,

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên trả lời phỏng vấn Báo TN&MT trước thềm Xuân mới Tân Mão 2011:

Quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị đóng góp bền vững của ngành vào nền kinh tế quốc dân 

Trong năm 2010, toàn ngành tài nguyên và môi trường đã nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô, cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Trước thềm Xuân mới Tân Mão, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên đã có cuộc trao đổi với Báo TN&MT về chủ trương tiếp tục đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, nâng cao vai trò và giá trị đóng góp của ngành cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế.

PV: Thưa Bộ trưởng, xin Bộ trưởng cho biết cụ thể về những yếu tố quan trọng để đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Nhìn lại năm qua, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành tài nguyên và môi trường đã vượt qua và tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào tăng trưởng kinh tế, phát triển bền vững đất nước.

Ngành đã đạt được nhiều kết quả trong việc xây dựng cơ chế, chính sách quản lý về tài nguyên và môi trường; hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng ngày càng phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng tốt hơn yêu cầu thực tiễn của cuộc sống. Công tác cải cách hành chính, công tác kiểm tra, thanh tra, giải quyết đơn thư khiếu tố, công tác điều tra cơ bản và dự báo tiếp tục được quan tâm chỉ đạo và thực hiện tích cực, có hiệu quả.

Trong năm 2010, toàn ngành đã thực hiện hiệu quả chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường. Trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành quản lý, hệ thống văn bản pháp luật đã được hoàn thiện thêm một bước, tạo nền tảng vững chắc, hành lang pháp lý đồng bộ để điều chỉnh, quản lý mọi hoạt động liên quan đến tài nguyên và môi trường trong xã hội. Đây là những yếu tố quan trọng để góp phần đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường.

Cụ thể, đó là việc hoàn thành tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010; hoàn thành việc rà soát, tính toán lại tổng diện tích tự nhiên của từng đơn vị hành chính trên phạm vi cả nước; hoàn thành xây dựng phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia; chuẩn bị các điều kiện cần thiết phục vụ tổng kết thi hành Luật Đất đai và sửa đổi Luật Đất đai năm 2003; Quốc hội thông qua dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi); Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy trình vận hành liên hồ chứa, Danh mục lưu vực sông liên tỉnh; tăng cường chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và giải quyết được nhiều vụ việc kéo dài, chú trọng phát triển bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, đẩy mạnh bảo vệ môi trường trên các lưu vực sông, quản lý tài nguyên và môi trường biển, hải đảo; ngành khí tượng thủy văn đã dự báo chính xác và thông báo kịp thời các cơn bão lớn, áp thấp nhiệt đới trong năm, trong đó có dự báo diễn biến thời tiết thủy văn phục vụ Đại lễ 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.

PV: Lĩnh vực đất đai mà ngành TN&MT quản lý luôn được xem là lĩnh vực nóng bỏng, nhưng nguồn lực đất đai đóng góp cho nền kinh tế lại ngày càng to lớn. Năm qua trên lĩnh vực đất đai, Bộ đã có được những thành tựu gì đáng quan tâm, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Bộ TN&MT phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và địa phương đã cơ bản hoàn thành Tổng kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010 của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó xác định rõ hiện trạng quỹ đất đang quản lý, sử dụng; đánh giá việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt; qua đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng đất.

 Để chuẩn bị tốt cho công tác tổng kết thi thành Luật Đất đai năm 2003, tiến tới xây dựng dự thảo Luật mới, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2003, thành lập Ban chỉ đạo Trung ương do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban và các cơ quan giúp việc; đã tổ chức Hội nghị Tổng kết việc thí điểm thi hành Luật Đất đai tại một số tỉnh, thành phố.

Ngay trong những ngày đầu năm 2011, Bộ tiếp tục tổ chức các đoàn công tác đi khảo sát và chỉ đạo Tổng kết thi hành Luật tại các địa phương. Cũng trong năm qua, Bộ đã phối hợp tích cực với các địa phương và các Bộ, ngành nhằm giải quyết căn bản những vướng mắc trong quá trình thực thi Nghị định số 69 của Chính phủ về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, tạo thuận lợi cho người dân và các nhà đầu tư; việc cấp Giấy chứng nhận mới đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, bảo đảm sự liên tục và kế tiếp ngay từ ngày Nghị định số 88 có hiệu lực.

PV: Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu cũng là những vấn đề gần đây được nhân dân cả nước và quốc tế quan tâm. Bộ TN&MT đã tập trung cho lĩnh vực này ra sao, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Trong những năm gần đây, Bộ TN&MT đã tập trung đầu tư cho công tác dự báo khí tượng thủy văn, năng lực dự báo đã được tăng cường, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án "Hiện đại hóa công nghệ dự báo và mạng lưới quan trắc khí tượng thủy văn giai đoạn 2010-2012". Bộ đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên môi trường quốc gia đến năm 2020 và Quy chế dự báo áp thấp nhiệt đới bão, lũ (sửa đổi).

