,

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 cấp quốc gia: Cụ thể hóa chỉ tiêu sử dụng đất cần bảo vệ

Ngày 28/9 tại Hà Nội, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên, Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Hiển đã cùng lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai xem xét tổng hợp chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, sẽ báo cáo tại phiên họp Chính phủ cuối tháng 9 và trình Quốc hội tới đây. Dự họp có Quyền Tổng cục trưởng Phùng Văn Nghệ, Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục.

Điểm mới trong lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020 là thực hiện theo Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ đạt được các mục tiêu cần thiết. Đó là xác định rõ và cụ thể hóa các chỉ tiêu sử dụng đất cần bảo vệ như đất trồng lúa nước, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đảm bảo mục tiêu an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường.

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cùng lãnh đạo Tổng cục đã rà soát những nội dung báo cáo Quy hoạch sử dụng đất đến 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia, cho ý kiến chỉ đạo về điều chỉnh cơ cấu, số liệu và yêu cầu số liệu các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất phải đảm bảo tính tương thích, thống nhất và chính xác.

Theo Phó Tổng cục trưởng Đào Trung Chính, quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia gồm 3 nhóm chỉ tiêu chung và 10 chỉ tiêu tổng hợp các loại đất quan trọng mang tầm quốc gia, được Quốc hội phê duyệt. 3 nhóm chỉ tiêu chung là đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng. 10 chỉ tiêu tổng hợp thuộc 3 nhóm này bao gồm: Đất lúa nước; đất rừng phòng hộ; đất rừng đặc dụng; đất quốc phòng; đất an ninh; đất khu công nghiệp; đất phát triển hạ tầng; đất di tích danh thắng; đất xử lý chôn lấp chất thải nguy hại; đất ở đô thị.

Đối với đất trồng lúa, năm 2000 có 4.387.000 ha. Năm 2010 có 4.068.000 ha. Theo quy hoạch đến 2020, căn cứ kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu giữ tối thiểu 3,8 triệu ha, trong đó có 3,2 triệu ha đất chuyên trồng lúa nước, căn cứ nhu cầu các địa phương và sau khi thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đất trồng lúa được xác định là 3.810.000 ha. Như vậy giảm 258.000 ha so với 2010, chủ yếu diện tích giảm chuyển sang đất phi nông nghiệp.

Điểm mới của quy hoạch lần này còn là bảo đảm bố trí đủ đất cho phát triển công nghiệp, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chuyển đổi cơ cấu sử dụng đất phù hợp với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Đồng thời đảm bảo yêu cầu quản lý của từng cấp. Cấp trên chỉ phê duyệt các chỉ tiêu mang tính định hướng, quan trọng. Phần còn lại giao cho UBND cấp dưới xem xét quyết định một cách linh hoạt, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tăng tính chủ động cho địa phương trong nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

Riêng đối với đất khu công nghiệp, trong quá trình lập phương án quy hoạch sử dụng đất khu công nghiệp, tổng hợp từ đề xuất của các địa phương là 356.000 ha. Sau khi rà soát và thống nhất với các Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Công Thương, Bộ TN&MT đã đề xuất và kiến nghị Chính phủ diện tích phát triển khu công nghiệp đến 2020 chỉ là 187.000 ha. Tuy nhiên, căn cứ Nghị định 29/2008 của Chính phủ và thực tế nhiều địa phương chỉ có tỷ lệ “lấp đầy” các khu công nghiệp dưới 60% thì diện tích khu công nghiệp có thể mở rộng và thành lập mới đến 2020 là 106.000 ha. Bộ TN&MT sẽ có báo cáo xin ý kiến chỉ đạo đối với những chỉ tiêu này.

Monre

Tin cùng chuyên mục