,

Tăng “sức đề kháng” cho hệ sinh thái ven biển

“Cần nhanh chóng bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, đặc biệt là ở khu bảo tồn biển dự kiến (chưa được công nhận khu bảo tồn) để có thể đáp ứng được yêu cầu bảo vệ đa dạng sinh học”, TS. Lê Xuân Tuấn - Trung tâm Nghiên cứu hệ sinh thái rừng ngập mặn, khuyến cáo đối với Thừa Thiên – Huế trong bảo vệ hệ sinh thái ven biển trước nguy cơ nước biển dâng.

* Cỏ biển có thể ngừng sinh trưởng do nước biển dâng

Ở Huế, hệ sinh thái ven biển tập trung ở khu phá Tam Giang – Cầu Hai, Lăng Cô, khu bảo tồn biển đề xuất Hải Vân – Sơn Trà, khá phong phú về số loài. Riêng ở phá Tam Giang – Cầu Hai đã có 1.000 loài sinh vật biển, 73 loài chim, 1.800 ha cỏ biển… TS. Lê Xuân Tuấn cho biết, nước biển dâng ở Huế sẽ gây ra ngập lụt, lũ lụt, xói mòn, mất đất ngập nước, tăng xâm nhập mặn. Là một vùng thấp, diện tích bề ngang hẹp, nước biển dâng do biến đổi khí hậu trong thập kỷ tới sẽ ảnh hưởng tới hệ sinh thái ven biển của Huế.

TS. Lê Xuân Tuấn và các cộng sự đã nghiên cứu mức độ tác động của nước biển dâng tới 3 đối tượng chính là cây ngập mặn, rạn san hô và cỏ biển, trong đó thảm cỏ biển chịu tác động mạnh nhất. “Với mức độ ngập sâu 75-100cm, mức độ sinh trưởng của phần lớn cỏ biển sẽ giảm đi rõ rệt”, TS. Lê Xuân Tuấn nói.

TS. Tuấn lý giải, các loài cỏ biển đã bám rễ cố định trên nền đáy ngập nước ở độ sâu 0,5-2m. Mực nước biển dâng lên sẽ giảm ánh sáng tới tầng cỏ biển, thay đổi dòng chảy, tăng độ đục, độ mặn khiến môi trường sống cỏ biển thay đổi lớn. Ước tính, với mức nước biển dâng 50cm, giảm đi 50% ánh sáng khuếch tán và làm giảm sinh trưởng 30-40% của cỏ biển.

Bị tác động ít hơn là cây ngập mặn. Song, nước biển dâng khiến độ mặn nước biển tăng cũng khiến cây không thể thích nghi, thu hẹp diện tích. Khả quan hơn là rạn san hô. Theo TS. Lê Xuân Tuấn, hầu hết các rạn san hô có thể bắt kịp với mức nước biển dâng. Song vấn đề là mức độ che phủ của rạn san hô ở Huế không cao và đã có dấu hiệu suy giảm nên quá trình phát triển và thích nghi với điều kiện nước biển dâng không dễ.

* Cộng đồng chung sức bảo tồn biển

Cùng với việc bảo tồn các loài động thực vật quý hiếm, TS. Lê Xuân Tuấn cho rằng cần bảo vệ một số hệ sinh thái ven biển đang bị tác động, “tăng sức đề kháng” cho chúng để thích ứng với nước biển dâng.

Đứng trên khía cạnh xã hội, bà Hồ Thị Yến Thu, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sinh vật biển và Phát triển cộng đồng cho rằng, cộng đồng bảo vệ biển là một mô hình hiệu quả. Theo bà Yến, trước tiên nên giúp họ nhận thức được sự phụ thuộc mật thiết giữa miếng cơm manh áo hàng ngày của họ với tình trạng của môi trường và nguồn lợi biển. “Chúng ta có thể chỉ ra cho họ thấy 1km2 rạn san hô có thể cung cấp lượng hải sản tương đương với 10.000 dollar Mỹ, 1km2 rừng ngập mặn có thể cung cấp khoảng 450 kg hải sản, mỗi năm hệ sinh thái cỏ biển cho ta lượng thủy sản và các dịch vụ có giá trị trên 20 triệu dollar Mỹ”, bà Yến dẫn chứng.

Song song với nâng cao nhận thức, cần có chương trình dài hơi để hỗ trợ người dân phát triển sinh kế thân thiện môi trường, tổ chức cuộc sống và sản xuất một cách phù hợp có tính đến những rủi ro của thiên tai, của biến động xã hội, và gìn giữ phục hồi các hệ sinh thái biển. Điều này cần sự phối hợp của nhiều bên như Nhà nước, nhân dân, doanh nghiệp, tổ chức xã hội, và lấy cộng đồng dân cư làm trọng tâm và chủ thể.

Monre

Tin cùng chuyên mục