Bộ TN&MT đã tập trung ưu tiên các dự án hợp tác quốc tế cho lĩnh vực khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, đặc biệt là tài trợ của Chính phủ Đan Mạch, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Bộ đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, Bộ đã chỉ đạo ngành khí tượng thủy văn tập trung huy động tối đa mọi nguồn lực nâng cao năng lực dự báo để công tác dự báo ngày càng kịp thời, chính xác phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Trong năm 2010, Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Thông báo quốc gia lần thứ hai của Việt Nam về kiểm kê khí nhà kính, phương án giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và một số biện pháp thích ứng với biến đổi khí hậu gửi Ban thư ký Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu; theo dõi sát sao tiến triển của Thỏa thuận Copenhagen và các hoạt động đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu; tích cực vận động tài trợ cho Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu; chuẩn bị tốt nội dung để Đoàn Việt Nam tham dự thành công Hội nghị lần thứ 16 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu tại Cancun (Mexico), qua đó tiếp tục khẳng định vị thế Việt Nam là một trong những nước tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu.

 

PV: Thưa Bộ trưởng, việc ra đời Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội và thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản trong năm qua có thể xem là  bước phát triển mới nguồn nhân lực của ngành?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Đúng vậy, chúng tôi đặc biệt quan tâm, chú trọng đến công tác đào tạo nguồn nhân lực và tổ chức bộ máy của ngành. Bộ TN&MT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án phát triển đào tạo nhân lực ngành tài nguyên và môi trường giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020; tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về đào tạo theo nhu cầu ngành tài nguyên và môi trường; Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định thành lập Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội; Quyết định thành lập Tổng cục Địa chất và Khoáng sản. Đây là những bước phát triển mới, quan trọng trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy của Bộ, góp phần nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước ngành tài nguyên và môi trường.

PV:Tuy nhiên do đòi hỏi của xã hội ngày càng cao, Bộ trưởng nhận thấy trong thời gian tới ngành cần nỗ lực lớn trên những lĩnh vực nào?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Tôi cho rằng thứ nhất, về thể chế, chính sách, pháp luật, tuy đã được hoàn thiện một bước, nhưng vẫn còn có những bất cập. Bộ đã hoàn thành việc xây dựng, sửa đổi Luật Khoáng sản và đã được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII. Trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, bổ sung và hoàn thiện thể chế về 6 lĩnh vực còn lại, cụ thể là tập trung xây dựng các dự án Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), Luật Khí tượng thủy văn, Luật Đo đạc và bản đồ, Luật Tài nguyên và Môi trường biển; tiến hành đánh giá, tổng kết và chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường.

Thứ hai, trong thời gian tới, cần quan tâm hơn nữa đến công tác kiện toàn bộ máy, cán bộ công chức, viên chức làm công tác tài nguyên và môi trường, đặc biệt là ở địa phương, nhất là trong các lĩnh vực tài nguyên nước, khoáng sản, khí tượng thủy văn, đo đạc và bản đồ, biển, đảo.

 Thứ ba, người dân và doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn về các thủ tục hành chính. Là một trong những Bộ đi đầu trong việc triển khai, thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ, Bộ đã tăng cường phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tiến hành rà soát, đề xuất bãi bỏ hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền các thủ tục hành chính không cần thiết, gây phiền hà cho nhân dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, cần đẩy mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, thanh tra công vụ, tiếp tục cải cách lề lối làm việc của cả hệ thống quản lý, xử lý nghiêm cán bộ, công chức nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm đối với nhân dân và doanh nghiệp.

 Thứ tư, cần đổi mới cơ chế phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra; tăng cường đối thoại, nâng cao hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo, lập lại trật tự, kỷ cương trong toàn ngành tài nguyên và môi trường.

PVi: Năm 2011, xin Bộ trưởng cho biết định hướng chung của toàn ngành?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Năm 2011 là năm diễn ra sự kiện chính trị quan trọng của đất nước - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, cũng là năm đầu triển khai thực hiện Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành tài nguyên và môi trường với trọng tâm đẩy mạnh triển khai thực hiện Nghị quyết của Ban Cán sự đảng về đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, nhằm quản lý hiệu quả nguồn tài nguyên, nâng cao giá trị đóng góp của ngành vào nền kinh tế quốc dân, tăng cường bảo vệ môi trường, góp phần ổn định xã hội, khẳng định ngành tài nguyên và môi trường là một trong những ngành chủ lực đóng góp quan trọng cho quá trình phát triển bền vững đất nước.

Toàn ngành cần tiếp tục ra sức phấn đấu thực hiện tốt chủ trương đẩy mạnh kinh tế hóa ngành tài nguyên và môi trường, nâng cao vai trò và giá trị đóng góp của ngành cho thu ngân sách và tăng trưởng kinh tế; thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng; nhiệm vụ năm 2011 và Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của ngành tài nguyên và môi trường.

Bên cạnh đó, cần nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo trong công tác, tích cực đấu tranh chống lãng phí; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, góp phần nhanh chóng đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính; tăng cường thanh tra, kiểm tra trên các lĩnh vực quản lý của ngành nhằm sử dụng hợp lý tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên; tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; tập trung đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ; từng bước hiện đại hóa, chính quy hóa các công nghệ, trang thiết bị và cơ sở vật chất của toàn ngành.

PV: Xin Bộ trưởng một đôi lời nhắn gửi nhân dịp đầu xuân Tân Mão?

Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên: Nhân dịp Năm mới 2011 và Tết cổ truyền Tân Mão, thay mặt Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, tôi gửi đến các đồng chí cán bộ lão thành, cán bộ hưu trí, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, sinh viên đang công tác, làm việc và học tập trong ngành cùng gia đình lời thăm hỏi và chúc mừng đầu xuân tốt đẹp nhất. Với truyền thống đoàn kết gắn bó, với những nỗ lực và sáng tạo mới, chúng ta tiếp tục đổi mới ngành tạo bước phát triển toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

vea.gov.vn

Tin cùng chuyên mục