,

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc về nội dung quản lý khu dự trữ sinh quyển tại Cu Ba

Được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã dẫn đầu Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường làm việc về nội dung quản lý khu dự trữ sinh quyển tại Cu Ba trong các ngày 18-21 tháng 9 năm 2023 nhằm tăng cường chức năng, nhiệm vụ về quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường và trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về quản lý khu dự trữ sinh quyển với Cu Ba.

 

Tham gia Đoàn công tác có các đại diện đến từ các đơn vị của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai, Cù Lao Chàm - Hội An và Tây Nghệ An. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ của Dự án “Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển ở Việt Nam” do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tài trợ và Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan chủ quản của Dự án.

Khái niệm khu dự trữ sinh quyển lần đầu tiên được Chương trình Con người và Sinh quyển (MAB) thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đưa ra nhằm tôn vinh các khu vực có giá trị đặc biệt về thiên nhiên và đa dạng sinh học cũng như thúc đẩy các thực hiện các giải pháp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển kinh tế, xã hội. Các khu dự trữ sinh quyển đầu tiên ra đời vào năm 1974, mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới được thành lập vào năm 1976, hiện nay mạng lưới khu dự trữ sinh quyển gồm 748 khu thuộc 134 quốc gia. Trong mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển thế giới lại có các mạng lưới các khu dự trữ sinh quyển khu vực như mạng lưới khu dự trữ sinh quyển Châu Âu, Bắc Mỹ, Châu Phi, Châu Á Thái Bình Dương,…

Trong ngày làm việc đầu tiên, Đoàn công tác đã thăm và làm việc với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba. Tham dự buổi làm việc cùng Đoàn công tác có bà Adianez Taboada, Thứ trưởng và các đại diện của Vụ Hợp tác quốc tế, Cục Môi trường và các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba. Đối với lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và quản lý khu dự trữ sinh quyển, Cu Ba là một trong 134 quốc gia trên toàn thế giới tham gia vào Mạng lưới toàn cầu về khu dự trữ sinh quyển của UNESCO và Cu Ba có tổng số 06 khu dự trữ sinh quyển trải dài trên cả nước với đa dạng các hệ sinh thái từ hệ sinh thái núi đá vôi, hệ sinh thái rừng, đất ngập nước đến hệ sinh thái biển. Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Công ước Đa dạng sinh học, Cu Ba có rất nhiều hệ sinh thái (42 loại) và cảnh quan (23 loại), từ vùng đất khô cằn và bán khô cằn đến rừng và núi nhiệt đới ẩm. Cu Ba là trung tâm tiến hóa và hình thành loài chính của khu vực, đồng thời là một trong những hòn đảo quan trọng nhất trên toàn thế giới về đa dạng sinh học với nhiều loài đặc hữu, trong đó khoảng 50% loài thực vật và 42% loài động vật chỉ có thể được tìm thấy ở Cu Ba.

Đoàn công tác làm việc với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba (Ảnh: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học)

Thông qua buổi làm việc này, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba chia sẻ các thông tin tổng quát về hiện trạng quản lý bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, về quản lý khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên của Cu Ba. Những thông tin trao đổi sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu để Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển tại Việt Nam nghiên cứu, tham khảo, học tập nhằm tăng cường hiệu quả quản lý trong thời gian tới.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân và Thứ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba Adianez Taboada đều khẳng định hai Bộ sẽ tăng cường hợp tác, thực hiện các nghiên cứu chung trong lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý khu bảo tồn; thúc đẩy quan hệ hợp tác, trao đổi chia sẻ thông tin giữa các khu dự trữ sinh quyển tại Cu Ba và Việt Nam nhằm tiếp tục thực hiện Bản ghi nhớ về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được ký kết.

Đoàn công tác làm việc với Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển Sierra del Rosario (Ảnh: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học)

Ngày làm việc tiếp theo, Đoàn công tác đã đi khảo sát Khu dự trữ sinh quyển Sierra del Rosario, là một trong 06 khu dự trữ sinh quyển tại Cu Ba. Khu dự trữ sinh quyển Sierra del Rosario được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới vào năm 1984. Khu dự trữ sinh quyển Sierra del Rosario nằm ở phía đông của dãy núi Guaniguanico, giữa các tỉnh Pinar del Rio và Havana của Cu Ba với tổng diện tích 26.686 ha. Khu dự trữ sinh quyển này có cấu trúc địa chất phức tạp, với sự đa dạng lớn về các loại đá tạo ra các loại đất khác nhau và phần nào quyết định tính đặc hữu của hệ thực vật trong cảnh quan của Khu.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, Việt Nam được UNESCO công nhận khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên vào năm 2000 là khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. Đến nay Việt Nam đã có 11 khu dự trữ sinh quyển, trải dài trên nhiều hệ sinh thái khác nhau như hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất ngập nước và hệ sinh thái biển. Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong rằng buổi làm việc hôm nay sẽ mở ra cơ hội để khu dự trữ sinh quyển tại Cu Ba và các khu dự trữ sinh quyển Việt Nam trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Tại buổi làm việc này, Đoàn công tác của Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Quản lý khu dự trữ sinh quyển chia sẻ về mô hình quản lý, cơ chế phối hợp với các bên liên quan cũng như các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, nghiên cứu khoa học, các mô hình phát triển bền vững trong việc thực hiện 03 chức năng của khu dự trữ sinh quyển như sáng kiến của UNESCO.

Đoàn công tác làm việc với Ban Quản lý Vườn quốc gia Viñales (Ảnh: Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học)

Đoàn công tác cũng đã có buổi làm việc và khảo sát tại Vườn quốc gia Viñales. Vườn quốc gia Viñales. là một trong những địa điểm có cảnh quan núi đá vôi ngoạn mục tại Cu Ba. Thung lũng Vinales được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1999 với cảnh quan ấn tượng và độc đáo nằm ở Sierra de los Órganos, bao gồm những ngọn núi nổi tiếng, những ngọn núi đá vôi nhỏ có đỉnh tròn. Vinales là ví dụ điển hình nhất về thung lũng núi đá vôi trên đảo trong đó có Hang lớn Santo Tomás, là hệ thống hang động lớn nhất ở Cuba và hiện đang trong quá trình đề xuất công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Vườn quốc gia là nơi sinh sống của nhiều loài động thực vật đặc hữu của hệ sinh thái núi đá vôi. Đây là nơi đa dạng các loài động thực vật, là nơi sinh sống của loài chim quốc gia Cu Ba (Priotelus temnurus) và almiquí (Solenodon paradoxus), một trong những loài động vật có vú quý hiếm nhất trên thế giới.

Tại buổi làm việc này, hai bên đã cùng nhau chia sẻ về mô hình quản lý, cơ chế phối hợp với các bên liên quan cũng như các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển sinh kế bền vững tại khu vực; đặc biệt là kinh nghiệm trong việc hài hòa giữa bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế. Phát biểu kết thúc buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân mong rằng buổi làm việc này cũng là cơ hội thiết lập mối quan hệ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác chặt chẽ hơn về bảo tồn thiên nhiên và quản lý khu bảo tồn thiên nhiên trong thời gian tới.

Sau 03 ngày làm việc tích cực và hiệu quả, Đoàn công tác đã kết thúc chuyến công tác và đạt được các mục tiêu đặt ra. Trên tinh thần hợp tác hữu nghị và gắn bó giữa hai nước, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ luôn sẵn sàng chia sẻ và song hành cùng nhân dân Cu Ba nói chung và Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Cu Ba nói riêng trong công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và quản lý môi trường, phát triển bền vững./.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục