,

Hội thảo Đánh giá và lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân

Trong 5 ngày từ 07/6 đến 11/6/2010, Cục An toàn bức xạ hạt nhân (Bộ KH&CN) phối hợp với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tổ chức Hội thảo “Đánh giá và lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân”. Đây là Hội thảo nằm trong khuôn khổ hoạt động của Mạng lưới An toàn hạt nhân châu Á (ANSN), giữa IAEA và các quốc gia châu Á.

Việc đánh giá và lựa chọn địa điểm cho nhà máy điện hạt nhân là một trong những nội dung quan trọng của chương trình phát triển điện hạt nhân và có tác động lớn tới nhiều vấn đề quan trọng như chi phí xây dựng nhà máy điện, sự chấp nhận của dân chúng cũng như xem xét vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân.

Mục đích của Hội thảo lần này nhằm giới thiệu các yêu cầu, phương pháp và tiêu chí đảm bảo an toàn hạt nhân được xây dựng và khuyến cáo trong bộ tiêu chuẩn an toàn của IAEA, các quy định của pháp luật liên quan đến cấp phép tại một số quốc gia có nền công nghiệp hạt nhân phát triển. Đây cũng là cơ hội để các quốc gia trong khu vực cùng nhau chia sẻ thông tin và kinh nghiệm thực tế tại quốc gia mình trong lĩnh vực đánh giá và lựa chọn địa điểm nhà máy điện hạt nhân.

IAEA đưa ra khoảng 200 tiêu chí an toàn cho nhà máy điện hạt nhân và Việt Nam đang thể chế hoá các tiêu chí này. Quá trình lựa chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam được tiến hành từ năm 1996-2000 dựa theo các tiêu chí lựa chọn của IAEA. Đến nay, Việt Nam lựa chọn 2 địa điểm là xã Phước Dinh và Vĩnh Hải thuộc tỉnh Ninh Thuận để xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên (Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2). Hai địa điểm này có địa hình thuận lợi, diện tích đủ để xây dựng nhà máy điện hạt nhân với 4 tổ máy công suất mỗi tổ từ 1.000 MW trở lên, điều kiện địa chất công trình tốt, nằm trong vùng có cường độ động đất không lớn, đảm bảo an toàn cho nhà máy và chi phí xây dựng thấp. Hơn nữa, các địa điểm này nằm sát biển, đảm bảo điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng hệ thống nước làm mát và vận chuyển thiết bị siêu trường, siêu trọng. Theo kế hoạch phát triển điện hạt nhân ở Việt Nam đến năm 2030, sẽ có 7 nhà máy được xây dựng tại Ninh Thuận và miền Trung (chưa xác định địa điểm) và bắt đầu vận hành từ năm 2020.

Tin cùng chuyên mục