,

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải xem là nhiệm vụ chính trị thường xuyên của các cấp, các ngành

Ngày 27/3/2012 tại TP.Cần Thơ, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức hội nghị đánh giá công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam từ năm 2008 đến 2011, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chủ trì với sự tham dự của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cùng lãnh đạo 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, từ năm 2008 - 2011, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam, trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.HCM đã tiếp 582.559 lượt người đến khiếu nại, tố cáo 487.412 vụ việc. Trong đó, TP.HCM là địa phương tiếp công dân cao nhất với 136.969 lượt người, kế đến là tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp… Trong thời gian từ 2008-2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã giải quyết được 156.975/178.295 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt 88%; giải quyết 5.498/6.279 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền, đạt 87,6%. Thu hồi cho Nhà nước trên 360 tỉ đồng và 351,5ha đất; khôi phục quyền lợi, minh oan cho 4.329 công dân với 465 tỉ đồng và trên 785ha đất; chuyển cơ quan điều tra 74 vụ với 112 người; kiến nghị xử lý hành chính 299 người…

*Hơn 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai

Báo cáo của Thanh tra Chính phủ nêu rõ, trong tổng số 481.412 vụ việc khiếu nại, tố cáo mà các cơ quan, ban ngành ở 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khu vực phía Nam và trụ sở tiếp công dân của Trung ương Đảng và Nhà nước tại TP.HCM tiếp nhận thì có đến 70% vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai như: Khiếu nại về giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất, đòi lại đất cũ qua các thời kỳ thực hiện chính sách cải tạo nông nghiệp, cho thuê, cho mượn. Đơn cử, riêng tỉnh Hậu Giang từ năm 2008-2011, các cơ quan, ban, ngành đã tiếp nhận 4.705 đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, trong đó có trên 80% đơn thư khiếu nại liên quan đến lĩnh vực bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho biết: từ năm 2008 đến nay, số vụ việc tranh chấp, khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai chiếm từ 60% đến 70% trên tổng số các vụ việc khiếu nại, tố cáo trong cả nước. Riêng tại Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận số vụ việc tranh chấp, khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai thường chiếm trên 98%. Đối với khu vực Nam Bộ, do một số tồn tại của lịch sử để lại chưa được giải quyết dứt điểm, nên số lượng đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai nhiều hơn so với các khu vực khác. Cụ thể, từ năm 2008 đến 2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận được 25.328 lượt đơn thư với 10.937 vụ việc, trong đó có 10.820 thuộc lĩnh vực đất đai và có đến 16.093 lượt đơn của công dân ở các địa phương khu vực miềm Nam (chiếm 63,8% tổng số đơn thư khiếu nại toàn quốc). Khu vực miền Nam cũng là nơi tập trung nhiều vụ việc khiếu nại đông người, kéo dài…

Nguyên nhân chính của việc phát sinh nhiều vụ việc khiếu nại được Thanh tra Chính phủ đưa ra là trong thời gian gần đây, để phát triển kinh tế - xã hội, chính quyền địa phương tiến hành thu hồi nhiều đất của dân để giao cho các nhà đầu tư thực hiện các dự án khu đô thị, khu thương mại, du lịch, dịch vụ… Nhưng các quy định của pháp luật điều chỉnh về vấn đề này còn có những bất cập, chưa theo kịp với yêu cầu phát triển và đòi hỏi của thực tiễn đặt ra, các quy định về giá đất bồi thường cho người có đất bị thu hồi trong một số trường hợp không phù hợp với thực tế. Mặt khác, khi thay đổi chính sách, quy định về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất theo hướng có lợi cho người bị thu hồi đất, dẫn tới  việc so bì, phát sinh khiếu nại. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: “Công tác chỉ đạo, điều hành và quản lý Nhà nước ở một số địa phương còn nhiều yếu kém, nhất là công tác quản lý đất đai. Một số địa phương không quy hoạch hoặc quy hoạch đất sai mục đích khiến người dân bức xúc, nhiều dự án được thực hiện, nhưng một số địa phương chỉ lo thu hút vốn đầu tư mà thiếu quan tâm đến đời sống người dân bị thu hồi đất. Nhiều văn bản hướng dẫn chồng chéo, không kịp thời, không rõ ràng dẫn đến tình trạng cùng một vụ việc nhưng giải quyết lại khác nhau…”.

*Sớm hoàn thiện cơ sở pháp luật đất đai, khiếu nại, tố cáo...      
       

Theo dự báo của các Bộ, ngành chức năng, trong thời gian tới tình hình khiếu nại, tố cáo trong cả nước nói chung và phía Nam nói riêng sẽ phát sinh phổ biến trong lĩnh vực đất đai và tập trung ở những địa phương, địa bàn thu hồi nhiều đất của người dân để thực hiện dự án. Do vậy, yêu cầu đặt ra đối với các Bộ, ngành Trung ương và địa phương cần tập trung cao độ, thực hiện có hiệu quả chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; chủ động giải quyết các vụ việc kéo dài, vấn đề bức xúc, hạn chế tối đa điểm nóng, đông người; tập trung rà soát, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện đúng pháp luật, công khai, dân chủ, cương quyết trong quy trình giải quyết khiếu nại của công dân; kiểm tra đánh giá lại quỹ đất, quỹ rừng đang được các đơn vị sử dụng trên địa bàn, không để thất thoát lãng phí…

“Công tác giải quyết khiếu nại tố cáo phải được xem là nhiệm vụ thường xuyên của hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, hoàn thiện cơ sở pháp luật liên quan đến đất đai, khiếu nại, tố cáo. Đồng thời, các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ để giải quyết có hiệu quả những vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài, tránh phát sinh điểm nóng, tụ tập đông người. Bên cạnh đó, tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực đất đai, hậu kiểm tra các dự án khi được giao đất, cho thuê đất, quan tâm đến đời sống của người dân sau khi bị thu hồi đất …”. Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh chỉ đạo.
 

Monre

Tin cùng chuyên mục