,

Phấn đấu hoàn thành cấp GCNQSDĐ năm 2013: Quyết liệt ngay từ đầu năm

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, toàn tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) trong năm 2013 - một nhiệm vụ đòi hỏi cần có sự vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, địa phương trong toàn tỉnh. Theo tổng hợp của Sở Tài nguyên và Môi trường, toàn tỉnh hiện đã cấp được 260.184 GCNQSDĐ, trong đó đã cấp cho 202.590 lượt hộ gia đình, cá nhân với diện tích 124.793 ha, đất ở đô thị hiện là 21.051 giấy, đạt 53,89% số giấy cần cấp, nhiều địa phương đã cấp đạt trên 60%; đất ở nông thôn đạt 82.913 giấy, đạt 68,27% số giấy cần cấp. Số giấy này đáp ứng được 69,5% nhu cầu cần cấp GCNQSDĐ trên toàn tỉnh.

Theo đánh giá của UBND tỉnh, việc cấp GCNQSĐ cho các tổ chức còn chậm. Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra: một số cấp ủy, chính quyền cấp huyện, xã chưa tập trung chỉ đạo quyết liệt. Giải pháp và kế hoạch mà các huyện triển khai chưa cụ thể đến từng thôn, xã; chưa tổ chức cho nhân dân đồng loạt kê khai đăng ký dẫn đến việc hộ, cá nhân có nhu cầu thì đăng ký cấp giấy, hộ nào chưa có nhu cầu thì chưa tham gia; chưa có chế tài xử lý đối với trường hợp sử dụng đất không kê khai đăng ký cấp GCNQSĐ. Diện tích còn lại chưa được cấp GCNQSĐ của các hộ, cá nhân phần lớn là không có giấy tờ sử dụng đất. Nhiều trường hợp nguồn gốc sử dụng đất phức tạp, chuyển quyền sử dụng đất nhiều lần, qua nhiều thời kỳ nhưng không lập thủ tục nên quá trình thực hiện lập hồ sơ, xác định nguồn gốc đất đai mất nhiều thời gian. Việc áp dụng hạn mức đất ở đô thị tại một số ít nơi mới chuyển từ xã lên phường, thị trấn bộc lộ những bất cập. Ranh giới quy hoạch các trung tâm xã, cụm xã chưa được xác định tại thực địa nên khi xác định hạn mức đất ở cho các hộ, cá nhân tại khu vực này gặp khó khăn. Bên cạnh những nguyên nhân trên còn có nguyên nhân khách quan khác làm ảnh hưởng đến tiến độ cấp GCNQSDĐ như: Diện tích đất chưa được đo đạc, lập bản đồ là rất lớn, phải đo vẽ bằng phương pháp thủ công nên mất nhiều thời gian. Việc xử lý tài sản trên đất đối với diện tích đất các công ty lâm nghiệp trả lại cho địa phương quản lý chưa được hướng dẫn cụ thể.

Thêm vào đó, diện tích đất lâm nghiệp của các công ty lâm nghiệp lớn, nằm phân tán trên địa bàn nhiều xã và không xác định được ranh giới cụ thể ngoài thực địa khi giao đất. Quá trình sử dụng không được quản lý chặt chẽ nên nhiều hộ, cá nhân đã lấn chiếm sử dụng. Nguồn kinh phí để triển khai đo đạc lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận do trung ương hỗ trợ cho tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu của kế hoạch triển khai. Cải cách hành chính trong công tác cấp giấy chứng nhận còn rườm rà, một số nơi yếu kém. Qua thanh tra của Sở Tài nguyên và Môi trường, tại một số xã, phường trên địa bàn thành phố, đến 90% các hồ sơ giấy tờ liên quan đến đất đai của người dân nộp tại chính quyền cấp xã, phường không được vào sổ sách. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây ra tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài trong những năm gần đây.
 
Ông Hoàng Văn An, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, hiện sở đã hoàn thành 100% khối lượng đo đạc trong xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại 24/33 xã của Sơn Dương; phối hợp với UBND thành phố Tuyên Quang triển khai xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại 3 xã An Tường, Lưỡng Vượng, Thái Long; triển khai nhiệm vụ đo đạc, lập hồ sơ địa chính xã Lăng Can (Lâm Bình) theo văn bản số 43 ngày 8-1-2013 của UBND tỉnh. Để hoàn thành cấp GCNQSDĐ trong năm 2013, sở tham mưu với UBND tỉnh ban hành kế hoạch giao chỉ tiêu cấp giấy chứng nhận cho các huyện, thành phố trong năm 2013 chi tiết đến từng xã, thôn, bản, tổ dân phố; ban hành hướng dẫn chi tiết, trình tự thực hiện kê khai đăng ký quyền sử dụng đất bắt buộc đối với các chủ sử dụng đất, lập hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho các hộ gia đình cá nhân và các giải pháp tổ chức triển khai; lập dự án và dự toán kinh phí cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất.
 
Cùng với đó tập trung lực lượng thực hiện kê khai đăng ký đồng loạt và cấp giấy chứng nhận lần đầu cho các hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai tại huyện Sơn Dương vào cuối năm 2013. Đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn lập phương án tiếp nhận diện tích các nông lâm trường trả lại địa phương để lập hồ sơ cấp giấy, phối hợp với các huyện xử lý những vướng mắc phát sinh.

Tin cùng chuyên mục