,

Bài toán sử dụng đất hiệu quả - Kinh nghiệm nhìn từ 10 năm

Những thông tin mới nhất từ kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất 10 năm trên cả nước cho thấy ba tồn tại trong sử dụng đất. Đó là chưa khoanh định được diện tích đất trồng lúa cần bảo vệ; đối với đất lâm nghiệm chưa thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; với đất phi nông nghiệp, việc quy hoạch và phát triển các khu công nghiệp còn dàn trải, thiếu thống nhất trên quy mô liên vùng liên tỉnh và chưa đồng bộ với các quy hoạch khác.

Bù đắp phần diện tích đất trồng lúa đã mất là vô cùng khó khăn

Theo Tổng cục Quản lý đất đai, đối với việc sử dụng đất nông nghiệp 10 năm qua còn không ít tồn tại. Việc chuyển đổi diện tích lớn đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp, đặc biệt tại các vùng lúa có điều kiện canh tác tốt, hạ tầng thuận lợi, mà chưa cân nhắc hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội, môi trường lâu dài tác động không nhỏ tới đời sống của một bộ phận nông dân và mục tiêu bảo đảm an ninh lương thực. Nếu đất trồng lúa tiếp tục bị giảm như giai đoạn vừa qua và việc bù đắp lại phần diện tích đã mất là vô cùng khó khăn, nguy cơ mất an ninh lương thực là khó tránh khỏi trong vài thập kỷ tới.

Một số diện tích đất trồng lúa nằm gần các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp từ nước thải, khói bụi... khiến đát đai bị ô nhiễm, sâu bệnh gia tăng, ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cây trồng.

Quá trình tích tụ ruộng đất diễn ra chậm, quy mô sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân còn nhỏ, đất đai manh mún, toàn quốc vẫn còn tới 70 triệu thửa đất, hạn chế đến quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp, hiện đại hóa nông thôn.

Diện tích rừng tuy tăng song diện tích rừng phòng hộ ở một số vùng vẫn tiếp tục giảm, Tây Nguyên giảm 61 nghìn ha, Bắc Trung Bộ giảm 46 nghìn ha. Đặc biệt, diện tích rừng tự nhiên phòng hộ ở một số khu vực miền núi trung du Bắc Bộ, Tây Nguyên vẫn giảm mạnh, 344 nghìn ha, bình quân giảm 43 nghìn ha/ năm.

Còn lãng phí trong sử dụng đất phi nông nghiệp

Cụ thể đối với việc sử dụng đất công nghiệp, tỷ lệ lấp đầy đất khu công nghiệp thấp, dưới 50%. Đất phát triển hạ tầng bao gồm đất giao thông, đất thủy lợi, đất công trình hạ tầng xã hội còn thấp so với nhu cầu phát triển.

Đất dành cho giao thông chỉ đạt 1,7% so với diện tích tự nhiên. Đất thủy lợi mới đáp ứng nhu cầu tưới chủ động cho trên 50% diện tích đất canh tác, trong đó 85% cho đất trồng lúa, hiện tại còn hơn 1,3 triệu ha đất lúa ở các vùng đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, miền Trung, Tây Nguyên, miền núi chưa đảm bảo tưới chủ động. Sử dụng đất cho các công trình hạ tầng như văn hóa, y tế, giáo dục, thể thao mới đạt 70-90%, thấp so với nhu cầu.

Đất đô thị tăng nhanh về diện tích song cơ cấu sử dụng đất chưa hợp lý. Đất ở chiếm tỷ lệ cao, chủ yếu là nhà ở theo hộ gia đình độc lập, Hà Nội 80%, TP. HCM 72%. Đất dành cho giao thông đô thị thiếu, chưa đến 13% trong khi yêu cầu phải đạt 20-25%, tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh dưới 1% trong khi yêu cầu là 3-3,5% và đất dành cho các công trình công cộng, công viên, cây xanh mặt nước còn thiếu.

Đất bãi thải và xử lý chất thải cũng chưa được bố trí đủ diện tích theo yêu cầu xử lý nước thải, rác thải. Hầu hết các khu vực nông thôn chưa có quy hoạch khu vực thu gom rác thải, hiện cả nước chưa có các khu bãi chôn lấp và xử lý chất thải nguy hại.

Sẽ giao UBND các cấp quản lý đất trồng lúa

Giao cho UBND các cấp có trách nhiệm quản lý đất trồng lúa, phân bổ xác định ranh giới cắm mốc và công khai đến từng xã diện tích đất trồng lúa là giải pháp quan trọng trong thời gian tới nhằm đảm bảo sử dụng đất trồng lúa có hiệu quả và an toàn lương thực. Trong trường hợp cần thiết chuyển mục đích, các địa phương phải có kế hoạch bù đắp diện tích đã mất và phải được Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Diện tích đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và khu bảo tồn thiên nhiên cũng sẽ được rà soát, xác định rõ chỉ tiêu khống chế cần bảo vệ nghiêm ngặt. Công khai đến từng xã việc phân bổ xác định ranh giới và cắm mốc. Ban Quản lý và UBND các cấp chịu trách nhiệm quản lý đất nông nghiệp và chuyển đổi  mục đích cũng phải được Chính phủ quyết định.

Đất công nghiệp, đất đô thị, đất quốc phòng an ninh, đất cơ sở hạ tầng cũng sẽ được rà soát, đánh giá toàn diện thực trạng và quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn của cấp tỉnh.

Monre

Tin cùng chuyên mục