Xăng dầu và than là mặt hàng nhạy cảm. Hiện mặt hàng này đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Vậy áp thuế môi trường có khiến cho mặt hàng này nhảy giá không, thưa ông?
Nếu dự thảo Luật thuế Môi trường được Quốc hội thông qua thì, đến năm 2012, mặt hàng xăng dầu sẽ chính thức chịu thuế môi trường. Đến khi đó, mặt hàng này không còn phải đóng thuế tiêu thụ đặc biệt nữa.
Thuế môi trường dự kiến chiếm 25% giá bán mặt hàng này. Nhiều ý kiến cho rằng, căn cứ vào đâu mà áp thuế môi trường cho xăng dầu cao như vậy.
Chúng ta phải nhìn nhận rằng, tại nhiều quốc gia trên thế giới, xăng dầu là mặt hàng đầu tư chiến lược, các nước trên thế giới đều đem vào chương trình an ninh năng lượng quốc gia, đều có một quy trình quản lý riêng về xăng dầu.
Sự dao động của thuế môi trường cho mặt hàng xăng là từ 1.000 - 4.000 đồng/lít là nhằm điều hành mặt hàng này theo giá thị trường thế giới.
Theo Nghị định mới của Chính phủ, nếu giá xăng dao động trong 7%, doanh nghiệp tự điều hành giá; nếu dao động từ 7 – 12% doanh nghiệp được cơ cấu vào giá bán thêm 6%; nếu trên 12%, Nhà nước có thể can thiệp bằng biện pháp giảm thuế nhập khẩu hoặc dùng một quỹ nào đó để bình ổn giá.
Trong thiết kế chính sách thuế, chúng tôi cũng dựa vào tính đặc thù ấy để tránh tình trạng xuất nhập lậu mặt hàng này.
Cách tính của chúng tôi dựa trên cách tính mà các nước đã ban hành. Với châu Âu, họ thu 0,42 euro/lít xăng, trong khi giá bán là 1,4- 1,5 euro/lít. Gần nhất là Philippines cũng thu khoảng 27 – 28% giá hiện hành.
Với mức thu dự kiến 25% ở Việt Nam, so với các nước phát triển, chúng ta vẫn thấp hơn.
Trong mặt hàng xăng dầu, dầu diesel gây hại cho môi trường nhiều hơn xăng nhưng chỉ chịu mức thuế môi trường là 500 – 2.000 đồng trong khi xăng dầu lại chịu mức cao hơn là 1.000 – 4.000 đồng?
Chúng tôi đã nghiên cứu cụ thể và thấy rằng, đa số người sử dụng dầu diesel là ngư dân, vận tải đường bộ và vận tải đường sắt.
Bởi vậy, không thể nâng giá thuế của mặt hàng này cao hơn vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của ngư dân và kéo theo đó là một loạt mặt hàng sẽ tăng giá vì giá cước vận chuyển cao hơn.
Trong Luật thuế Môi trường có đối tượng chịu thuế là thuốc bảo vệ thực vật hạn chế sử dụng. Như vậy có hợp lý khi chủ thể đóng thuế chủ yếu là nông dân?
Bản dự thảo ban đầu chúng tôi đưa vào danh mục diện chịu thuế cả phân bón và thuốc trừ sâu. Tuy nhiên, qua tìm hiểu cụ thể, chúng tôi không đưa phân bón vào vì loại này chiếm hơn 30% chi phí đầu vào của nông dân.
Thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 12%, và nhóm thuốc bảo vệ thực vật chịu thuế chỉ chiếm 15% trong tổng số các loại thuốc bảo vệ thực vật được đưa vào sử dụng tại Việt Nam. Bởi vậy, nhóm đối tượng bị ảnh hưởng sẽ rất nhỏ.
Với việc áp thuế môi trường mặt hàng này, chúng tôi muốn hạn chế việc sử dụng những hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, thông qua đó thay đổi dần nhận thức trong việc sử dụng hóa chất nông nghiệp, hạn chế và hướng tới việc sử dụng các loại hóa chất ít gây ô nhiễm hơn.
Các nhà làm luật đã tính tới tác động của luật lên nền kinh tế chưa, thưa ông?
Trong việc đưa ra mức thuế môi trường, chúng tôi cũng cân nhắc đến tác động kinh tế. Ví dụ than chẳng hạn, chúng tôi thiết kế với mức mà ngành than có thể chịu đựng được.
Chúng tôi có so sánh mức giá than trong nước và thế giới để chúng ta có thể tiếp cận được khi Việt Nam phải hướng tới khả năng nhập khẩu mặt hàng này.
Hoặc ví dụ như với khí HCFC ở tủ lạnh, nếu bỏ 2 triệu đồng ra để mua một chiếc tủ lạnh, người tiêu dùng phải đóng 1.000 đồng thuế môi trường. Số tiền này là không đáng kể.
Tiền thu từ thuế môi trường sẽ được sử dụng như thế nào, thưa ông?
Trong danh mục thu thuế có nhóm xăng dầu, theo số liệu năm 2009, thu về 9.000 tỷ đồng/năm. Cộng với các đối tượng khác, sẽ có khoảng 14.000 tỷ/năm.
Đã nói là thuế thì phải theo luật ngân sách và số tiền này được sử dụng như thế nào sẽ do Quốc hội quyết định. Nhưng tôi dám khẳng định rằng số tiền này không đủ làm sạch môi trường vì riêng đề xuất về các dự án môi trường hiện nay đã là hơn 30.000 tỷ đồng.
Cảm ơn ông.
- Ấm nóng toàn cầu làm tăng nhu cầu tiêu thụ điện năng cho việc làm mát. Nắng nóng xuất hiện nhiều hơn góp phần tạo ra nhiều sự cố hơn cho nguồn phát, mạng chuyển tải điện, làm tăng chi phí thông gió, chi phí làm mát hầm lò khai thác than, làm giảm hiệu suất, sản lượng nhà máy điện. Nhiệt độ tăng còn góp phần làm tăng tiêu hao năng lượng, tăng tiêu hao xăng dầu của các động cơ. Tình hình đó dẫn đền tiêu thụ nhiều xăng dầu hơn.
- Phát thải khí nhà kính ở Việt Nam lớn nhất là từ tiêu thụ năng lượng. Năm 1994, lần đầu tiên Việt Nam kiểm kê quốc gia khí nhà kính, tổng lượng khí nhà kính do đốt xăng dầu, than, là trên 21 triệu tấn CO2, v.v. Lượng phát thải này là rất lớn nếu biết lượng khí nhà kính phát thải từ các hoạt động công nghiệp ở nước ta cùng năm chưa đến 4 triệu tấn CO2.
- Đến năm 2000, lượng khí CO2 mà lĩnh vực năng lượng phát thải đã hơn gấp đôi năm 1994, khoảng 50 triệu tấn. Năm 2010, mức phát thải CO2 của lĩnh vực này dự kiến gấp đôi năm 2000, khoảng 110 triệu tấn. Đến năm 2020, dự kiến gấp đôi năm 2010, khoảng 224 triệu tấn CO2. Đến năm 2030, mức phát thải CO2 có thể là 387 triệu tấn.
Nếu không có các biện pháp quyết liệt kiềm chế, tiết kiệm, và sử dụng hợp lý năng lượng ngay từ bây giờ, Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu trở thành nước công nghiệp vào năm 2020
* Ảnh: Sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng là cách để giảm gánh nặng thuế môi trường sẽ áp dụng nay mai ở Việt Nam