,

Mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc

Mỗi năm, có tới 2,5 tỷ tấn thức ăn thừa bị vứt bỏ. Thức ăn thừa khi thối rữa sẽ gây ô nhiễm nguồn nước, nguồn đất và thải ra lượng lớn khí mê-tan, một trong những loại khí gây hiệu ứng nhà kính mạnh nhất. Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của vấn đề, từ 20 năm trước, Hàn Quốc đã cấm vứt bỏ thức ăn thừa ra các bãi chôn lấp và triển khai mô hình xử lý phù hợp.

 

Nhiều quốc gia khác đã bày tỏ sự quan tâm và nghiên cứu mô hình xử lý rác thải thực phẩm của Hàn Quốc, trong đó giữ lại 90% thực phẩm bị vứt bỏ, không đem đổ ra các bãi chôn lấp hoặc đưa vào lò đốt. Dù vậy, hiện nay vẫn có rất ít quốc gia triển khai thành công mô hình xử lý rác như Hàn Quốc trên cấp độ toàn quốc.

Tiến sĩ Paul West, nhà khoa học cao cấp của Project Drawdown, một nhóm nghiên cứu phương án cắt giảm lượng khí thải các-bon, cho biết một trong những vấn đề nằm ở chi phí . Bộ Môi trường Hàn Quốc cho biết dù các cá nhân và doanh nghiệp tại Hàn Quốc phải trả một khoản chi phí để xử lý rác thải thực phẩm nhưng chính phủ vẫn cần chi thêm khoảng 600 triệu USD mỗi năm để thực hiện chương trình này.

Vấn đề rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc

Lãng phí thực phẩm là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra biến đổi khí hậu, không chỉ do lượng khí mê-tan thải ra mà còn do năng lượng và tài nguyên dùng cho quá trình sản xuất, vận chuyển cũng bị lãng phí.

Các bữa ăn truyền thống Hàn Quốc, với nhiều món ăn kèm, thường là nguyên nhân gây ra lượng lớn rác thải thực phẩm tại đây. Trước khi ứng dụng mô hình xử lý riêng với rác thải thực phẩm, Hàn Quốc từng đem chôn thức ăn thừa xuống lòng đất.

Tuy nhiên, trước những lời phàn nàn của người dân sống gần bãi rác về mùi hôi thối do thức ăn hỏng, bắt đầu từ năm 2005, Hàn Quốc đã cấm vứt bỏ thực phẩm thừa ra các bãi chôn lấp.

Theo đó, chính quyền từng địa phương đã xây dựng hàng trăm cơ sở xử lý rác thải thực phẩm. Người tiêu dùng, chủ nhà hàng, tài xế xe tải và những người khác cũng dần dần trở thành một phần lưới thu thập rác thải thực phầm và tái chế chúng để sử dụng cho những mục đích khác nhau.

Quy trình xử lý thực phẩm thừa

 Ông Lee Hae-yeon, chủ nhà hàng Jongno Stew Village, một địa điểm ăn trưa nổi tiếng ở quận Dobong (phía Bắc Seoul, Hàn Quốc), cho biết ông đã phải trả 2.800 won (3 USD) cho mỗi 20 lít thực phẩm thừa mỗi ngày. Mỗi ngày, thức ăn thừa từ nhà hàng của ông sẽ đuộc đựng trong chiếc xô lớn và đổ vào thùng rác được quy định riêng bên ngoài. Tới sáng hôm sau, rác thải sẽ được thu gom và đưa tới các cơ sở xử lý.

Ông Park Myung-joo, một nhân viên của nhóm xử lý rác, cho biết nhóm của ông thường bắt đầu đi thu gom rác từ khoảng 5h sáng các ngày trừ Chủ nhật. Sau khi thu gom toàn bộ lượng rác trong khu vực, đến khoảng 11h hàng ngày, nhóm của ông đem rác đến cơ sở xử lý Dobong.

