,

Khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường: Cần cơ chế phù hợp

Nâng cao nhận thức của cộng đồng về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, phát huy giá trị tài nguyên và môi trường biển, đảo,…là mục tiêu mà những hoạt động nhân Ngày Môi trường thế giới (5-6), Ngày Đại dương thế giới (8-6), Tuần lễ Biển và Hải đảo của Việt Nam năm nay hướng tới. Tuy nhiên, vấn đề dư luận băn khoăn làm thế nào để không chỉ có nhận thức được nâng lên mà qua đó cộng đồng xã hội tích cực, chủ động tham gia công tác bảo vệ môi trường.

Lợi ích thiết thực

Với sự tham gia tích cực của cộng đồng, những cánh rừng  ngập mặn ở Phù Long (Cát Hải, Hải Phòng) được bảo vệ, mở rộng. Những năm gần đây, hàng chục hộ dân các xã Phù Long, Gia Luận (Cát Hải) nhận khoán bảo vệ rừng ngập mặn. Mỗi ha rừng, người dân được trả tiền trông coi với mức 50.000-100.000 đồng/năm, tùy theo từng loại rừng trồng hay rừng tự nhiên. Ngoài công trông coi rừng, các hộ dân được hưởng lợi từ việc nuôi trồng, khai thác thủy sản trú ngụ, sinh sản và phát triển rất tốt từ môi trường rừng.

 Hiệu quả thấy rõ, lợi ích thiết thực khiến các hộ dân ý thức hơn, coi việc bảo vệ rừng ngập mặn là bảo vệ nguồn sống, nguồn thu nhập của chính mình và gia đình. Bởi vậy, họ chủ động trong việc trồng và phát triển diện tích rừng mới như gia đình ông Đặng Đình Hỏa, Nguyễn Văn Bích, Nguyễn Đình Tiết ở xã Phù Long... Điều này một phần nhờ sự thay đổi chính sách phát triển và bảo vệ rừng ngập mặn của thành phố cách đây 3 năm. Chính quyền địa phương được ký hợp đồng giao khoán với người dân trông coi, trồng mới rừng ngập mặn. Người dân được giao hoặc thuê đất mặt nước (đầm hồ) lâu năm để nuôi thủy sản dạng quảng canh. 

Thiếu cơ chế phù hợp 

Sinh viên Nguyễn Mạnh Hiển, năm thứ 4 Trường Đại học Hàng hải, trưởng nhóm tình nguyện Hoa Sen chia sẻ: Em từng được tham gia các chương trình đạp xe xuyên Việt tuyên truyền về bảo vệ môi trường. Với kinh nghiệm học tập được, em mong muốn tổ chức những chương trình, hoạt động hỗ trợ các bạn trẻ hiểu hơn về vấn đề môi trường ở thành phố mình. Cuối năm 2010, nhóm bắt đầu tập hợp và hoạt động. Sau thời gian ngắn, nhóm tập hợp hơn 100 bạn trẻ tham gia. Chủ yếu là sinh viên các Trường Đại học Hàng hải, Y Hải Phòng, Đại học Hải Phòng và một số học sinh Trường THPT Kiến An, An Dương. Tuy nhiên, nhóm gặp khó khăn về kinh phí hoạt động. Để có tài liệu cho nhóm hoạt động, em phải đi xin của Trung tâm phòng, chống HIV; những vật dụng cần thiết bị như găng tay, mua chổi hay để in tờ rơi, tài liệu phát cho cac bạn đều cần kinh phí. Chúng em phải quyên góp, trích tiền túi ra. Cũng có một số người quan tâm hỗ trợ, nhưng nguồn kinh phí không ổn định, chỉ đáp ứng phần nhỏ mục tiêu hoạt động của nhóm. 

Thiếu cơ chế, chế tài chưa đủ mạnh ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực thi quy định của pháp luật môi trường liên quan đến khuyến khích người dân tham gia bảo vệ môi trường. Đơn cử, những tháng gần đây người dân ở khu Hoàng Xá, thị trấn An Lão (An Lão)  rất bức xúc về hoạt động của công ty sắt xốp Nhật Phát gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng cuộc sống của người dân. Theo điều 105 về thực hiện dân chủ cơ sở về bảo vệ môi trường của Luật Bảo vệ môi trường- 2005, tổ chức, cá nhân quản lý khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung; chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cơ quan chuyên môn, cán bộ phụ trách về bảo vệ môi trường có trách nhiệm công khai với nhân dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ về tình hình môi trường, các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động xấu đối với môi trường và biện pháp khắc phục ô nhiễm, suy thoái bằng một trong các hình thức sau: họp, thông báo, phổ biến bằng văn bản cho nhân dân, người lao động được biết. Trong 3 trường hợp cụ thể phải tổ chức đối thoại về môi trường. Đó là theo yêu cầu của bên có nhu cầu đối thoại;  cơ quan quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường các cấp; theo đơn thư khiếu nại, tố cáo, khởi kiện của tổ chức, cá nhân liên quan. Nhưng hiện còn quá nhiều điểm trong quy định này không được áp dụng. Phó Chủ tịch UBND thị trấn An Lão Nguyễn Văn Hưng cho biết: theo quy định, các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp khi làm báo cáo đánh giá tác động môi trường phải lấy ý kiến cộng đồng chung quanh. Thị trấn An Lão có cụm công nghiệp đường 10 đóng trên địa bàn với hàng chục doanh nghiệp đang hoạt động. Tuy nhiên, không chỉ người dân mà chính quyền sở tại cũng chưa từng được lấy ý kiến tham gia vào các báo cáo đánh giá tác động môi trường. Khi xảy ra sự cố môi trường, địa phương muốn mời các chuyên gia nghiên cứu, đánh giá các chỉ số môi trường gần cụm công nghiệp cũng không có kinh phí…Cho nên, việc người dân tham gia bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp hiện nay chỉ dừng ở mức phản ánh, lên tiếng khi môi trường  bị ô nhiễm. 

Trong dịp này, các địa phương tổ chức nhiều chương trình hoạt động hưởng ứng các Ngày Môi trường thế giới, Đại dương thế giới, Tuần lễ Biển và Hải đảo như thả chim, trồng cây, dọn vệ sinh... Sẽ có ý nghĩa hơn khi cùng với các hoạt động truyền thông, thành phố có giải pháp, cơ chế tạo điều kiện, khuyến khích cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường.

Monre

Tin cùng chuyên mục