,

PGS.TS Phạm Thị Thùy: Chuyên gia hàng đầu về chế phẩm sinh học

Một ngày sau Rằm tháng Giêng, trong căn nhà còn tràn sắc xuân của hoa đào, mứt Tết PGS.TS. Phạm Thị Thùy trò chuyện với chúng tôi ... Câu chuyện trừ sâu hại cây trồng thật phức tạp, không đơn giản như việc phun thuốc trừ sâu. Chúng tôi như bị cuốn hút vào những chuyến đi đến khắp mọi miền của nhà khoa học, một trong những chuyên gia hàng đầu về chế phẩm sinh học của đất nước...  

“Thủa bé, mình sợ nhất chuột và sâu. Vậy mà mình lại gắn cả đời với sâu và giờ thì sâu... sợ mình”, bà cười.

Chặng đường làm khoa học hơn ba chục năm qua của PGS.TS. Phạm Thị Thùy chỉ duy nhất nghiên cứu về các biện pháp sinh học trong bảo vệ thực vật. Tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp I năm 1976, bà tham gia Đoàn cán bộ đi dập dịch ở các tỉnh miền Nam sau ngày đất nước thống nhất. Rồi bà trở thành cán bộ nghiên cứu của Viện Bảo vệ thực vật, tham gia thực hiện đề tài “ong mắt đỏ ký sinh trừ trứng sâu hại cây trồng” từ những năm 80 của thế kỷ trước. Khi ấy ở nước ta, chế phẩm sinh học vẫn là vấn đề mới mẻ, còn nhiều ý kiến khác nhau...

Cô gái thành Nam chưa hề biết đến ruộng đồng đã bảo vệ xuất sắc luận án PTS ở Bungari với đề tài rất thiết thực - Thuốc trừ sâu sinh học BT và virus trừ sâu, trở về nước, bà lăn lộn và trưởng thành ở những vùng nông thôn, đồi núi đầy gian khó. Mọi thành công, đóng góp, mọi trăn trở, dự định của bà đều gắn với việc giúp người nông dân phòng trừ sâu bệnh mà không gây độc hại, ô nhiễm. Trong đó có những nghiên cứu được đánh giá cao trong giới khoa học, được những người nông dân đón nhận như những cứu cánh trong những thời điểm sâu bệnh tàn phá mùa màng. Chuyện dập dịch bọ cánh cứng hại dừa và sâu róm thông quả là những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp khoa học của bà.

Tháng 7/2000, hàng chục ngàn cây dừa ở Bến Tre có nguy cơ chết hàng loạt, ra trái còi cọc bởi nạn bọ cánh cứng. Những đọt lá non bị bọ dừa cắn hết màng diệp lục, chỉ còn trơ lại xương lá. Những hàng dừa xanh mướt vốn là biểu tượng của Bến Tre, là cây kinh tế mũi nhọn của cả vùng, giờ xơ xác lá khô, trái đã nhỏ lại còn dễ rụng. Tới vườn dừa nào hỏi thăm, người nông dân cũng than thở “ốm vì dừa”. Ốm vì lo lắng dù đã phun thuốc hóa học 5-6 lần mà bọ vẫn sinh sôi, người trồng dừa cũng bị ốm vì phơi nhiễm thuốc trừ sâu hóa học.

Mặc dù vậy khi bà đưa sản phẩm thuốc trừ sâu có nguồn gốc từ nấm xanh, thì chính họ lại ngờ vực, sợ thứ thuốc của bà cũng không khác gì những thuốc trừ sâu đã phun. Để thuyết phục người dân, bà đã phun miễn phí một vườn dừa 40 cây. Sau 5 ngày trở lại kiểm tra, người dân đã hết sức vui mừng báo tin chế phẩm được phun trên ngọn dừa đã khiến bọ chết hàng loạt, cùng với lời “xin lỗi đã nghi ngờ chị”. Còn bà không bao giờ quên bát cháo gà của gia đình người nông dân “mạnh dạn” thử nghiệm sản phẩm nấm xanh, mở đầu cho chiến dịch dập dịch bọ dừa khắp 21 tỉnh phía Nam, miền Trung và Tây Nguyên.

