,

Tái chế rác thải điện tử ở Việt Nam: Đường còn dài

Bản báo cáo của Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) về tình trạng rác thải điện tử trên thế giới công bố vào tháng trước dù không đề cập đến Việt Nam, nhưng theo các chuyên gia thì lượng rác thải này tại Việt Nam không hề nhỏ. Vấn đề tái chế cũng như xử lý an toàn lượng rác thải này vẫn chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cơ quan chức năng, giới nghiên cứu lẫn cộng đồng mặc dù nhiều lời cảnh báo về sự độc hại từ những vật liệu có trong loại rác này như chì, thủy ngân và chrome đã được đưa ra từ lâu.

Cách đây hơn ba năm, trong một bản báo cáo dày 175 trang, một nhóm các chuyên gia của Công ty Môi trường Đô thị (URENCO) ở Hà Nội, qua nghiên cứu hơn 400 hộ gia đình, 400 văn phòng và 400 cơ sở sửa chữa, tái chế trên bảy tỉnh thành, đã ghi nhận một sự gia tăng đáng kể về số lượng rác công nghệ cao trong các năm từ 2002 đến 2006.

Cũng trong năm 2007, Bộ Môi trường Nhật Bản phối hợp với Bộ Tài nguyên - Môi trường Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo ở Hà Nội về vấn đề này, nhưng sau đó, câu chuyện rác thải điện tử đã trở nên im ắng và nhường chỗ cho những vấn đề môi trường cấp bách hơn, dù khối lượng rác thải là các sản phẩm điện tử hư cũ như ti-vi, máy tính, điện thoại di động, máy điều hòa không khí… ngày càng nhiều.

Theo số liệu của ngành thống kê, kim ngạch nhập khẩu máy tính và linh kiện điện tử vào năm 2000 đạt 892 triệu đô-la Mỹ, đến năm 2004 con số này tăng đến 1 tỷ 349,5 triệu đô-la và hai năm gần đây tăng vọt lên 3 tỷ 714,3 triệu đô-la vào năm 2008 và 3 tỷ 931 triệu đô-la vào năm 2009. Tương ứng với sự gia tăng của lượng máy nhập khẩu là sự gia tăng của lượng máy bị thải bỏ. Theo một ước tính của ngành môi trường, lượng rác thải điện thoại trong nước mỗi năm khoảng 400 tấn, ẩn chứa bên trong đó là các chất độc hại chưa qua xử lý như chì, thủy ngân…

Thực trạng tái chế

Một chủ cửa hàng thu mua hàng điện máy cũ ở khu chợ Nhật Tảo, quận 10 TP.HCM nói rằng ở Việt Nam không có chuyện vứt các loại điện thoại hay máy tính cũ, hư ra đường như rác mà thường người sử dụng bán lại cho các tiệm sửa chữa hay những người mua ve chai. Các sản phẩm thải ra này sau đó được người ta rã ra để thu gom linh kiện, hoặc lấy kim loại và vỏ máy đem bán lại cho các cơ sở tái chế.

Những linh kiện điện tử đó sẽ được các đầu mối mua lại, phân loại và chuyển cho các cửa hàng đồ điện tử tân trang rồi… bán lại cho người sử dụng. Đội quân thu gom và tái chế lượng rác thải này gồm hơn 1.000 cơ sở cùng hàng chục ngàn người mua ve chai này được các chuyên gia môi trường ví von là “cứu tinh” cho môi trường của thành phố.

Tuy nhiên, điều đáng nói là công nghệ tái chế tại các cơ sở này còn quá lạc hậu. Sau khi các kim loại và linh kiện điện tử còn dùng được được bóc tách và đem bán hoặc sửa chữa, phần còn lại chủ yếu được đốt hoặc nghiền rồi pha thêm hóa chất để tạo ra sản phẩm mới, vốn là các sản phẩm đơn giản như chai lọ, túi nylon với số lượng còn hạn chế.

Theo ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TP.HCM, vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, chất thải nhựa gây ra đang được các ngành chức năng quan tâm, nhưng trên thực tế chưa có giải pháp nào hữu hiệu, dù tiềm năng là rất lớn, chẳng hạn như trong việc tái chế chất thải nhựa. Hiện nay Việt Nam có hơn 2.200 doanh nghiệp nhựa, khoảng 80-90% nguồn nguyên liệu đều phải nhập khẩu trong khi tốc độ phát triển của ngành này là từ 15% đến 20% mỗi năm.

