,

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên làm việc tại tỉnh Điện Biên: “Bảo vệ môi trường đầu nguồn chính là bảo vệ vùng hạ du

Tiếp tục chuyến công tác tại một số tỉnh Tây Bắc, sáng 9/3, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường do Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên dẫn đầu đã tới Điện Biên. Cùng đi có Thứ trưởng Nguyễn Xuân Cường cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ. Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Đinh Tiến Dũng đã tiếp đoàn.

Làm việc với lãnh đạo tỉnh Điện Biên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cùng đoàn công tác đã nghe Báo cáo công tác quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Tiến Dũng, Điện Biên là một tỉnh miền núi biên giới phía Tây Bắc của Việt Nam, còn rất nhiều khó khăn. Với diện tích rộng (9.562,9 km2, 50% diện tích có độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, 70% diện tích có độ dốc 25 độ trở lên), địa hình hiểm trở, chia cắt, có nhiều sông, suối và nằm trong vùng đầu nguồn của sông Đà, sông Mã, sông Mê Kông, tỉnh Điện Biên đã rất cố gắng trong công tác quản lý tài nguyên và môi trường. Tuy nhiên, do điều kiện tự nhiên phức tạp, là tỉnh mới chia tách, phân bố dân cư không đều, trình độ nhân lực còn hạn chế lên kết quả chưa đạt được như mong muốn. Diện tích được đo vẽ, lập bản đồ địa chính trên địa bàn tỉnh thấp, tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất sai mục đích, sử dụng đất không hiệu quả còn diễn ra tại một số nơi nhưng chưa được phát hiện kịp thời và xử lý triệt để; các tài liệu điều tra, thăm dò địa chất khoáng sản còn thiếu; nguồn lực đầu tư của tỉnh còn hạn chế nên tiến độ triển khai một số dự án về môi trường còn chậm, đặc biệt là việc khắc phục và xử lý ô nhiễm tại các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số: 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ; đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý về tài nguyên môi trường, nhất là cán bộ cơ sở vừa thiếu, vừa yếu về chuyên môn nên việc thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp còn hạn chế...

Lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, các thành viên trong Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có những phân tích, đánh giá sơ bộ những vấn đề mấu chốt cần giải quyết, đồng thời đề xuất những ý kiến cụ thể để tháo gỡ vướng mắc cho công tác quản lý tài nguyên và môi trường ở Điện Biên. Chẳng hạn như các vấn đề về sử dụng đất rừng trong việc góp vốn trồng cây cao su; nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học khi hồ Thủy điện Sơn La tích nước; các dữ liệu đánh giá về khoáng sản; công tác bảo vệ nguồn tài nguyên nước; công tác phòng chống thiên tai, đặc biệt là chống lũ...

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã chúc mừng những kết quả về phát triển kinh tế xã hội trong năm qua của Điện Biên, đồng thời cũng chia sẻ những khó khăn mà tỉnh đang gặp phải. Với cương vị là người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, Bộ trưởng khẳng định, lãnh đạo Bộ cùng các đơn vị trong toàn ngành luôn sẵn lòng hỗ trợ, giúp đỡ tỉnh Điện Biên trong điều kiện và khả năng cao nhất. Hàng năm, ít nhất sẽ có hai cuộc gặp gỡ để trao đổi thông tin và bổ xung những vấn đề cần giải quyết.

Đặc biệt, Bộ trưởng lưu ý các vấn đề về đất đai, môi trường sinh thái khu vực lòng hồ thủy điện Sơn La khi tích nước; vấn đề bảo vệ nguồn nước bởi bảo vệ đầu nguồn chính là bảo vệ vùng hạ du...  Các số liệu điều tra cơ bản về đất, nước, môi trường, thủy văn, địa chất... cần được cập nhật liên tục. Cần xây dựng một hệ thống quan trắc hiện đại ngang tầm khu vực cho toàn vùng.

*Trước đó, tại Sơn La và Điện Biên, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cùng Đoàn công tác đã đến viếng và thăm di tích nhà tù Sơn La; nghĩa trang Liệt sỹ Đồi A1 và một số di tích lịch sử cách mạng tại hai địa phương này.

Monre

Tin cùng chuyên mục