,

Thiết lập hệ thống hải đồ, bản đồ chính xác: Khẳng định chủ quyền biển, hải đảo

Trước những yêu cầu cấp thiết về khẳng định chủ quyền biển, hải đảo, phát triển kinh tế biển, đảm bảo an ninh quốc phòng cũng như các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học biển, cần có một hệ thống hải đồ, bản đồ biển và hải đảo chính xác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Tiếp tục hoàn thiện công nghệ, năng lực đo đạc bản đồ biển

Hiện công tác đo đạc thành lập bản đồ địa hình đáy biển, hải đồ chủ yếu được thực hiện bởi Bộ TN&MT và Bộ Quốc phòng (Quân chủng Hải quân). Ở các Bộ, ngành và các địa phương khác, lực lượng cán bộ làm công tác đo đạc bản đồ biển tương đối ít do chỉ thực hiện những nhiệm vụ phục vụ cho mục đích chuyên ngành ở vùng ven bờ.

Hiện Quân chủng Hải quân có đội tàu phục vụ cho công tác đo đạc bản đồ biển gồm 6 chiếc được trang bị các thiết bị định vị DGPS, các máy đo sâu đơn tia, sonar quét biển, các thiết bị đo đạc địa hình như thủy chuẩn, kinh vĩ, các phần mềm dẫn đường, phần mềm biên tập hải đồ… Tuy nhiên phương tiện tàu đo đạc đã cũ, có tuổi thọ gần 40 năm, thiết bị đo đạc cũ và không đồng bộ.

Đến nay công nghệ viễn thám được đưa vào ứng dụng đo đạc biển rất có hiệu quả trong việc giám sát, quản lý TN&MT biển. Với việc kết hợp đo đạc bổ sung ngoài thực địa hoặc sử dụng số liệu bổ sung từ hải đồ hoặc bản đồ địa hình đáy biển, có thể áp dụng công nghệ viễn thám để thành lập bản đồ biển và đáy biển tỷ lệ trung bình và tỷ lệ nhỏ, đặc biệt là vùng biển các quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và các vùng ven bờ với độ sâu đến 20m nước. Hiện lực lượng chủ yếu thực hiện công tác đo đạc bản đồ biển của Bộ TN&MT là Trung tâm Trắc địa bản đồ biển (Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam).

Vấn đề là công tác đo đạc biển cần đặt trong một quy hoạch, chỉ đạo chung của công tác điều tra, khảo sát và quản lý TN&MT biển để tránh chồng chéo, lãng phí và quan trọng hơn, để quản lý, khai thác có hiệu quả cao các thành quả điều tra cơ bản biển.

Xu thế thành lập bản đồ tỷ lệ lớn với độ chính xác cao

Hiện nay mới chỉ có một phần nhỏ biển và đại dương của thế giới có bản đồ với độ chi tiết cao. Nhờ có các tiến bộ của công nghệ đo sâu hiện nay mà ngày càng có nhiều vùng biển được xây dựng bản đồ ở tỷ lệ lớn, với độ chính xác và mức độ chi tiết cao. Xu thế này thể hiện rất rõ trong nhiều ứng dụng như đo đạc, thành lập hải đồ, bản đồ biển, đặc biệt sử dụng để giải quyết các vấn đề về chủ quyền quốc gia trên biển và quyền sở hữu tài nguyên khoáng sản dưới đáy biển ngày càng trở nên cần thiết đối với nhiều quốc gia ven biển.

"Đề án hợp tác quốc tế để thiết lập hệ thống hải đồ chính xác các khu vực biển, bản đồ các đảo và quần đảo chủ quyền của Việt Nam" chẳng những không trùng lặp với các dự án đã và đang thực hiện mà còn có tính chất bổ sung và trợ giúp cho các dự án đó.

Đề án sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện "Dự án tổng thể thành lập bản đồ địa hình đáy biển phủ trùm toàn vùng biển Việt Nam" và "Đề án Tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên, môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020" bằng cách tăng cường năng lực khoa học công nghệ, trang thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất chất lượng các sản phẩm bản đồ biển, hải đồ.

Monre

Tin cùng chuyên mục