,

Thanh tra nhân dân: Góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở

Toàn tỉnh hiện có 141/141 Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn với 1.373 thành viên. Thông qua hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, tiếp nhận các kiến nghị và phản ánh của nhân dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn đã góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thực hiện hiệu quả các chương trình, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ cho Ban Thanh tra nhân dân, hướng dẫn hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân sát với tình hình thực tế, đúng theo quy định của pháp luật. Vì vậy, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ngày càng đi vào nền nếp và hoạt động hiệu quả. Theo số liệu của Ủy ban MTTQ các huyện, thành phố, năm 2011, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã tiếp nhận trên 228 ý kiến, kiến nghị phản ánh của nhân dân; thanh tra, giám sát, xác minh 319 vụ; phối hợp với tổ hòa giải ở cơ sở hòa giải thành trên 1.700 vụ việc.

Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn đã thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát trên nhiều lĩnh vực như: Hoạt động của HĐND và UBND xã, phường, thị trấn; việc thực hiện Nghị quyết của HĐND, quyết định của UBND; phẩm chất, đạo đức và hoạt động của cán bộ công chức xã, phường, thị trấn và trưởng, phó thôn, tổ trưởng, tổ phó tổ nhân dân; tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; thu, chi các loại quỹ và lệ phí theo quy định; các khoản đóng góp của nhân dân và Nhà nước, các tổ chức, cá nhân tài trợ thực hiện các dự án, công trình tại xã, phường, thị trấn; thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi; xây dựng các công trình cộng đồng, các chương trình an sinh xã hội…

Qua hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, các xã, phường, thị trấn đã kịp thời phát hiện những vướng mắc phát sinh tại cơ sở để từ đó kiến nghị với chính quyền và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, góp phần bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Đồng chí Đinh Quang Bao, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Phúc Ứng (Sơn Dương) cho biết: “Năm 2012, sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến phản ánh của nhân dân về việc sử dụng và cấp bù thủy lợi phí của Ban Quản lý công trình thủy lợi xã tại 15 thôn, Ban Thanh tra nhân dân được UBND xã giao xác minh. Qua giám sát, xác minh đã phát hiện việc sử dụng và cấp bù thủy lợi phí chưa đúng trình tự thời gian thực hiện vụ mùa sản xuất, Ban Quản lý công trình thủy lợi xã tự lập thay các chứng từ của công trình các thôn, nội dung chi trong phiếu chi hồ sơ chưa khớp nhau về thời gian, hợp đồng thi công không có số, ngày và chữ ký hai bên… Ban Thanh tra nhân dân đã kiến nghị với UBND xã để kịp thời chấn chỉnh những sai sót của Ban Quản lý công trình thủy lợi xã trong việc sử dụng và cấp bù thủy lợi phí, bảo đảm quyền lợi cho người dân.

Trong quá trình hoạt động, Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn ở nhiều nơi đã phối hợp chặt chẽ và nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương trong quá trình tổ chức tham gia giám sát, xác minh các vụ việc mà nhân dân kiến nghị, phản ánh. Đồng chí Vũ Đức Long, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Tuyên Quang cho biết, năm 2011, Ban Thanh tra nhân dân các xã, phường đã tiếp nhận 41 ý kiến, kiến nghị của nhân dân và gửi đến các cơ quan chức năng giải quyết. Trong đó đã giải quyết xong 36 vụ việc, trong đó hầu hết là những việc “nóng” như đền bù giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai. Các Ban Thanh tra nhân dân đã tham gia 916 vụ hòa giải, trong đó có 885 vụ hòa giải thành.

Tiêu biểu nhất là hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân phường Ỷ La, những năm qua đã có nhiều đóng góp giúp chính quyền địa phương thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở. Đồng chí Trịnh Kim Hải, Trưởng Ban Thanh tra nhân dân phường Ỷ La cho biết: “Ban Thanh tra nhân dân phường đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và cơ quan chức năng tham gia giải quyết đơn thư của nhân dân, giám sát, xác minh những vụ việc như xác minh việc sử dụng đất ruộng tại khu vực trồng rau thuộc đội sản xuất 12 của phường.

Qua giám sát đã phát hiện một số hộ dân sử dụng diện tích đất 5% lớn hơn diện tích đã nhận khoán. Sau khi có kiến nghị của Ban Thanh tra nhân dân, UBND phường đã quyết định thu hồi những diện tích ngoài quy định trả về UBND phường quản lý. Ban Thanh tra nhân dân phường mới đây nhất đã giám sát việc thu, chi và sử dụng quỹ hội phụ huynh đóng góp tại Trường Tiểu học Ỷ La. Qua giám sát đã phát hiện ra sai sót trong sử dụng quỹ và đề nghị chính quyền địa phương thu hồi số tiền nhà trường sử dụng không đúng mục đích”.

Bên cạnh những hoạt động tích cực giúp chính quyền địa phương nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời có các giải pháp phù hợp giải quyết những vấn đề phát sinh ở cơ sở, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, thì ở một số địa phương, hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn. Các thành viên Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn hầu hết là những người có uy tín trong cộng đồng, nhiệt tình với công việc, song một số thành viên Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế về trình độ, năng lực, việc cập nhật thông tin, kiến thức chưa kịp thời; sự phối hợp giữa Ủy ban MTTQ  và các tổ chức thành viên ở cấp xã hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân còn hạn chế.

Hiện nay, 100% Ban Thanh tra nhân dân trong tỉnh đang đảm nhận cả nhiệm vụ của Ban Giám sát đầu tư cộng đồng nhưng kinh phí hoạt động còn hạn hẹp. Theo đồng chí Ngụy Thị Thu Hiền, Trưởng Ban Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ tỉnh, cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của cấp ủy đảng, nhất là cấp xã và sự phối hợp chặt chẽ của Ủy ban MTTQ, các đoàn thể để Ban Thanh tra nhân dân xã, phường, thị trấn ngày càng hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện tốt hơn quy chế dân chủ ở cơ sở và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

TQĐT

Tin cùng chuyên mục