễm môi trường đã tác động xấu tới sức khỏe cộng đồng, sản xuất nông nghiệp, gây ra những thiệt hại không nhỏ về kinh tế và ảnh hưởng tới các hệ sinh thái. Ô nhiễm môi cũng là nguyên nhân gây ra hàng loạt những xung đột về môi trường, điển hình là xung đột lợi ích giữa các nhóm cộng đồng trong khai thác sử dụng tài nguyên khoáng sản, giữa những nhóm gây ô nhiễm và cộng đồng bị ô nhiễm.

Từ thực tế tổng quan môi trường năm 2010, Báo cáo môi trường Quốc gia đã đưa ra các kiến nghị đối với Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương.

Báo cáo Kiến nghị Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan về môi trường; xem xét tăng mức chi sự nghiệp môi trường lên trên mức 2% tổng chi ngân sách hàng năm; giám sát, kiểm tra việc thi hành các luật liên quan trong công tác bảo vệ môi trường.

 Kiến nghị Chính phủ tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc nhằm ngăn chặn việc gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh môi trường. Tiếp tục kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương, đặc biệt ở cấp xã, phường, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn giữa các Bộ, ngành, giữa Trung ương và địa phương; phát triển các sự nghiệp môi trường và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư, tăng cường năng lực cơ sở vật chất, kỹ thuật về bảo vệ môi trường phục vụ công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; có các biện pháp hữu hiệu phát triển ngành công nghiệp môi trường. Xây dựng các cơ chế, chính sách và các giải pháp cần thiết để đẩy mạnh xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường, huy động sức mạnh tổng hợp của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong sự nghiệp bảo vệ môi trường.

Box :Trong các năm từ 2005 đến 2009, Báo cáo môi trường Quốc gia hàng năm do Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng đã thực hiện theo các chuyên đề: Đa dạng sinh học (2005); Môi trường nước ba lưu vực sông Cầu, Nhuệ - Đáy, hệ thống sông Đồng Nai (2006); Môi trường không khí đô thị (2007); Môi trường làng nghề (2008); và Môi trường khu công nghiệp (2009). Báo cáo môi trường Quốc gia năm 2010 được xây dựng với nội dung đề cập tổng thể về hiện trạng môi trường giai đoạn 2006 - 2010.

Monre

Tin cùng chuyên mục