,

Tham vấn và hoàn thiện quy định áp dụng công nghệ tốt nhất hiện có trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Ngày 24/9 tại Ninh Bình, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội thảo khoa học “Công nghệ tốt nhất hiện có” (Best Available Techniques - BAT) và tham vấn hoàn thiện quy định BAT trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi)”.Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ tham vấn, hoàn thiện Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV.

 

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ TN&MT phát biểu khai mạc Hội thảo

Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Tài nguyên và Môi trường và ông Nguyễn Đức Tâm, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Văn phòng Quốc hội chủ trì Hội thảo. Cùng dự Hội thảo có đại diện một số bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế.

Tại Hội thảo, ông Phan Tuấn Hùng cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) được xây dựng, hoàn thiện trên quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, sửa đổi Luật lần này phải giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường hiện nay nhằm đảm bảo quyền môi trường được Hiến pháp quy định là mọi người có quyền sống trong môi trường trong lành. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường đã được đề xuất sửa đổi một cách căn bản, toàn diện; thay đổi tư duy, cách tiếp cận quản lý môi trường; bổ sung nhiều chính sách, công cụ quản lý mới và BAT là một trong những công cụ mới được đề xuất bổ sung trong dự thảo Luật lần này.

Theo các chuyên gia về công nghệ, BAT là phương án lựa chọn bảo đảm phù hợp thực tế, hiệu quả về mặt kinh tế và trong ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường. BAT thực chất là các giải pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có của một quốc gia, bao gồm công nghệ và các kỹ thuật khác. BAT hiện được nhiều quốc gia trên thế giới quy định và áp dụng hiệu quả, thành công trong phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm.

BAT ở Việt Nam là một vấn đề mới, lần đầu được đề xuất luật hóa. Song trên thực tế BAT đã được triển khai, áp dụng ở một số ngành công nghiệp ở nước ta do chính nhu cầu thay đổi công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất và sức ép cạnh tranh trên thị trường quốc tế của các doanh nghiệp (ngành dệt may, xi măng…).

Hiện trong Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) quy định các dự án, cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao phải nghiên cứu, áp dụng BAT theo lộ trình Chính phủ quy định. Bộ TN&MT cho rằng BAT là công cụ quản lý môi trường cần thiết, quan trọng, giúp sàng lọc các dự án đầu tư và phòng ngừa ô nhiễm môi trường và dưới góc độ doanh nghiệp thì BAT là các giải pháp công nghệ, kỹ thuật giúp nâng cao năng suất sản xuất, hiệu quả kinh tế và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Quang cảnh Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe 4 bài trình bày của các chuyên gia trong nước và quốc tế về kinh nghiệm kiểm soát ô nhiễm bằng BAT của một số quốc gia trên thế giới như: Hàn Quốc, Mỹ, Đức và một số nước Châu Âu; đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận và góp ý kiến về quy định về BAT trong Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và đề xuất lộ trình áp dụng BAT tại Việt Nam.

Thay mặt Bộ TN&MT, ông Phan Tuấn Hùng trân trọng cảm ơn các chuyên gia đã chia sẻ các nghiên cứu về BAT, đặc biệt là các ý kiến góp ý cho quy định BAT trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Đại diện Bộ TN&MT cho biết, sẽ nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến tại Hội thảo và báo cáo Lãnh đạo Bộ để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật để trình Quốc hội thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 vào tháng 11 năm nay.


Monre

Tin cùng chuyên mục