,

Quốc hội thảo luận dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả: Cần cụ thể hóa các quy định pháp lý

Sáng 25/5, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp này. Dự án Luật gồm 12 Chương 48 điều quy định cụ thể về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong các lĩnh vực như chiếu sáng, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, các dự án đầu tư… Tuy nhiên các đại biểu cho rằng Luật cần quy định cụ thể hơn nữa để Luật thực sự có giá trị pháp lý không chỉ khuyến khích động viên chung chung.

* Nguồn năng lượng sẵn có đang dần cạn kiệt

“Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất để sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả chính là vì nguồn năng lượng hóa thạch của chúng ta không nhiều như chúng ta nhầm tưởng và chỉ một thời gian nữa sẽ cạn kiệt”, đại biểu Nguyễn Lân Dũng – Đắk Lắk lên tiếng như một cảnh báo. Theo ông, với sản lượng khai thác như hiện nay, chắc chắn 30 năm nữa chúng ta sẽ cạn kiệt dầu khí. Còn than, dự kiến năm nay chúng ta xuất khẩu 10 triệu tấn than nhưng năm 2015 chúng ta phải nhập 34 triệu tấn than, năm 2025 nhập 228 triệu tấn.

Các đại biểu đều cho rằng cần thiết phải ban hành dự luật để góp phần đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trước những tác động tiêu cực của môi trường do khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên và hủy hoại môi trường của hàng loạt doanh nghiệp do chạy theo lợi nhuận bất chính.

Đại biểu Nguyễn Tấn Tuân  (Khánh Hòa) cho rằng để tính lâu dài, trong dự án Luật nên thiết kế một điều hoặc một chương về việc cần có một chiến lược dự trữ năng lượng để phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên  cho rằng để sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả có thể áp dụng rất nhiều các biện pháp, các phương thức, cách thức rất cụ thể. Vấn đề là chọn vấn đề cụ thể nào, điểm dừng đến đâu để quy định mang tính pháp lý trong luật này, còn lại phải thể hiện ở những văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Rõ ràng sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả là vấn đề thời sự và có hiệu quả rõ ràng. Đại biểu Nguyễn Đình Xuân  - Tây Ninh cho biết, tác dụng kép của việc sử dụng năng lượng hiệu quả ở địa phương này. “Một số nhà máy sản xuất củ mì ở Tây Ninh dùng nước thải để lên men Biogas và phát điện. Họ nhận được tài trợ rất lớn vì sử dụng Biogas đồng nghĩa với giảm phát thải”, ông Xuân nói. Theo Nghị định thư Kyoto và các công ước về biến đổi khí hậu, chứng chỉ giảm phát thải có thể mua bán trao đổi bằng tiền.

* Dán nhãn năng lương – Tăng tính cạnh tranh của doanh nghiệp

Ngoài mục tiêu thúc đẩy tiết kiệm năng lượng, dán nhãn năng lượng trên sản phẩm còn có tác dụng tăng tính cạnh tranh của các doanh nghiệp, đồng thời tạo cơ sở cho cơ quan quản lý thực thi trách nhiệm quản lý chất lượng về tiết kiệm năng lượng có hiệu quả. Tuy nhiên, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết  (An Giang) cho rằng việc dán nhãn cần có lộ trình và thực hiện đồng bộ với điều kiện hiện nay. Theo bà Ánh Tuyết, hiện chỉ có Cục Sở hữu trí tuệ được giao thẩm quyền về dán nhãn năng lượng, các tỉnh chỉ tập hợp tài liệu hồ sơ chuyển về Cục. Vì thế, cần cần có biện pháp, giải pháp đồng bộ về bộ máy con người cũng như phân cấp cho các tỉnh để không gây cản trở cho doanh nghiệp trong vấn đề ghi nhãn hàng hóa.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Vũ Thị Phương Anh  (Quảng Nam) cho biết qua tham quan thực tế, thấy có một điểm khó hiện nay là trong cùng một nhà máy hoặc một xí nghiệp, có khoảng hai dây chuyền công nghệ cũ và nhập thêm hai dây chuyền công nghệ mới. Như vậy, lộ trình đưa ra sản phẩm hàng hóa cùng một loại ra thị trường để dán nhãn khi chúng ta xác định tiêu chuẩn này thì khâu công tác kiểm tra rất khó khăn.

Đại biểu Trần Văn Kiệt  (Vĩnh Long) lo lắng về khả năng thực hiện để tránh tính trạng làm nhãn giả. Bởi thế phải có quy định quản lý chặt chẽ để tránh gian lận, hại người tiêu dùng.

* Cần cụ thể hóa

Ý kiến kết thúc buổi thảo luận sáng 25/5 của đại biểu Nguyễn Văn Thuận  (Quảng Nam) lo ngại về phạm vi điều chỉnh đồ sộ của Luật trong khi các quy định chưa thật cụ thể. Đại biểu Trần Tiến Dũng – Hà Tĩnh phân vân “thấy dự thảo luật này quy định không ít điều vẫn còn có dáng dấp giống như nội dung của một chương trình hành động quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm có hiệu quả”.

Đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) dẫn chứng về sự chung chủng ở Điều 32, Chương VIII quy định về chế độ sử dụng năng lượng trọng điểm. Theo quy định, Chính phủ giao cho Bộ Công Thương, UBND các tỉnh hàng năm căn cứ vào các tiêu chí xác định các cơ sở sử dụng trọng điểm năng lượng tiết kiệm hiệu quả và xác định danh sách sử dụng đó. “Tuy nhiên, tiêu chí đó là gì? tại sao không đưa tiêu chí đó vào ngay trong luật để làm căn cứ cho Chính phủ xác định thay cho việc giao cho Bộ Công Thương và UBND các tỉnh xác định thì hiệu quả sẽ có thể cao hơn, tính thực thi sẽ tốt hơn”, ông Hải nói.

Ông Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) đề nghị cần quy định cụ thể việc khen thưởng, xử phạt về việc sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, đồng thời có quy định về việc tư vấn, giáo dục về sử dụng năng lượng. “Nếu chung chung, một số doanh nghiệp nhỏ và tư nhân sử dụng năng lượng không biết tiết kiệm bằng cách nào, hay chỉ có cắt cầu giao là tiết kiệm. Cho nên tôi đề nghị phải tuyên truyền, giáo dục tư vấn cho mọi người trong toàn xã hội biết, để chúng ta thực hiện”, ông Kiệt nói.

Monre

Tin cùng chuyên mục