,

Băng cháy - năng lượng lý tưởng của tương lai

Các nhà khoa học dồn sức tìm tòi những nguồn năng lượng mới, với tiêu chí phải có hiệu suất cao và sạch để thay thế cho nguồn năng lượng truyền thống đang nhanh chóng cạn kiệt. Một trong các hướng được xem lý tưởng nhất là  băng cháy - một thứ dạng rắn, hình thành từ khí thiên nhiên và nước, ở dưới điều kiện áp suất cao (trên 30 atm) và nhiệt độ thấp (dưới 0 độ C), có tên khoa học là Natural hydrate, hoặc Gas Hydrate. Khi hàm lượng methane vượt quá 75% thành phần của Gas Hydrate thì nó thường được gọi là methane hydrate.

Chỉ cần nâng nhiệt độ hoặc giảm áp lực là băng cháy sẽ phân giải: 1m3 chất này khi phân giải cho ra 164 m3 khí methane và 0,8 m3 nước, gấp 2-5 lần năng lượng của khí thiên nhiên, lại sạch, không gây ô nhiễm môi trường.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Linh Ngọc và các cộng sự ở Viện Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, kết quả tìm kiếm, phát hiện các mỏ băng cháy cho thấy, các cấu trúc chứa băng cháy thường phân bố trong hệ thống đứt gãy hay nơi giao cắt của các đứt gãy, địa hình vòm, gờ, các vòm muối diapir, các đới  nâng, hạ kiến tạo.

Để lấy mẫu băng cháy, có thể sử dụng tàu ngầm mini hoặc các tàu lặn được thiết kế chuyên dụng. Mẫu lấy được phát được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ, áp suất tượng tự của đới băng cháy ổn định dưới đáy biển hoặc giữa trong điều kiện áp suất bề mặt nhúng trong dung dịch nitơ lỏng có độ lạnh tuyệt đối.

Chương trình nghiên cứu về "băng cháy" của nước ta được Chính phủ phê duyệt bổ sung vào Đề án 47 năm 2007. Đó là Chương trình nghiên cứu, điều tra cơ bản về tiềm năng khí hydrat ở các thềm lục địa Việt Nam từ năm 2010, đang được Trung tâm Địa chất Khoảng sản biển, thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam thực hiện.

Người ta lo ngại rằng, băng cháy có thể là nguyên nhân gây sự cố cho tàu thuyền trên biển và máy bay bay trên không trung, bởi khối lượng lớn methane sinh ra khi nó phân giải làm giảm mật độ nước biển, giảm mật độ không khí, từ đó giảm lực nổi, lực nâng khiến tàu thuyền bị chìm, máy bay bị hẫng, rơi xuống.

Vậy việc khai thác và sử dụng băng cháy sao cho an toàn, hiệu quả đang là vấn đề đau đầu của các nhà khoa học, chẳng khác gì việc chế ngự năng lượng hạt  nhân. Nếu không khống chế tốt thì methane và dioxit carbon tạo ra khi  băng cháy phân hủy lại là nguồn thúc đẩy hiệu ứng nhà kính ghê gớm.

Các nhà khoa học cũng đang nghiên cứu cơ chế hình thành băng cháy và quy luật phân bố các mỏ, cùng cách khai thác, sử dụng có hiệu quả nhất nguồn năng lượng đầy triển vọng này.

Monre

Tin cùng chuyên mục