Nhan nhản hố sụt
TS.Lê Huy Minh, Viện Vật lý Địa cầu, Viện KH&CN Việt Nam cho biết, hiện tượng đất bỗng nhiên sụt xuống tạo ra hố sâu như trường hợp ở Guatemala không phải là hiếm. Nguyên nhân của hiện tượng sụt đất có nhiều và vẫn còn tranh cãi như sụt do hang ngầm đá vôi, do hoạt động của núi lửa, do hoạt động của các nền văn minh cổ xưa...
Lý giải hiện tượng hố đen ở Guatemala, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Khoa Môi trường, ĐHKHTN, ĐHQGHN cho biết, thông thường các hố đen do các hiện tượng tự nhiên thường phải nham nhở. Trong khi đó, hố đen ở Guatemala lại nhẵn thín, tròn và sâu. Nhiều khả năng, tác nhân gây ra hố đen này là do nền văn minh cổ xưa. Có thể, từ nhiều năm trước, ở khu vực này đã có những cư dân cổ xưa sinh sống. Họ đã thực hiện nhiều cuộc khai mỏ tạo ra các khoảng rỗng. Sau đó, qua thời gian, các thành phố được lấp đầy lên, rồi đất bị xói mòn, tải trọng lớn đã khiến cho đất sụt xuống.
TS. Phạm Tích Xuân, Trưởng Phòng Địa hóa, Viện Địa chất cho biết, nguyên nhân dẫn đến sụt đất nhiều nhất là do các hang ngầm catxtơ (karst). Ở những vùng đá carbonat (chủ yếu là đá vôi) đá carbonat bị nước hòa tan và rửa tạo thành hệ thống các hang hốc, hệ thống kênh dẫn hoặc hang động (hang động karst). Thế giới đã ghi nhận nhiều tai biến sụt đất nghiêm trọng gây hậu quả lớn do các hang động karst ngầm, ví dụ như ở Sao Paulo (Brazil) vào tháng 8/1986, sụt đất đã phá hủy rất nhiều nhà cửa khiến gần 20.000 người phải sơ tán. Theo thống kê chưa đầy đủ, cuối thế kỷ XX Trung Quốc có 23 tỉnh xảy ra sụt đất lớn ở 778 nơi với hơn 30.000 hố sụt.
Ở Việt Nam cũng không thiếu
Các chuyên gia cho biết, ở Việt Nam không thiếu các "hố địa ngục". Các hố sụt của Việt Nam chủ yếu xuất hiện ở các vùng đá vôi. Nước ta có diện tích đá carbonat khá rộng tới trên 50.000 km2 (chiếm khoảng 20% diện tích). Chính điều này đã gây ra hàng loạt hiện tượng sụt đất trên diện rộng như Hà Giang, Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình... Hiện tượng sụt đất ở Việt Nam thường có quy mô không quá lớn, tuy nhiên, nhiều vụ cũng gây thiệt hại về kinh tế, đặc biệt là gây hoang mang trong dư luận. Con người không phải là nguyên nhân tạo nên hiện tượng sụt, nhưng trong nhiều trường hợp con người lại tác động làm cho hố sụt lộ rõ.
TS Phạm Tích Xuân ví dụ như con người khai thác nước ngầm quá mức, xây dựng đường sá nhà cửa quá nhiều làm tăng tải trọng lên lớp đất đá bên trên, sự thay đổi về điều kiện khí tượng thủy văn, việc sử dụng đất dẫn đến thay đổi dòng chảy bề mặt...
TS. Lê Huy Minh cũng đưa ra dẫn chứng cụ thể: Trước đây ở một tỉnh miền Trung cũng có hiện tượng một khu nhà tự nhiên bị lún xuống. Khi tiến hành đo đạc thì thấy trong lòng đất khu đó đã bị rỗng, không chịu được sức tải của nền đất nên cả khu nhà bị sụt xuống. Hay như năm 2009 ở Lạng Sơn có hiện tượng một đoạn đường quốc lộ bị sập xuống. Khi kiểm tra thì phát hiện có một cái hang ở bên dưới. Vì là hố nhỏ nên có thể phun đầy xi măng trám vào chỗ đó.
Có thể dự báo được
Theo TS. Lê Huy Minh, khó có thể biết trước được vùng nào sẽ bị sập. Chỉ có thể xác định được nếu đó là khu vực có nhiều núi đá vôi. Tuy nhiên, bằng phương pháp khoa học người ta có thể tìm ra được lỗ rỗng trong lòng đất.
TS Phạm Tích Xuân cho biết, việc dự báo chính xác về thời điểm, vị trí các hố sụt trước đó là rất khó. Tuy nhiên, cũng có một vài dấu hiệu để nhận biết như các giếng nước cạn, cây cối bị chết khô (nước ngầm bị cạn), nhà cửa bỗng nhiên bị kẹt cửa, rạn, nứt (do đất bị nghiêng)...
Hiện Viện Địa chất đã thực hiện một số đề tài nghiên cứu về tai biến sụt đất ở miền Bắc nước ta. Bước đầu đã đánh giá được các nguyên nhân gây sụt đất, xây dựng được bản đồ cảnh báo nguy cơ sụt đất cho các tỉnh miền núi phía Bắc.