,

Xây dựng cảng xanh - cơ hội phát triển bền vững doanh nghiệp biển

Cục Hàng hải Việt Nam đang lấy ý kiến vào Dự thảo tiêu chuẩn cơ sở về tiêu chí cảng xanh tại Việt Nam. Tiêu chí cảng xanh được xây dựng nhằm mục đích đưa ra một lộ trình phát triển cảng xanh, thúc đẩy năng lực cạnh tranh và cải thiện năng lực phát triển bền vững theo đúng tinh thần Nghị quyết 36 về phát triển bền vững kinh tế biển.

 

 “Cảng xanh” với 3 tiêu chí

Tiêu chí cảng xanh được xây dựng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp cảng biển Việt Nam phát triển theo hướng xanh và bền vững. Theo đó, tiêu chí cảng xanh được xây dựng dựa trên 3 tiêu chí chính, bao gồm: Cam kết và sẵn sàng; Hành động và thực hiện; Hiệu lực và hiệu quả. Trong đó có những tiêu chí cụ thể và đưa ra các tiêu chuẩn cho các đơn vị tham chiếu. Trọng số lớn nhất 50% từ tiêu chí "Hành động và thực hiện".

Theo dự thảo, để được công nhận là cảng xanh, thứ nhất, các doanh nghiệp cảng biển phải tuân thủ các quy định bắt buộc của pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên về bảo vệ môi trường như có báo cáo đánh giá tác động môi trường; thực hiện các chương trình quản lý, giám sát môi trường trong quá trình thi công xây dựng, vận hành cảng biển...

Thứ hai, các doanh nghiệp cảng biển phải đáp ứng các tiêu chí cảng xanh. Về tiêu chí "Cam kết và sẵn sàng" chiếm trọng số 25%, gồm 2 tiêu chí cụ thể là nhận thức và sự sẵn sàng về cảng xanh; thúc đẩy cảng xanh.

Tại đây có các tiêu chuẩn cho doanh nghiệp áp dụng và tham chiếu như: xây dựng và ban hành chiến lược hoặc kế hoạch phát triển cảng xanh; nguồn kinh phí cho phát triển cảng xanh; báo cáo thường niên của doanh nghiệp về thực hiện các mục tiêu cảng xanh; có các chương trình đào tạo, tuyên truyền phổ biến nâng cao nhận thức về cảng xanh, hay các chương trình thúc đẩy hoặc các chiến dịch xúc tiến, quảng bá cảng xanh.

Với tiêu chí "Hành động và thực hiện" có trọng số lớn nhất 50%, có các tiêu chí cụ thể liên quan tới năng lượng sạch, tiết kiệm năng lượng, ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, quản lý xanh.

Đây là một trong những tiêu chí quan trọng nhất, bởi các doanh nghiệp cảng biển phải có những hành động cụ thể trong việc hướng tới mô hình cảng xanh.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể sử dụng các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng; tối ưu hóa hệ thống cung cấp điện hoặc các nguồn năng lượng khác.

Trong việc ứng dụng công nghệ thông tin là những hành động như: Thanh toán trực tuyến, chứng từ điện tử; Sử dụng Mobile Apps cho các phương tiện vận chuyển (xe đầu kéo, sà lan); Tự động hóa trong hoạt động của cảng: (Ứng dụng phần mềm cảng điện tử (Eport); Sử dụng các phần mềm lập kế hoạch điều hành, phần mềm quản lý container)…

Đồng thời, phải có các phương án giảm tiêu thụ năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính; Gia tăng năng lượng tái tạo; Cải thiện chất lượng không khí; Kiểm soát tiếng ồn; Kiểm soát ô nhiễm chất thải lỏng và rắn...

Việc đánh giá chứng nhận đạt tiêu chuẩn cảng xanh sẽ được thực hiện 3 năm/lần.