Cần sự quan tâm đúng mức

Tiến sĩ Chế Đình Lý, Phó viện trưởng Viện Môi trường – Tài nguyên thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho biết hiện vẫn chưa có chương trình nào nghiên cứu về vấn đề xử lý chất thải điện tử ở Việt Nam dù giới khoa học có ít nhiều quan tâm. Theo ông, các cuộc nghiên cứu hiện vẫn đang tập trung nhiều vào việc xử lý chất thải tập trung, chẳng hạn như chất dioxin, dầu biến thế, dầu nhớt, thuốc trừ sâu, thực phẩm…, hay nói nôm na là những cuộc nghiên cứu “có đầu ra”.

Ông Lý cho rằng sớm hay muộn thì cơ quan chức năng cũng phải chú trọng vào việc xử lý rác thải điện tử vì nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của loại rác này rất lớn, trong khi tiềm năng tái sử dụng lại cao, vì thế vừa giải quyết được vấn đề môi trường lại vừa có hiệu quả về kinh tế.

Các cuộc nghiên cứu của giới khoa học trong nước cũng đã đưa ra các công nghệ để biến các loại rác này trở thành những nguyên liệu để sản xuất gạch xây, gạch lót đường, bao bì, tấm lợp, còn các hợp chất kim loại cần được thu hồi, kết hợp với việc tăng thêm đầu tư cho công nghệ tái chế thay cho chôn lấp, đốt bỏ, nhằm tránh gây hại cho môi trường.

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng các cơ quan chức năng cần phải được đánh động về vấn đề rác thải điện tử và cần phải thay đổi tư duy quản lý môi trường của mình, đưa ra các chiến lược quản lý rác này ngay tại nguồn, khuyến cáo, ngăn ngừa thay vì xử lý tốn kém và chôn lấp rác.

Các con số ước tính cho thấy năm 2010 này trên cả nước sẽ có khoảng 45 triệu tấn rác thải rắn, trong đó rác điện tử chiếm một phần đáng kể. Một vấn đề đáng quan tâm hơn là dù chứa nhiều chất độc hại như thủy ngân, chì, chrome… nhưng loại rác này vẫn chưa được xem là chất thải nguy hại, nên chưa thu hút được sự quan tâm đúng mức của cơ quan chức năng, giới nghiên cứu lẫn xã hội.

Le lói những tín hiệu vui?

Cuối năm 2009, Chiến lược quản lý chất thải rắn đến năm 2025 được Chính phủ ban hành với các mục tiêu tái chế, phân loại tại hộ gia đình bên cạnh việc thành lập các quỹ tái chế chất thải rắn.

Tuy vậy, theo bà Huỳnh Thị Thu Hà, cán bộ môi trường Văn phòng UBND TP.HCM, quỹ tái chế chất thải rắn ở TPHCM dù được thành lập từ năm 2007 nhưng đến nay mọi hoạt động vẫn chỉ dừng lại ở hình thức tư vấn, tuyên truyền, hội thảo, nghiên cứu vì khoản ngân sách 50 tỷ đồng vẫn chưa đến được với quỹ, gây khó khăn cho các hoạt động hỗ trợ tái chế chất thải rắn.

Một tín hiệu lạc quan khác cho môi trường là nhà máy xử lý chất thải rắn do công ty Vietstar đầu tư với công nghệ được chuyển nhượng từ tập đoàn Lemna (Mỹ) cũng vừa mở cửa vào cuối năm 2009 tại Củ Chi, TP.HCM, mặc dù khối lượng rác xử lý ban đầu chưa nhiều, khoảng 1.200 tấn rác thải rắn mỗi ngày.

Trong khi đó, Cục Hạ tầng kỹ thuật - Bộ Xây dựng cho biết đang lập kế hoạch trình Chính phủ Chương trình xử lý chất thải rắn đến năm 2020, dự kiến sẽ huy động số vốn 44.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý chất thải rắn với mục tiêu giải quyết được 85% chất thải vào năm 2015 và nâng lên 95% vào năm 2020.

Rác thải điện tử, dù được coi là chất thải nguy hại hay chất thải rắn thì theo tiến sĩ Chế Đình Lý cũng phải được giải quyết, vấn đề là ở chỗ nếu làm sớm thì hậu quả sẽ được giảm nhẹ, cũng như các chi phí phải chi ra cho việc xử lý sẽ không quá tốn kém.

Tháng 2-2010, hãng điện thoại Nokia đã trao tặng Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM 290 thùng rác được sản xuất từ nguyên liệu từ việc tái chế 7.363 chiếc điện thoại và 9.222 món linh kiện hỏng trong chương trình “tái chế điện thoại, bảo vệ môi trường” trong năm 2009. Dù món quà nhỏ, nhưng theo lời một chuyên gia môi trường, đây cũng là một câu chuyện lớn về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Monre

Tin cùng chuyên mục