,

Canada – Việt Nam thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu

Ngày 14/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã có buổi tiếp và làm việc với Bà Catherine Steward, Đại sứ về Biến đổi Khí hậu của Canada. Tại buổi tiếp hai bên đã trao đổi về thúc đẩy hợp tác chống biến đổi khí hậu.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Bà Catherine Steward cho biết, Canada đánh giá cao sự hợp tác và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các hoạt động chung chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu. phía Canada mong muốn tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các kế hoạch và chiến lược đã đề ra, đồng thời thúc đẩy thỏa thuận JEPT, sang một giai đoạn mới.

Bà Catherine Steward đã nêu ra 5 vấn đề chính liên quan tới biến đổi khí hậu mà phía Canada mong muốn tiếp tục thúc đẩy hợp tác với Việt Nam, bao gồm: Đàm phán hiệp định về rác thải nhựa; triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP); việc tham gia cơ chế định giá carbon toàn cầu do Canada đề xuất; bảo tồn đa dạng sinh học và ký kết một Biên bản ghi nhớ (MOU) với Bộ TN&MT về lĩnh vực khí hậu.

dsc_0559.jpg

Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành tiếp Đại sứ về Biến đổi Khí hậu Canada Catherine Steward

Đồng thời, phía Canada mong muốn nhận được sự ủng hộ và phối hợp của Việt Nam trong quá trình đàm phán hiệp định toàn cầu về nhựa cũng như sáng kiến của Canada về việc định giá carbon toàn cầu.

Cũng tại buổi làm việc, bà Catherine Steward đã gợi mở thêm lĩnh vực hợp tác với Việt Nam trong bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Việt Nam có nhiều khu bảo tồn chất lượng cao. Canada có nhiều kinh nghiệm chia sẻ với Việt Nam trong lĩnh vực này.

Đồng thời, phía Canada cũng mong muốn thúc đẩy ký kết Biên bản ghi nhớ với phía Bộ TN&MT, bao gồm những vấn đề được thảo luận tại buổi làm việc này.

Phát biểu tại buổi tiếp, Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định, Việt Nam rất quan tâm tới hiệp định toàn cầu về nhựa. Nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây một trong những nền kinh tế phát triển nhanh trên thế giới, đồng thời cũng thuộc diện nền kinh tế mở. Do đó, Việt Nam rất quan tâm tới vấn đề toàn cầu, bao gồm sáng kiến của Canada về nhựa. Việc sản xuất, sử dụng, thu gom tái chế nhựa ở Việt Nam cũng diễn ra rất sôi động vì có nhiều hoạt động kinh tế liên quan đến nhựa. Qua đó, Thứ trưởng Lê Công Thành mong muốn Canada tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề liên quan tới nhựa, bao gồm trao đổi kiến thức và kỹ năng xử lý nhựa.

Về việc triển khai JETP, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Việt Nam cũng mong muốn thúc đẩy quá trình này diễn ra nhanh và mạnh mẽ như khi khởi động. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn do thể chế, chính sách của Việt Nam còn vướng mắc. Hiện tại Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và các Phó Thủ tướng Chính phủ đang khẩn trương chỉ đạo Bộ, ngành sửa đổi các chính sách, tạo điều kiện cho việc triển khai JETP.

Hiện nay, Bộ TN&MT - cơ quan thường trực của JETP, đang cùng các nhà tài trợ cố gắng thúc đẩy một số dự án thí điểm. Thông qua các dự án này nhằm rút ra những bài học để sửa chính sách đúng hướng hơn.

dsc_0568.jpg

Thứ trưởng Lê Công Thành tặng quà kỷ niệm cho bà Catherine Steward

Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị phía Canada tiếp tục hỗ trợ, cung cấp kiến thức và kinh nghiệm về các vấn đề như tài chính hỗn hợp, để triển khai các dự án công – tư và phối hợp nguồn vốn đầu tư nước ngoài cho triển khai các hoạt động.

Bộ TN&MT đã ký biên bản hợp tác với một số ngân hàng quốc tế và trong nước, qua đó thường xuyên trao đổi thông tin liên quan tới ưu tiên của Chính phủ để thúc đẩy liên kết hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam vay vốn.

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, Việt Nam đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để đạt được cam kết giảm mức phát thải ròng bằng “0”(net zero), bao gồm JETP, thiết lập thị trường carbon trong nước và đang sửa đổi nghị định 06 quy định tín chỉ quản lý carbon ở Việt Nam. Đối với Việt Nam, tín chỉ carbon và thị trường carbon vẫn là những lĩnh vực tương đối mới, do đó Việt Nâm cần sự hỗ trợ từ quốc tế, đặc biệt là Canada trong việc triển khai vấn đề này.

Đồng thời, Thứ trưởng Lê Công Thành đề xuất phía Canada hỗ trợ và giúp Việt Nam tăng cường năng lực để ít nhất có một tổ chức của Việt Nam trở thành bên thứ 3 chứng thực tín chỉ carbon.

dsc_0573.jpg

Các đại biểu thuộc phái đoàn Canada và Bộ TN&MT

Về vấn đề đa dạng sinh học, Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết Bộ TN&MT đã có cơ quan chuyên trách về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học và sẽ nghiên cứu về các đề xuất hợp tác trong lĩnh vực này. Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT, đa dạng sinh học là một vấn đề được quan tâm ở các cấp lãnh đạo, bộ, ngành. Đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam có ngành kinh tế du lịch phát triển, nếu ko để ý đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, sự phát triển của du lịch có thể vô tình hoặc hữu ý gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái này.

Theo Cổng TTĐT Bộ Tài nguyên và Môi trường

Tin cùng chuyên mục