Phát triển cảng biển xanh là cơ hội cho các doanh nghiệp biển phát triển bền vững

Cơ hội thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững cho doanh nghiệp

Theo bà Trần Thị Tú Anh - Phó Trưởng phòng Khoa học công nghệ và Môi trường, Cục Hàng hải Việt Nam, các nguồn gây ô nhiễm trong hoạt động khai thác cảng biển khá đa dạng như: Xây dựng cảng biển, bến cảng, các cơ sở sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải; các hoạt động trong quá trình kinh doanh, khai thác cảng biển; hoạt động của tàu biển, thiết bị hỗ trợ hoạt động của tàu biển...; hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, các khu neo đậu chuyển tải, tránh trú bão, nạo vét thủy diện cầu cảng. Các hoạt động này tác động đến chất lượng không khí, môi trường nước, gây xói lở/bồi tụ và gia tăng các chất thải.

Cụ thể, trong giai đoạn vận hành cảng, khí thải phát sinh từ tàu, sà lan vận chuyển hàng hóa và hoạt động của các máy móc bốc dỡ hàng hóa. Trong đó, máy chính và các máy phát điện trên tàu thường là các động cơ đốt trong chạy bằng nhiên liệu diesel. Khí thải từ các máy này đem theo các khí độc hại như CO2, CO, NO2, CmHn, RCHO và muội than vào môi trường không khí. Lượng khí xả có trong các động cơ tàu thủy là nguồn ô nhiễm không khí đáng kể nhất từ vận tải biển. Ngoài ra, quá trình bốc dỡ và vận chuyển các loại hàng hóa, nguyên liệu, nhiên liệu (than đá, xăng, dầu, hóa chất, phân hóa học) từ tàu lên các kho, bãi chứa và từ các bãi chứa xuống tàu sẽ làm phát sinh một lượng lớn bụi và hơi hóa chất, hơi xăng dầu nếu không có biện pháp kiểm soát. Đặc biệt, trong các ngày có gió mạnh, bụi từ bãi chứa nguyên liệu, nhiên liệu sẽ gây ra ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động cảng và khu vực xung quanh.

Ngoài ra, tại các cảng biển, hiện tượng ô nhiễm dầu mỡ do các phương tiện để rò rỉ nước la canh, nước dằn tàu, nước buồng máy… Việc cung cấp dầu mỡ, nhiên liệu cho tàu, việc sửa chữa nhỏ và vứt bừa bãi các loại chất thải dính dầu mỡ cũng là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm vùng nước cảng biển. Các sự cố như vỡ đường ống, tai nạn nhỏ cũng dẫn đến ô nhiễm dầu mỡ tại các cảng biển. Sự cố tràn dầu hoặc tai nạn do đâm va là nguyên nhân gây ô nhiễm dầu ở mức nghiêm trọng.

Trước những vấn đề môi trường đang đặt ra trong khai thác cảng biển, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, hoạt động khai thác cảng biển trên thế giới đang được “xanh hóa” theo mô hình cân bằng giữa sự biến động môi trường và nhu cầu phát triển kinh tế. Đây là xu hướng chiến lược trong sự phát triển cảng biển trên thế giới nhằm kiểm soát các tác nhân gây ô nhiễm, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phòng ngừa tốt các sự cố, rủi ro môi trường, hạn chế phát thải các chất gây hiệu ứng nhà kính, giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu.

Theo đó, thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã triển khai “Xây dựng đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam”. Đề án hiện đã được Bộ GTVT phê duyệt và giao Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Cảng biển Việt Nam và các doanh nghiệp cảng biển triển khai thực hiện.

Thực tế, việc “xanh hóa” cảng biển đang là xu hướng của thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Việc giảm phát thải tại cảng biển không chỉ làm tăng hiệu quả kinh tế biển mà còn góp phần bảo đảm cho việc các doanh nghiệp có cơ hội đầu tư thay thế dây chuyền lạc hậu bằng dây chuyền công nghệ hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng, tốt cho môi trường.

Trên thực tế đã có cảng Tân Cảng - Cát Lái tại TP.HCM là cảng đầu tiên tại Việt Nam đạt danh hiệu Cảng xanh của Hội đồng mạng lưới dịch vụ cảng APEC. Đây cũng là cảng biển lớn và hiện đại nhất Việt Nam quy mô 160 ha bãi, 2.040 m cầu tàu, thiết bị xếp dỡ và công nghệ quản lý tiên tiến đứng trong nhóm 21 cảng container lớn và hiện đại nhất thế giới. Và đây cũng chính là tiền đề để tất cả các cảng Việt Nam chuyển mình theo hướng xanh, sạch, góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.

Theo: https://monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục