,

Thể chế hóa chủ trương không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế

Giải quyết các sự cố môi trường, từng bước kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa... là các nỗ lực của Bộ TN&MT trong lĩnh vực bảo vệ môi trường trong thời gian qua.

Cử tri tỉnh Thái Bình phản ánh tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải tại các nhà máy công nghiệp, chăn nuôi gia súc, xây dựng và giao thông đã đến mức báo động, gây tác động trực tiếp đến môi trường sinh hoạt, sức khỏe của nhân dân. Cử tri đề nghị Nhà nước cần có giải pháp cụ thể cho công tác bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới, như: Nghiên cứu áp dụng công nghệ cao vào xử lý rác thải sinh hoạt; khuyến khích các hoạt động xã hội hóa đối với công tác bảo vệ môi trường. Tăng cường các hoạt động truyền thông, vận động ý thức, trách nhiệm của toàn xã hội, mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Trả  lời vấn đề này, Bộ TN&MT cho biết, nhận thức rõ những thách thức, áp lực rất lớn của sự nghiệp bảo vệ môi trường, Chính phủ, Bộ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, triển khai đồng loạt các biện pháp để giảm thiểu, khắc phục ô nhiễm môi trường từ việc hoàn thiện chính sách pháp luật, thanh tra, kiểm tra, tăng cường hoạt động giám sát trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; thông qua đó đã giải quyết thành công các sự cố môi trường, từng bước kiềm chế sự gia tăng ô nhiễm, đồng thời thay đổi mạnh mẽ về phương thức quản lý, chuyển từ bị động sang chủ động phòng ngừa, tiếp cận mô hình phát triển ít ảnh hưởng đến môi trường, hài hòa giữa vấn đề môi trường với vấn đề kinh tế - xã hội.

 Đặc biệt, để nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, Bộ đã triển khai rà soát, đánh giá thực trạng, xác định các vấn đề bất cập về chính sách và xây dựng các quy định mới, trình Quốc hội thông qua tại Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Luật đã thể hiện rõ mục tiêu xuyên suốt là bảo vệ các thành phần môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, coi đây là nội dung trọng tâm, quyết định cho các chính sách bảo vệ môi trường, Luật cũng có nhiều quy định mới, mang tính đột phá như: thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;…

Đặc biệt, để giải quyết các vấn đề môi trường đang được cử tri, nhân dân đặc biệt quan tâm thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã có những chính sách cụ thể như cử tri đã đề xuất như: lộ trình hạn chế xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ chôn lấp trực tiếp (khoản 4 Điều 78); giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa, phòng, chống ô nhiễm rác thải nhựa đại dương (Điều 73); khuyến khích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ xử lý ô nhiễm, tái chế, xử lý chất thải thông qua các quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động đổi mới công nghệ, cải tạo, nâng cấp công trình xử lý chất thải (Điều 141); khuyến khích các hoạt động xã hội hóa đối với công tác bảo vệ môi trường (khoản 4 và điểm b khoản 6 Điều 52, khoản 7 Điều 75, khoản 1 Điều 78, khoản 2 Điều 84, khoản 3 Điều 144, khoản 3 Điều 147, các điều 157, 158 và 159 Luật Bảo vệ môi trường); tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về môi trường (Mục 4 Chương XI).

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương để xây dựng Nghị định và Thông tư quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật để hướng dẫn cụ thể các quy định nêu trên, dự kiến sẽ được ban hành trong cuối năm 2021. Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 03 Chỉ thị, trong đó đã phân công cụ thể trách nhiệm, nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai ngay.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền, vận động, giám sát người dân, gia đình, cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường, ngày 12/01/2021, Bộ cùng Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã ký Chương trình phối hợp số 05/CTrPH-MTTW-BTNMT thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường giai đoạn 2021-2025. Theo đó, có một số nội dung phối hợp quan trọng là: “tổ chức đánh giá và công bố mức độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống”; “tuyên truyền, vận động cộng đồng dân cư thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, nói không với túi ni lông khó phân huỷ, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường…”.

Ảnh minh họa

Đồng thời, để tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, trong năm 2021 và những năm tiếp theo, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai các giải pháp như:

Thứ nhất, tiếp tục bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm thể chế hóa việc thực hiện chủ trương không thu hút đầu tư bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường vì lợi ích kinh tế, kiểm soát nguy cơ phát sinh sự cố môi trường và vấn đề ô nhiễm môi trường xuyên biên giới, trong đó, tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thẩm định đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục tăng cường cơ chế giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường.

Kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất; tăng cường công tác bảo vệ môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động liên tục theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về cơ quan quản lý nhà nước về môi trường để theo dõi, giám sát…

Thứ hai, thiết lập và triển khai có hiệu quả các cơ chế xã hội hóa nhằm huy động tổng lực sự tham gia của toàn xã hội trên cơ sở kết hợp giữa Nhà nước, các tổ chức, giới khoa học, doanh nghiệp và người dân vào công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, “người hưởng lợi từ môi trường phải chi trả”. Sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho bảo vệ môi trường thông qua việc tăng cường vai trò điều phối, phân bổ chi ngân sách, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. 

Thứ ba, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính, đồng bộ hóa, hiện đại hóa hệ thống thông tin, dữ liệu về môi trường. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tranh thủ có hiệu quả sự hỗ trợ của quốc tế trong công tác bảo vệ môi trường; nghiên cứu, kiến nghị cơ chế cử cán bộ đại diện ngoại giao về môi trường tại các nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường…

Theo: http://www.monre.gov.vn/

Tin cùng chuyên mục