Thông tin trên được Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam, ông Staffan Herrstrom, chia sẻ tại hội thảo “Hợp tác đối tác Thụy Điển – Việt Nam trong phát triển bền vững”, do Đại sứ quán Thụy Điển và Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức, ngày 16/6 tại TP. Hồ Chí Minh. Sự kiện này nằm trong chuỗi hội thảo cùng chủ đề vừa được tổ chức tại nhiều địa phương trong cả nước nhằm thúc đẩy hợp tác đối tác giữa Thụy Điển và Việt Nam trong phát triển bền vững, nhất là hợp tác đối tác liên thành phố giữa các địa phương hai nước.Là thành phố đông dân nhất, trung tâm kinh tế, công nghiệp, thương mại, dịch vụ lớn nhất Việt Nam, TP. Hồ Chí Minh là ví dụ điển hình trong hợp tác giữa hai bên.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Hồ Chí Minh, với mức đóng góp 23% vào GDP của cả nước, thu hút 20% tổng vốn đầu tư nước ngoài và tăng trưởng GDP luôn ở mức trung bình 12%/năm, cho thấy TP. Hồ Chí Minh có điều kiện để tiếp cận với các công nghệ cao về xử lý ô nhiễm môi trường của các nước phát triển, trong đó có Thụy Điển. Hiện thành phố đang di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô; đồng thời ràng buộc các nhà đầu tư vào thành phố phải đảm bảo các tiêu chí cụ thể về bảo vệ môi trường, có hệ thống xử lý chất thải theo quy chuẩn; nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; triển khai xe buýt sử dụng năng lượng sạch; có dự án xe đạp điện cho công nhân các KCX, KCN; sử dụng khí biogas trong sinh hoạt ở khu dân cư…Ông Olle Engstrom, Điều phối viên về Tái chế chất thải của thành phố Boras (Thụy Điển), cho rằng mô hình về phát triển đô thị xanh của Boras có khả năng áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh là khá cao do có nhiều tương đồng. Hiện Boras có hệ thống xử lý chất thải tối ưu: Rác từ các hộ gia đình được thu gom và chuyển thành khí sinh học phục vụ các phương tiện giao thông, hệ thống sưởi ấm/làm mát và điện sinh hoạt, giúp môi trường có chất lượng tốt hơn. Giải pháp Thụy Điển “một hệ thống” gồm các biện pháp: giảm phát thải (trách nhiệm của nhà sản xuất), tái sử dụng rác (từ hộ gia đình), tái chế rác (có cơ chế khuyến khích) và rác còn lại chuyển thành năng lượng, cũng là mô hình hay để các đô thị Việt Nam học tập.