,

Sáng nay, khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII

Quốc hội cũng dành thời gian để nghe báo cáo về tình hình Biển Đông. Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII chính thức khai mạc tại thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp giữa năm với trọng tâm là công tác xây dựng pháp luật. Dự kiến, Quốc hội sẽ làm việc trong 28 ngày, trong đó có 21 ngày thảo luận các dự án luật và 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn. Quốc hội cũng dành thời gian để nghe báo cáo về tình hình Biển Đông.


Dự kiến, trong phiên họp sáng nay, sau bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Quốc hội nghe Chính phủ báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2013, việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2014; Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội trình bày báo cáo thẩm tra đối với báo cáo của Chính phủ về phát triển kinh tế- xã hội.

Cũng trong phiên khai mạc sáng nay, đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội. Ngay trong ngày đầu tiên của kỳ họp, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày báo cáo về tình hình Biển Đông.

Trong 11 dự án Luật được xem xét thông qua tại kỳ họp này có dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi), Luật đầu tư công, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế, Luật xây dựng, Luật bổ sung một số điều của Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi)... Quốc hội sẽ xem xét 16 dự án Luật khác.

Số lượng các dự án luật được xem xét, thông qua nhiều hơn các kỳ họp trước sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua. Cùng với việc thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ các chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn./.

 

VOV

Tin cùng chuyên mục