Việc dập dịch sâu róm thông ở Sơn La suôn sẻ ngay từ đầu. Các lâm trường tìm đến bà như một cứu cánh. Vào thời điểm năm 1998, những rừng thông ở Phù Bắc Yên (Sơn La) bị sâu róm hút hết nhựa sống khiến cả một khu vực như bị cháy khô xám. Chỉ cần một tàn thuốc rơi xuống là cả ngàn ha có thể bị thiêu rụi.

Lần này chế phẩm Bovarin nấm trắng của bà phun cả phần dưới gốc và trên ngọn thông tại những khu vực nhiều sâu nhất. Chế phẩm này còn ký sinh được trên 150 loài côn trùng thuộc 45 họ, khi phun hoặc rải trên mặt đất sẽ sinh ra nấm sống ký sinh trên sâu, bướm khiến chúng kiệt quệ đến chết. “Khi gặp gió với điều kiện thuận lợi, bào tử nấm còn phát tán ra các khu vực khác và tiếp tục có thể diệt trừ sâu vài mùa sau đó. Thuốc trừ sâu sinh học có tác dụng lâu dài chính ở điều đó”, PGS. Thùy nói.

Sau này, chế phẩm Bovarin còn được sử dụng ở Lạng Sơn, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bắc Giang, Thanh Hóa... Mỗi vùng tùy điều kiện tự nhiên, điều kiện khí hậu bà đưa ra cách sử dụng khác nhau.

Ưu thế đặc biệt của thuốc trừ sâu sinh học là không gây kháng thuốc với sâu hại, không làm mất đi một quần thể thiên địch có ích trong tự nhiên, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Điều bà vẫn trăn trở là mặc dù lợi ích của thuốc trừ sâu sinh học lớn như vậy nhưng sản xuất còn rất ít, chỉ khoảng từ 3 đến 10 tấn mỗi năm, khiến nông dân cả nước vẫn phải dùng tới hàng chục ngàn tấn thuốc trừ sâu hóa học. Nếu như có một nhà máy sản xuất thuốc trừ sâu sinh học thì không chỉ dẹp bỏ nguy cơ nhiễm độc đất, nhiễm độc cho người, nhiễm độc hệ sinh thái mà còn tăng giá trị cây trồng của người nông dân khoảng 2-3 triệu đồng/ ha/ năm.

PGS.TS. Phạm Thị Thùy vừa mới nghỉ hưu nhưng tâm nguyện về khoa học vẫn chưa dừng lại. Bà vẫn đang ấp ủ nhiều dự định tạo ra các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học mới. Bà hết sức vui mừng khi Liên hiệp Các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đồng ý cho bà thành lập Trung tâm Sinh học nông nghiệp và Bảo vệ môi trường. Nấm bột diệt trừ sâu rau phục vụ các vùng sản xuất rau an toàn là ý tưởng bà muốn triển khai ngay bởi nó gắn liền với sự an nguy về sức khỏe của cộng đồng.

- PGS.TS. Phạm Thị Thùy là một trong ba nhà khoa học nữ được nhận Giải thưởng Kovalepxkaia năm 2009. Lễ trao giải sẽ được tổ chức long trọng vào sáng ngày 12/3 tới tại Hà Nội.

- PGS.TS. Phạm Thị Thùy đã chủ trì và thực hiện 26 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, cấp Bộ về các chế phẩm sinh học trừ hại cây trồng. Bà đã đoạt 2 giải Giải thưởng Sáng tạo công nghệ Việt Nam, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Bà cũng nhận được nhiều Huân, huy chương, phần thưởng cao quý của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Khoa học – Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam...

Monre

Tin cùng chuyên mục