,

Thế giới trước ngưỡng “phá sản sinh thái”

Trong một báo cáo mới đây, các chuyên gia của tổ chức Global Footprint Network (GFN) nhận định loài người đang đứng trước ngưỡng cửa "phá sản sinh thái" và viễn cảnh này bắt đầu vào ngày 21/8/2010, khi mức tiêu thụ năng lượng của con người sẽ vượt khối lượng mà thiên nhiên có khả năng khôi phục.

Theo báo cáo trên, ngày 21/8 bắt đầu "quá trình phá hoại" không thể đảo ngược đối với sông ngòi và biển, vì số lượng cá và hải sản đánh bắt nhiều hơn khả năng tái sản xuất của thiên nhiên. Cứ mỗi phút, loài người sẽ đánh mất tài nguyên rừng tương đương với diện tích 65 sân bóng. Hàm lượng các khí thải gây hiệu ứng nhà kính trong khí quyển vượt mọi chỉ số cho phép, những đợt nóng khủng khiếp, lũ lụt và thảm họa cháy sẽ dội xuống đầu cư dân Trái đất. 

Kết luận trên của các chuyên gia GFN dựa trên cơ sở theo dõi nhiều năm tác động sinh hoạt của con người vào môi trường. Đây là sự đối chiếu giữa khối lượng tiêu thụ của loài người trong một năm và khả năng tái thiết dự trữ của hành tinh.

Kịch bản mà các nhà sinh thái dựng lên thật bi đát. Trong khi đó, cũng theo họ, có thể dễ dàng giảm tác động của con người tới môi trường xung quanh. Cụ thể là ăn ít thịt hơn, thay đổi phương tiện giao thông từ xe hơi sang xe đạp hay xe điện ngầm, hay tích cực sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

Một loạt quốc gia đang tích cực làm việc theo hướng này. Tình hình ở Nga cũng không hoàn toàn tồi tệ. Theo đánh giá của giới chuyên gia, trung bình một người Nga gây tác hại sinh thái thấp hơn hai lần so với một cư dân Mỹ. Tuy nhiên, cho tới thời điểm gần đây, Nga vẫn ít lưu tâm tới các nguồn năng lượng tái tạo, mặc dù ngày 4/6/2008 Tổng thống Nga đã ký lệnh tăng 40% hiệu quả năng lượng cho nền kinh tế Nga. Evgeni Shvarts, Giám đốc phụ trách chính sách bảo tồn thiên nhiên của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới, nói: "Các nước cần chuyển sang nền kinh tế hydrocacbon thấp và năng lượng tái tạo".

Giới quan sát cho rằng sự chính xác trong các tính toán của các chuyên gia GFN thất ấn tượng. Song họ cũng nói rằng rất có thể các chuyên gia GFN đã tô vẽ quá mức và viễn cảnh "phá sản sinh thái". Tuy nhiên, các phép tính đơn thuần cho thấy để đáp ứng đầy đủ nhu cầu của con người hiện nay đòi hỏi một hành tinh lớn gấp rưỡi trái đất. Vậy mà chẳng ai hứa hẹn sự xuất hiện một hành tinh mới đến thời điểm ngày 21/8, hay thậm chí trong tương lai xa. Biết đâu, thật sự đã tới lúc loài người nên đổi phương tiện di chuyển sang những chiếc xe đạp?

Monre

Tin cùng chuyên mục