Tại cơ sở này, các mảnh vụn, xương, hạt, vỏ và các loại rác thải không thể nghiền sẽ được lọc bằng tay và cho vào lò đốt. Các chất thải còn lại thì được đưa vào máy nghiền.

Sau công đoạn nghiền, rác thải tiếp tục được đem nung và khử nước. Hơi nước từ quá trình này sẽ được chuyển tới một nhà máy xử lý nước. Một phần hơi nước được dùng để sản xuất khí sinh học, một phần khác được lọc sạch và thải ra dòng suối gần đó.

Phần rác thải còn lại ở nhà máy tiếp tục được xử lý trong 4 giờ, cuối cùng tạo thành một loại bột khô, màu nâu. Ông Sim Yoon-sik, quản lý cơ sở xử lý Dobong cho biết, bột này được sử dụng làm thức ăn bổ sung cho gà và vịt, giàu protein và chất xơ. Cơ sở sau đó sẽ gửi sản phẩm này cho các trang trại.

Ngoài ra, bên trong nhà máy cũng có các đường ống lọc không khí bằng quy trình hoá học trước khi xả thải ra ngoài.

Tại một vài cơ sở khác, như cơ sở khí sinh học ở Goyang, ngoại ô Seoul, nơi tiếp nhận lượng  thực phẩm thừa gần 70.000 tấn mỗi năm, rác thải được xử lý bằng quá trình phân hủy kỵ khí. Trong đó, thực phẩm thừa sẽ được lưu trữ ở trong các bể lớn khoảng 35 ngày để phân hủy chất hữu cơ và tạo ra khí sinh học, chủ yếu là khí mê-tan và các-bon đi-ô-xít.

Khí sinh học sau đó được bán cho một công ty điện lực địa phương, dùng để sưởi ấm cho 3.000 ngôi nhà ở Goyang. Những chất rắn còn lại được trộn với dăm gỗ để tạo thành phân bón và gửi tới các trang trại.

Hàn Quốc đã cấm vứt thực phẩm thừa ra các bãi chôn lấp từ gần 20 năm trước. Ảnh: New York Times

Hiệu quả của mô hình

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng mỗi tấn chất thải thực phẩm trong bãi chôn lấp sẽ thải ra lượng khí nhà kính tương đương với khoảng 360kg các-bon đi-ô-xít. Ông Lee Chang-gee, một kỹ sư tại nhà máy Goyang cho biết, việc xử lý lượng rác này thành khí sinh học sẽ giúp cắt giảm khoảng một nửa lượng khí thải các-bon.

Các nhà nghiên cứu lưu ý thêm, chương trình này cũng đã đạt được một mục tiêu lớn, là thay đổi thói quen vửt bỏ đồ ăn thừa của người Hàn Quốc. Theo dữ liệu từ Bộ Môi trường Hàn Quốc, lượng thực phẩm bị bỏ thừa tại nước này đã giảm đều đặn trong những năm qua.

Với sự tiến bộ của công nghệ, các nhà máy xử lý rác thải thực phẩm ở Hàn Quốc đã cải thiện quy trình, sạch sẽ và hiệu quả hơn, giảm bớt mùi hôi thối đối với các khu dân cư sinh sống lân cận.

Bên cạnh đó, mô hình này cũng giúp người dân dễ dàng tham gia vào quá trình xử lý và thay đổi suy nghĩ của họ về vấn đề rác thải thực phẩm. Tại các khu dân cư trên khắp đất nước, cư dân được cấp thẻ để quét mỗi khi họ bỏ rác thực phẩm vào thùng rác quy định. Cuối tháng người dân sẽ trả phí dựa trên số lượng thực phẩm họ đổ đi.

Bà Eom Jung-suk, 60 tuổi, sống trong một khu dân cư chia sẻ bà chưa bao giờ phải trả quá 1 USD cho lượng thực phẩm bỏ thừa. Tuy nhiên, việc phải cân và trả phí xử lý thực phẩm thừa đã giúp bà ý thức hơn về lượng thức ăn bà bỏ đi.

Theo https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục