,

Tích cực hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia

Hưởng ứng Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia 2024, nhiều chiến dịch, hội thảo về bảo vệ động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học được các đơn vị, địa phương phát động.

 

UBND TP. Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế), Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Ban Quản lý dự án Hỗ trợ kỹ thuật “Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (viết tắt là VFBC)” và Đơn vị thực hiện Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học WWF-Việt Nam vừa tổ chức lễ phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã, với thông điệp: “Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”.

Chiến dịch nằm trong khuôn khổ dự án VFBC do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ, với mục tiêu tăng cường sự tham gia và ủng hộ của chính quyền địa phương, đơn vị chức năng và cộng đồng với hoạt động bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học của Việt Nam, từ đó giảm thiểu và chấm dứt tình trạng tiêu thụ thịt thú rừng và các sản phẩm từ động vật hoang dã trong thiên nhiên.

Thông điệp tuyên truyền đến người dân và cộng đồng xã hội về vai trò của bảo tồn động vật hoang dã, còn là hành động nhằm góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo tồn thiên nhiên, lên án hành vi tiêu thụ, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng trái phép các sản phẩm động vật hoang dã.

Tại lễ phát động, lãnh đạo TP. Huế đã gửi đến thông điệp “Thành Phố Huế- nói không với thịt động vật hoang dã” và kêu gọi cộng đồng chung tay hành động để bảo vệ động vật hoang dã; đại diện Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học WWF-Việt Nam mang đến thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi. Ngừng ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời”.

Tp Huế phát động Chiến dịch hành động vì động vật hoang dã. Ảnh: Theo báo Thừa Thiên - Huế

Tại tỉnh Nghệ An, Ban quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống đã tổ chức “Diễn đàn xây dựng chiến lược bảo tồn” với sự tham gia của các thành viên thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Viện Sinh thái và Bảo tồn thiên nhiên (IECN), Viện Công nghệ Hoá sinh và Môi trường (Đại học Vinh), Liên minh vườn thú San Diego Zoo (SDZWA), Vườn Quốc gia Vũ Quang, Tổ chức Động vật Châu Á (Animals Asia) và đại diện cộng đồng địa phương vùng đệm Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.

Diễn đàn cùng nhau đánh giá tổng quan và đề xuất các chiến lược bảo tồn chính, cũng như cơ hội để giải quyết các mối đe dọa hiện hữu nhằm phục hồi quần thể động vật hoang dã trong khu vực sinh thái dãy Trường Sơn rộng lớn.

Trong đó, các bên tham gia đề xuất Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống áp dụng mô hình giám sát bằng bẫy ảnh đối với loài mang, lưỡng cư, bò sát cho khu vực Pù Huống và Vũ Quang. Đẩy mạnh giám sát có sự tham gia của cộng đồng bằng các phương pháp thích hợp như bẫy ảnh, tuyến khảo sát.

Đồng thời, hỗ trợ xây dựng mô hình cứu hộ, nhân nuôi, tái thả các loài lưỡng cư, bò sát ở Pù Huống và rùa, thú nhỏ ở Vũ Quang. Xây dựng chiến lược trao đổi các cá thể nuôi nhốt ở các trung tâm cứu hộ với các vườn thú của Liên minh vườn thú San Diego Zoo. Xây dựng mô hình bảo tồn dựa vào cộng đồng ở Pù Huống dựa theo kinh nghiệm từ Câu lạc bộ Bảo vệ động vật hoang dã trước đây (dự án do DANIDA tài trợ)…

UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có công văn yêu cầu các sở, ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh thực thi pháp luật trong bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ các loài hoang dã.

UBND tỉnh Hà Tĩnh giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại trên địa bàn; nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại. Điều tra, đánh giá các loài ngoại lai xâm hại trên địa bàn và thực hiện các biện pháp kiểm soát, diệt trừ; kế hoạch tăng cường ngăn ngừa, kiểm soát sinh vật ngoại lai trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.

Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp Sở TN&MT, Cục Quản lý thị trường tỉnh, Cục Hải Quan tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tăng cường phối hợp liên ngành, thanh tra, kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã, chợ chim hoang dã, các tuyến vận chuyển hàng hoá trọng điểm và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài di cư; tăng cường các biện pháp kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại ban hành kèm theo Thông tư số 35/2018/TT-BTNMT ngày 28/12/2018 của Bộ TN&MT trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; chỉ đạo, hướng dẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát, diệt trừ các loài ngoại lai xâm hại trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhập khẩu, phát tán, nuôi trồng, phát triển, vận chuyển, kinh doanh, phóng sinh trái phép các loài ngoại lai xâm hại ra môi trường tự nhiên; Đấu tranh bắt giữ, phối hợp với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức, các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc săn bắt, giết mổ, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép mẫu vật các loài động vật hoang dã và các loài chim tự nhiên.

Ban Quản lý vườn quốc gia Vũ Quang, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ và các tổ chức có liên quan thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, tăng cường tuần tra, truy quét, ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật đến tài nguyên rừng, tài nguyên đa dạng sinh học; bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt là các loài nguy cấp, các loài di cư; kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại tại khu vực quản lý. Tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về bảo vệ động vật hoang dã, các loài nguy cấp, các loài chim hoang dã di cư và không buôn bán, vận chuyển, phóng sinh các loài ngoại lai xâm hại khu vực dân cư vùng đệm xung quanh Vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục