,

“Cái nôi” của những giá trị đa dạng sinh học đặc sắc

Việt Nam là một trong những quốc gia có các khu dữ trữ sinh quyển với nguồn đa dạng sinh học phong phú. Việc bảo tồn và phát huy các khu dự trữ sinh quyển được xem là một định hướng cốt lõi trong bảo vệ môi trường, hệ sinh thái nước ta.

 

* 9 khu dự trữ sinh quyển

Đến nay, Việt Nam đã có 9 khu dữ trữ sinh quyển (DTSQ) được Chương trình con người và sinh quyển thế giới (MAB-UNESCO) công nhận. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam đứng thứ 2, sau Indonesia, về số lượng các khu DTSQ.

Đặc trưng nổi bật khu DTSQ nước ta thuộc cả vùng đồng bằng, miền núi, ven biển và hải đảo, bao gồm: khu DTSQ rừng ngập mặn Cần Giờ (2000), khu DTSQ Quần đảo Cát Bà (2004), khu DTSQ châu thổ sông Hồng (2004), khu DTSQ ven biển và biển đảo Kiên Giang (2006), khu DTSQ miền tây Nghệ An (2007), khu DTSQ Mũi Cà Mau (2009), khu DTSQ Cù Lao Chàm - Hội An (2009), khu DTSQ Đồng Nai (2011), khu DTSQ Lang Biang (2015).

Khu DTSQ nhỏ nhất tính đến nay là Quần đảo Cát Bà với 26.241 ha và lớn nhất là Tây Nghệ An với hơn 1.3 triệu ha.

Thống kê được biết, tổng diện tích của 09 khu DTSQ của Việt Nam với hơn 4 triệu ha, chiếm khoảng 12,1% diện tích diện tự nhiên cả nước. Đây cũng là nơi sinh sống của khoảng 1,78 triệu người. Riêng diện tích vùng lõi, chủ yếu là các Vườn quốc gia, khu bảo tồn và rừng đặc dụng chiếm 11% tổng diện tích của các khu DTSQ - khoảng 450.000ha. Nơi đây tập trung đa dạng sinh học cao với sự phong phú các dịch vụ hệ sinh thái.

Khu dữ trữ sinh quyển Cát Bà

Theo đánh giá chung, các khu DTSQ tại Việt Nam chứa đựng những giá trị đa dạng sinh học đặc sắc và đóng góp cho sự phát triển địa phương. Điển hình như hệ sinh thái biển đảo; hệ sinh thái rừng ngập mặn ven biển và biển; hệ sinh thái rừng nhiệt đới; hệ sinh thái rừng trên đất liền và đất ngập nước nội địa. Các khu DTSQ hiện nay đóng góp quan tọng trong bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển các hoạt động phát triển kinh tế.

Khu DTSQ là một mô hình độc đáo với phương châm hài hoà giữa bảo tồn và phát triển thông qua đảm bảo thực hiện 3 chức năng gắn với 3 phân vùng (Vùng lõi, Vùng đệm, Vùng chuyển tiếp): gồm bảo tồn ĐDSH; phát triển kinh tế thân thiện với môi trường; và hỗ trợ nghiên cứu, giáo dục và đào tạo với sự tham gia của các bên: các ban ngành, kinh tế tư nhân, nghiên cứu, người dân địa phương.

* Chưa thống nhất mô hình quản lý

Hiện để quản lý khu DTSQ có nhiều cơ quan khác nhau. Vùng lõi Vườn quốc gia, Khu bảo tồn quản lý trực tiếp theo ngành dọc của các bộ chuyên ngành, như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ TN&MT, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Để tổ chức phối hợp hoạt động của các Sở, ban, ngành liên quan, của các cấp chính quyền địa phương và cộng đồng, các khu DTSQ đã thành lập các Ban quản lý và các bộ phận hỗ trợ (gọi chung là BQL). Đối với các khu DTSQ nằm trong ranh giới một tỉnh, quyết định thành lập BQL do UBND tỉnh phê duyệt. Trong trường hợp khu DTSQ nằm trong ranh giới của nhiều tỉnh như khu DTSQ châu thổ sông Hồng thì quyết định thành lập BQL do UBQG UNESCO Việt Nam ban hành.

Cơ cấu tổ chức, các BQL khu DTSQ hiện chưa có mô hình tổ chức thống nhất. Mỗi địa phương hình thành bộ máy tổ chức quản lý khu DTSQ tùy thuộc tiếp cận của mình.

Thực tế các khu DTSQ tại Việt Nam thời gian qua cho thấy, các khu DTSQ này nằm trong phạm vi một tỉnh hoặc liên tỉnh. Bộ máy quản lý, điều hành có tính chất kiêm nhiệm, tùy thuộc từng địa phương cụ thể, tổ chức quản lý không giống nhau, một số khu lấy bộ máy quản lý tại vùng lõi là các khu bảo tồn làm nòng cốt, một số khu có bộ phận độc lập kết hợp với BQL các khu bảo tồn. Thông thường, trưởng BQL khu DTSQ là lãnh đạo UBND tỉnh.

Một thách thức khác đặt ra là hiện nay là thực thể “Khu dự trữ sinh quyển” không được đề cập trong những chính sách quan trọng như là một thể thống nhất và vì thế cũng không được quản lý một cách chính thống của hệ thống cơ quan quản lý của Việt Nam, mà chỉ được đề cập như là một hợp phần của khu DTSQ là vùng lõi của Vườn quốc gia, khu bảo tồn.

Hiện tại, khái niệm khu DTSQ vẫn còn chưa có trong hệ thống quy phạm pháp luật quản lý quốc gia hiện hành. Đồng thời, vẫn chưa có chính sách quản lý thống nhất đối với khu DTSQ từ cấp trung ương đến địa phương.

Góc độ quản lý nhà nước, chỉ có vườn quốc gia, khu bảo tồn là có các cấp quản lý nhà nước từ địa phương tới Trung ương, còn các khu DTSQ ngoài nằm trong mạng lưới của MAP/UNESCO, lại chưa có quy định cụ thể về quản lý nhà nước của Bộ, ngành nào.

Mặt khác, địa bàn, diện tích các khu DTSQ thường rất lớn, điều kiện tự nhiên, xã hội phức tạp, bị nhiều áp lực do có nhiều hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tác động ảnh hưởng trực tiếp đến công tác quản lý, cũng như hiện trạng tài nguyên thiên nhiên tại các khu DTSQ. Vấn đề tổ chức quản lý ở cấp độ khu DTSQ còn khó khăn hơn nhiều khi khu DTSQ đó là liên tỉnh, mỗi tỉnh lại có những cách tiếp cận riêng với phát triển và bảo tồn.

* Luật hóa nội dung quản lý khu dữ trữ sinh quyển

Để khu DTSQ được quản lý, bảo vệ đúng với tiềm năng, các chuyên gia đề xuất cần có các giải pháp cụ thể và đồng bộ.

Trước hết cần thể chế chế hóa chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức quản lý, đưa nội dung quản lý các khu DTSQ vào Luật BVMT năm 2014 sửa đổi. Trong thời gian tiếp theo tiếp tục xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn quản lý, cũng như quy định rõ chức năng, nhiệm vụ quản lý các khu DTSQ cho các Bộ, ngành liên quan và địa phương.

Do có nhiều cơ quan quản lý khu DTSQ nên cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa các bên liên quan, trong đó có Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ; xây dựng mô hình quản lý tại các khu DTSQ từ cấp Trung ương đến địa phương. Xây dựng Chiến lược phát triển các khu DTSQ trình cấp thẩm quyền ban hành theo hướng tiếp cận quản lý các khu DTSQ của Việt Nam. Đồng thời, xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật, quản lý cho các khu DTSQ, hướng dẫn lập kế hoạch quản lý các khu DTSQ; hướng dẫn xây dựng các mô hình quản lý tài nguyên thiên nhiên, các mô hình cải thiện sinh kế cộng đồng... Đối với các khu DTSQ tiềm năng cần hướng dẫn quy trình, cũng như nội dung hồ sơ đề cử trở thành khu DTSQ.

Bên cạnh đó, thực hiện các nhiệm vụ song song như chú trọng công tác tăng cường năng lực, truyền thông nâng cao nhận thức, quảng bá cho các bên liên quan về giá trị vai trò cũng như tham gia trong công tác quản lý các khu DTSQ. Thúc đẩy xây dựng cơ sở dữ liệu cho các khu DTSQ trong hệ thống cơ sở dữ liệu ĐDSH quốc gia. Tiếp tục huy động nguồn lực, sự tham gia các tổ chức quốc tế, các dự án hỗ trợ cho các khu DTSQ; đánh giá một cách khoa học trước các hoạt động sử dụng, phát triển.


Tin cùng chuyên mục