,

Môi trường Việt Nam gặp những sức ép gì?

Theo Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia giai đoạn 2016-2020, phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, đô thị hóa tạo những áp lực không nhỏ tác động lên môi trường.

* Đô thị hóa

Giai đoạn 2016 - 2020, tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc tăng từ 36,7% năm 2016 lên 39,3% năm 2020. Theo dự báo, tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam sẽ đạt khoảng 45% vào năm 2026, số dân cư sinh sống tại đô thị khoảng hơn 45 triệu.

Đô thị hóa đồng nghĩa với tập trung dân cư và phát triển công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế. Sản xuất công nghiệp tăng mạnh dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, gánh nặng bệnh tật. Bên cạnh đó, hệ sinh thái ở nhiều đô thị bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển KT-XH, như việc san lấp hồ, ao, giảm diện tích cây xanh, công viên để phục vụ phát triển hạ tầng. Phát triển đô thị đồng nghĩa với tăng số lượng đường, phương tiện giao thông, các tòa nhà và các công trình phục vụ tiện ích đô thị, từ đó làm giảm lưu thông không khí dẫn đến tích tụ các chất thải độc hại, gây ô nhiễm môi trường không khí đô thị, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

Môi trường nước mặt ở một số thành phố lớn bị ô nhiễm do các hoạt động phát triển đô thị, đô thị hóa, công nghiệp hóa. Hệ thống thoát nước tại các đô thị chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu thoát nước, nhiều hệ thống thoát nước không đồng bộ với hệ thống xử lý nước thải tập trung, dẫn đến hiệu quả xử lý thấp.

Các đô thị của Việt Nam, đặc biệt là các đô thị khu vực ven biển, cũng chịu ảnh hưởng nhất định bởi những tác động của BĐKH. Tại các đô thị khu vực đồng bằng và ven biển, tình trạng úng ngập thường xuyên xảy ra, có xu hướng mở rộng và gia tăng; trong khi các đô thị khu vực miền núi phải đối mặt với những thiên tai như lũ quét, sạt lở đất... Các yêu cầu về ứng phó với BĐKH chưa được cân nhắc, lồng ghép trong quy hoạch phát triển đô thị, hoặc việc thực hiện quy hoạch chưa tốt nên các tác động tiêu cực của BĐKH vẫn đang diễn ra ở một số nơi.

Sản xuất công nghiệp tăng mạnh dẫn đến sự gia tăng ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí. Ảnh minh họa (Nguồn : Internet)

* Phát triển công nghiệp

Công nghiệp là lĩnh vực có đóng góp quan trọng, chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nền kinh tế. Giai đoạn 2016 - 2020, sản xuất công nghiệp chiếm hơn 30% GDP của cả nước, liên tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân 8,2%/năm.

Hiện nay, mặc dù số lượng các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao ngày càng tăng, tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách khá xa so với một số quốc gia khác trong khu vực. Do vậy, để sản xuất các mặt hàng cần tiêu thụ nhiều nguyên liệu và năng lượng hơn, phát sinh nhiều chất thải hơn, gây sức ép đối với môi trường.

Trong khai thác khoáng sản, trừ một số loại khoáng sản có tài nguyên, trữ lượng lớn, phù hợp với khai thác quy mô công nghiệp như dầu khí, than, bôxít, titan, apatit, đất hiếm, đá hoa trắng..., phần lớn các loại khoáng sản còn lại có quy mô trữ lượng thuộc loại vừa và nhỏ, phân tán, điều kiện khai thác phức tạp, không phù hợp với đầu tư quy mô lớn, hiện đại. Bên cạnh đó, việc quá chú trọng đến sản lượng khai thác, chưa quan tâm nhiều đến sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại... đã làm lãng phí tài nguyên và gia tăng ô nhiễm môi trường.

Trước những cơ hội tái cấu trúc ngành công nghiệp, khi đại dịch COVID-19 xảy ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng và làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam sẽ có tiềm năng đón nhận làn sóng đầu tư nước ngoài, bao gồm các ngành tiềm ẩn khả năng gây ô nhiễm môi trường thuộc lĩnh vực gia công, chế biến (giấy, dệt nhuộm, thuộc da, khai thác và chế biến khoáng sản, hóa chất, nhiệt điện...).

* Phát triển năng lượng

Tại Việt Nam, các nguồn năng lượng khá phong phú (nhiên liệu hóa thạch, thủy điện, sinh khối, năng lượng gió, năng lượng mặt trời...); tuy nhiên, nguồn cung điện hiện nay chủ yếu dựa vào thủy điện và nhiệt điện than.

Đối với các nhà máy nhiệt điện, mỗi loại hình công nghệ sẽ phát sinh các loại chất thải khác nhau. Lượng phát sinh chất thải phụ thuộc vào loại nhiên liệu sử dụng và công nghệ sản xuất. Trong đó, nhiệt điện than phát thải một lượng lớn bụi và khí SO2, NOx; nhiệt điện dầu FO phát thải chủ yếu khí SO2, NO2; nhiệt điện khí - tuabin khí hỗn hợp phát thải chủ yếu khí NOx.

Ngoài ra, hoạt động của các nhà máy nhiệt điện than còn phát sinh một lượng lớn tro, xỉ, có thể sử dụng làm phụ gia cho một số ngành sản xuất vật liệu xây dựng.

Việc ưu tiên huy động nguồn thủy điện dẫn đến việc phát triển một số công trình thủy điện nhỏ, không chú ý đến tác động về KT-XH và môi trường, đã gây tác động tiêu cực ở một số nơi như: giảm diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn và suy giảm ĐDSH. Bên cạnh đó, việc xả nước không thường xuyên, không đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho khu vực hạ lưu đã khiến cho các hệ sinh thái nước và ven sông ở khu vực sau đập thủy điện bị suy giảm đồng thời ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất nông nghiệp khu vực hạ lưu do thiếu nguồn nước, đặc biệt vào mùa kiệt... gây nguy cơ khô hạn và sa mạc hóa ở hạ lưu, gia tăng xói mòn, sạt lở bờ sông và xâm nhập mặn...

Tại nhiều dự án thủy điện, chủ đầu tư chậm trồng rừng bù lại diện tích rừng mất đi do xây dựng thủy điện, dẫn đến thiên tai trong vùng ngày một khốc liệt, đe dọa an sinh xã hội.

Theo: monre.gov.vn

Tin cùng chuyên mục